Qua nơi muối từng đắt ngang vàng ròng

Ở đây cả nước và muối đều quý. Có người kể với tôi rằng, ngày xưa một cân muối tương đương với một cân vàng ròng.

Sahara là sa mạc lớn nhất trên thế giới, được bốn quốc gia vùng Bắc Phi là Ma-rốc, Ai Cập, Tunisia, và Algeria cùng chia sẻ. Nó nằm ở phía Tây Nam Ma-rốc, tương đối xa so với khu thành phố phía Bắc phát triển hơn.

 

Qua nơi muối từng đắt ngang vàng ròng



"Trước đây chẳng ai để ý đến vùng đất cằn cỗi này, chỉ khi có nhiều khách du lịch muốn đến đây thì cuộc sống mới thay da đổi thịt được một chút," Anh tài xế Mohamed nói với tôi. Chặng đường từ Marrakech tới ngoại biên của Sahara, trải dài cả một nửa phía nam của Ma-rốc. Xe phải vượt qua Atlas, dãy núi huyền thoại và là một trong những điểm hiếm hoi có tuyết phủ trắng của châu Phi, rồi đi xuyên vùng bình nguyên cằn cỗi.

 

Phong cảnh thay đổi từ những đồng ruộng phì nhiêu, đèo cao phủ tuyết, rồi xuống đến nơi hoang mạc khô khan không có chút bóng râm nào. Sự hiện diện của con người vì thế cũng thưa thớt dần.

 

Qua nơi muối từng đắt ngang vàng ròng



Trên đường đi, chúng tôi có ghé qua tại một ngôi làng từng là điểm dừng chân của những lữ hành phương Nam đi lên vùng phương Bắc màu mỡ hơn. Ngôi làng này nằm trong một ốc đảo nhỏ, có một dòng nước bé xíu chạy qua. Bao bọc xung quanh là những mảng đồi trọc cằn cỗi trải dài cho đến tận chân núi Atlas.

 

Ngôi làng xinh xắn này từng có vài trăm hộ gia đình, bây giờ chỉ còn hơn chục hộ. Một nửa dân làng trước đây là người Do Thái, sống rất hòa bình với những người láng giềng Hồi giáo. Vào những năm 1960, họ chuyển về Israel định cư, để lại tòa điện thờ Do Thái bỏ hoang.

 

Qua nơi muối từng đắt ngang vàng ròng



"Không có lữ hành nữa, nước thì thiếu hơn, nên những ai ở lại chỉ có bán đồ thủ công cho khách du lịch," một người dân địa phương nói với tôi khi đang mải miết vẽ tranh dưới trời nắng gắt. Ở đây cả nước và muối đều quý. Có người kể với tôi rằng, ngày xưa một cân muối tương đương với một cân vàng ròng. Đứng trên điểm cao nhất của ốc đảo nhìn xuống xung quanh, mới hiểu được hết cuộc sống khắc nghiệt nơi đây.

 

Toàn bộ dân làng là người Hồi giáo. Bởi cuộc chiến với thiên nhiên quá không cân sức, người ta cần tìm đến sự trợ giúp từ thánh Allah chăng?

 

Bãi cát dài lại bãi cát dài

 

Nhắc đến Sahara, chúng ta thường liên tưởng đến những đụn cát dài bất tận. Nhưng có lẽ cái tên sa mạc (bãi cát) dễ gây ra hiểu nhầm. Vùng đất này không chỉ có cát, mà còn cả những dải đất khô cằn cỗi kéo dài đến sốt ruột, khi chiếc xe khách đi sâu vào trong Sahara không thấy điểm dừng.

 

Qua nơi muối từng đắt ngang vàng ròng



Nhưng phía dưới sự cằn cỗi đó là kho báu thực sự, chứa các loại quặng quý với trữ lượng khổng lồ được phát hiện ở Sahara. Và chính ra cát cũng là một tài nguyên quý giá: hàng năm Ma-rốc xuất khẩu một lượng cát rất lớn.

 

Qua nơi muối từng đắt ngang vàng ròng



Thế nên Sahara không hẳn là vùng "chó ăn đá, gà ăn sỏi," mà là miếng bánh màu mỡ bị nhiều thế lực tranh giành. Vùng Tây Sahara thuộc lãnh thổ Ma-rốc hiện nay trước kia là một nước độc lập. Quân đội hoàng gia Ma-rốc xâm lược và sát nhập Tây Sahara vào năm 1978, động thái khiến cho Liên minh châu Phi (AU), vẫn đang tẩy chay quốc gia này.

 

Hiện giờ, phong trào đòi độc lập của Tây Sahara vẫn đang diễn ra. Trên chặng đường đi qua những ốc đảo, thi thoảng lại xuất hiện một dòng chữ xếp bằng đá trên những triền đồi bằng tiếng Ả rập, viết "Sahara của chúng ta!"

 

Qua nơi muối từng đắt ngang vàng ròng


Qua nơi muối từng đắt ngang vàng ròng


Xe của tôi đến điểm tập kết vào lúc xế chiều, vẫn kịp để cưỡi lạc đà đi qua những đụn cát dài trong hoàng hôn, tới trại lữ hành nằm phía sâu bên trong. Đó là một trải nghiệm thú vị, tuy đối với người Việt có lẽ... cưỡi trâu sẽ thoải mái hơn loài vật hơi quá khổ và lại gầy như lạc đà. Và đi trên cát là một cuộc tra tấn thể lực thực sự, bởi như Cao Bá Quát từng than vãn, "đi một bước như lùi một bước".

 

Theo Khắc Giang

Vietnamnet