Hội nghị xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch năm 2015:

“Quảng Bình có một “mỏ vàng” hang động để phát triển du lịch”

(Dân trí) - Trước thềm Hội nghị xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch, Dân trí đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình. Ông Hoài khái quát, tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt là có “mỏ vàng” hang động ở Phong Nha – Kẻ Bàng.

Xin ông cho biết những tiềm năng, thế mạnh của du lịch Quảng Bình?

Quảng Bình nằm ở vị trí trung chuyển của hệ thống trục giao thông quan trọng xuyên Việt. Có đường sắt Bắc – Nam chạy qua, Quốc lộ 1A, đường mòn Hồ Chí Minh với hai nhánh Đông và Tây chạy suốt chiều dài của tỉnh, đường 20 và Quốc lộ 12, Quốc lộ 9B nối Quảng Bình với nước CHDCND Lào; các cảng biển Hòn La, sân bay Đồng Hới, là điều kiện thuận lợi cho du khách đến với Quảng Bình bằng tuyến đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường thủy.

onghoai-ad300
Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình: "Quảng Bình có "mỏ vàng" hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng để phát triển du lịch"

Đặc biệt, tiềm năng nổi bật của Quảng Bình là Phong Nha – Kẻ Bàng, nơi vừa được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới lần 2 với 02 tiêu chí nổi trội về hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Cùng với vùng núi đá vôi khổng lồ được hình thành trên 400 triệu năm, chứa đựng trong lòng gần 300 hang động lớn nhỏ. Đây có thể được xem là một “mỏ vàng” để khai thác, phát triển ngành du lịch. Ngoài ra, các điểm du lịch tâm linh như: Đền thờ AHLS đường 20 – Quyết thắng và hang Tám TNXP, đền Thánh mẫu Liễu Hạnh… hay các bãi biển thơ mộng Nhật Lệ, Quang Phú, Bảo Ninh, Đá Nhảy cũng là những nơi có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch.

Tiềm năng và lợi thế của du lịch Quảng Bình là rất lớn. Vì vậy, trong những năm qua tỉnh đã có nhiều chính sách ưu tiên xây cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ khách du lịch một cách tốt nhất. Hiện tại, Quảng Bình có gần 300 cơ sở lưu trú, trong đó có 1 resort đạt tiêu chuẩn 5 sao và nhiều khách sạn từ 1-4 sao với gần 4.000 buồng, gần 8.000 giường. Hiện nay, các nhà đầu tư cũng đang triển khai nhiều khách sạn cao cấp từ 3 - 5 sao với khoảng 3.000 giường sẽ đưa vào sử dụng cuối năm 2015. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ công nhân viên phục vụ du lịch có kiến thức nghiệp vụ, tay nghề cao và tận tình với du khách. Do đó, Quảng Bình đã thu hút các nhà đầu tư lớn như Vingroup, Mường Thanh Group, Sun Group, Sài Gòn Tuorist, Co.op Mart… triển khai đầu tư xây dựng các khách sạn, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại cao cấp.

Trong những năm gần đây, “vương quốc hang động” ở Quảng Bình đã được đầu tư, phát triển như thế nào, thưa ông?

Dựa vào lợi thế về hệ thống hang động kỳ vỹ tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, trong những năm gần đây, tỉnh đã chú trọng đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ du lịch phong phú như: tham quan động Thiên Đường, động Phong Nha - Tiên Sơn, tuyến du lịch chinh phục hang Sơn Đoòng, tuyến du lịch sông Chày – hang Tối, Rào Thương – Hang Én, khám phá hệ thống hang động Tú Làn, hang Tiên, hang Va – hang Nước Nứt…

sondong-e57a7
Vẻ đẹp kỳ vỹ ở Sơn Đoòng (Ảnh đoàn thám hiểm cung cấp)

