Quảng bá du lịch qua internet vẫn “mạnh ai nấy làm”

(Dân trí) - Dù thời gian qua ngành du lịch đã nắm bắt nhanh xu hướng khai thác tiện ích của internet để phục vụ quảng bá du lịch, song việc tiến hành vẫn theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, chưa phát huy được tối đa hiệu quả của công cụ này.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin thì những phương thức quảng bá, xúc tiến du lịch dưới hình thức truyền thống như catalo, tờ rơi, áp phích, băng rôn… dần trở nên lỗi thời. Thay vào đó, công cụ internet ngày càng thể hiện vai trò quan trọng và những tiện ích vượt trội so với những phương thức quảng bá truyền thống nêu trên. Đó là lý do vì sao e-marketing ngày càng được ưa chuộng trong ngành du lịch.

Quảng bá du lịch qua internet vẫn “mạnh ai nấy làm”
Công cụ internet ngày càng thể hiện vai trò quan trọng và những tiện ích vượt trội so với những phương thức quảng bá truyền thống

Hiện nay, dễ dàng có thể thấy hầu hết các doanh nghiệp du lịch, địa phương đều có ít nhất một trang riêng để quảng bá sản phẩm du lịch của đơn vị hay địa phương mình. Những nhà hàng, khách sạn lớn cũng không bỏ qua cơ hội thiết lập cho mình những kênh quảng bá thông tin bằng internet. Tuy nhiên, đi đầu trong việc ứng dụng e-marketing vẫn là những đơn vị lữ hành. Đa phần các đơn vị lữ hành lớn nhỏ như Vietravel, Saigontourist, Hanoi Redtours, Vitours, Fiditours…. đều xây dựng website riêng để quảng bá các sản phẩm du lịch và thiết lập kênh giao dịch trực tuyến.

Ông Kai Partale, chuyên gia tư vấn du lịch của Dự án chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (ESRT) nhận định: “Hiện tại, marketing trực tuyến qua internet đang trở thành một phần quan trọng nhất trong marketing hỗn hợp (marketing mix). Việc e-marketing có ít tốn kém hay không vẫn còn là điều bí ẩn, tuy nhiên nó sẽ cực kỳ hiệu quả nếu được thiết kế tốt, từ đó sẽ “đáng đồng tiền bát gạo” hơn so với marketing truyền thống”.

Quảng bá du lịch qua internet vẫn “mạnh ai nấy làm”
Việc quảng bá, xúc tiến du lịch nói chung và việc sử dụng công cụ internet để quảng bá du lịch nói riêng hiện nay vẫn được tiến hành theo kiểu “mạnh ai nấy làm”

Trên thực tế, khách du lịch trong và ngoài nước ngày càng có xu hướng lựa chọn công cụ internet để tìm kiếm thông tin du lịch trước khi lựa chọn cho mình một điểm đến. Đặc biệt, đối với những du khách ở xa không thể tiếp cận thông tin du lịch qua tư vấn trực tiếp thì mạng Internet là hình thức mua tour hữu hiệu nhất. Theo kết quả nghiên cứu thị trường khách quốc tế của Sở VHTTDL Đà Nẵng, khách du lịch châu Á tìm hiểu thông tin du lịch Đà Nẵng qua mạng internet chiếm khoảng 23-30%, trong khi lượng khách châu Âu chiếm đến 80-90%, trong đó có khoảng 68% du khách Nga, 50% du khách Pháp... sử dụng Internet để tìm kiếm thông tin về các điểm đến, tour du lịch.

Cũng theo thống kê của Sở VHTTDL Đà Nẵng, ngoài các công ty lữ hành, website của các công ty thuộc lĩnh vực dịch vụ du lịch như hàng không, nhà hàng, khách sạn, cơ sở mua sắm, ăn uống trên địa bàn thành phố chiếm hơn 70% số trang web có tính năng hỗ trợ giao dịch thương mại điện tử.

Tuy nhiên, việc quảng bá, xúc tiến du lịch nói chung và việc sử dụng công cụ internet để quảng bá du lịch nói riêng hiện nay vẫn được tiến hành theo kiểu “mạnh ai nấy làm” chứ không theo một chiến lược cụ thể. Thế nên mới có chuyện những doanh nghiệp du lịch lớn và những địa phương có thế mạnh về du lịch tỏ ra rất năng động trong việc đầu tư và phát triển công cụ e-marketing này. Ngược lại, những doanh nghiệp vừa, nhỏ cũng như những địa phương kém phát triển hơn về du lịch lại không mấy quan tâm đến lợi ích của internet đem lại. Chính hiện tượng “mạnh ai nấy làm” đó nên việc quảng bá du lịch thiếu trọng tâm và không phát huy được tối đa lợi ích của e-marketing.

Quảng bá du lịch qua internet vẫn “mạnh ai nấy làm”
Thống kê của Sở VHTTDL Đà Nẵng, ngoài các công ty lữ hành, website của các công ty thuộc lĩnh vực dịch vụ du lịch như hàng không, nhà hàng, khách sạn, cơ sở mua sắm, ăn uống trên địa bàn thành phố chiếm hơn 70% số trang web có tính năng hỗ trợ giao dịch thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, ông Kai cho rằng, hiện nay tuy chịu trách nhiệm về marketing du lịch, song Tổng cục Du lịch chưa được cấp nguồn lực và trao quyền đầy đủ để thực hiện chức năng của một cơ quan marketing du lịch quốc gia. Ngân sách dành cho marketing cũng còn quá ít so với các quốc gia khác trên thế giới để có thể quản lý xúc tiến hỗn hợp, bao gồm cả e-marketing. Đó là lý do khiến chúng ta chưa thể tối đa hóa tiềm năng của ngành du lịch Việt Nam.

Ngoài ra, theo đề xuất của ông Kai, Tổng cục Du lịch và ngành du lịch có thể tối đa hóa nỗ lực marketing của mình trong việc tận dụng triệt để các công cụ dựa trên internet như: Quảng cáo trên internet để thu hút lượng truy cập tới trang web và tăng cường nhận thức về điểm đến, công ty hay gia tăng phản hồi về một chiến dịch; Tiếp thị qua công cụ tìm kiếm (SEM), tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) để quảng bá các trang web nhờ việc tăng cường hình ảnh qua kết quả hiện thị trên trang tìm kiếm; Truyền thông mạng xã hội thông qua trang web như Facebook và Twitter; Tiếp thị qua thư điện tử để truyền tải trực tiếp thông điệp; Marketing giới thiệu tới khách hàng thông qua việc giới thiệu, ví dụ qua TripAdvisor.

Song An