Trong năm 2014, Quảng Bình đã được tờ The New York Time (Mỹ) bình chọn là điểm đến xếp vị trí 8/52 của thế giới và đứng thứ 1/12 trong khu vực châu Á; tháng 5/2015, hang Sơn Đoòng được trang du lịch Smarter Travel (Mỹ) bình chọn là một trong 27 kỳ quan thiên nhiên đẹp ngỡ ngàng ở châu Á. Đặc biệt ngày 13/5, hình ảnh hang Én và hang Sơn Đoòng đã được phát sóng trực tiếp trên đài truyền hình ABC (Mỹ) trong chương trình Good Morning America. Chương trình đã gây tiếng vang lớn cho du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Quảng Bình nói riêng trên toàn cầu. Tháng 6/2015, Sơn Đoòng cũng được chọn là điểm nhấn trong chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Singapore do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện.

Với những kết quả trên, ông có thể điểm qua một số dự án lớn tỉnh đang kêu gọi đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ tại Quảng Bình?

Để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, hiện nay tỉnh đang kêu gọi đầu tư các dự án như: Trung tâm vui chơi giải trí khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng (dự kiến 500 tỷ đồng), Dự án du lịch sinh thái Làng văn hóa dân tộc thiểu số Arem (dự kiến 650 tỷ đồng), Khu nghỉ mát và giải trí sinh thái Phong Nha (dự kiến 600 tỷ đồng), Khu thương mại tổng hợp Phong Nha – Kẻ Bàng (dự kiến 600 tỷ đồng),… Đặc biệt là Khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp (khu vực U Bò, xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch) với tổng mức đầu tư dự kiến 1.000 tỷ đồng. Các dự án nhằm phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, du lịch, giải trí của du khách khi đến với Quảng Bình.

Ngoài việc kêu gọi các nhà đầu tư khai thác, phát triển hệ thống hang động ở VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, tỉnh còn chú trọng kêu gọi các dự án nào nữa, thưa ông?

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư quảng bá du lịch lần này, ngoài việc kêu gọi đầu tư các dự án nhằm phát triển du lịch ở VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, tỉnh cũng rất chú trọng kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng sân golf ven biển và các dự án khác như: Dự án Khu công viên giải trí phục vụ du lịch quốc tế tại xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới (1.500 – 2.000 tỷ đồng); Dự án Khu phức hợp đa năng du lịch nghỉ dưỡng Đá Nhảy – Ba Trại (1.500 tỷ đồng); Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Ninh – Hải Ninh (tối thiểu 2.500 tỷ đồng)…

1-1401852671-7c291
Nếu dự án sân Golf ở Quảng Bình được triển khai nó không chỉ tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người lao động ở địa phương (Ảnh minh họa)

Xin ông cho biết những giải pháp để xây dựng Quảng Bình là một điểm đến hấp dẫn, thân thiện và an toàn?

Từ năm 2014, du lịch Quảng Bình đã có sự tăng trưởng vượt bậc và trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Cụ thể, trong năm 2014, du lịch Quảng Bình thu hút gần 2,8 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt hơn 3.400 tỷ đồng. Việc phát triển du lịch cũng đã tạo việc làm trực tiếp cho gần 10.000 lao động và khoảng 10.000 người khác được hưởng lợi gián tiếp từ việc cung cấp các dịch vụ phục vụ du khách.

Để nâng cao vị thế thương hiệu du lịch, xây dựng Quảng Bình trở thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện và an toàn, tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá tại các thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế. Tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, các tỉnh Bắc Trung Bộ để phát triển du lịch; phối hợp các dự án, trường đào tạo du lịch bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các quy định của Nhà nước về du lịch nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên, bảo đảm an ninh trật tự cho đội ngũ cán bộ ngành du lịch, các cá nhân, tổ chức kinh doanh du lịch và người dân.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch; không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa sản phẩm du lịch; tăng cường công tác quản lý giá cả, bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn, cho khách du lịch.

Xin cảm ơn ông!

Đặng Tài (thực hiện)

Email: Dangtai@dantri.com.vn