Pongour - Ngọn thác hùng vĩ nhất Đông Dương

(Dân trí) - Trong những ngọn thác ở Tây Nguyên, thác Pongour nằm ở phía nam Đà Lạt được tôn vinh là “ngọn thác hùng vĩ nhất Đông Dương”.

Theo truyền thuyết của đồng bào dân tộc thì thác gắn liền với câu chuyện về nàng Ka Nai - một Tù trưởng xinh đẹp đã có công xây dựng nên cuộc sống thịnh vượng của đồng bào K’ho. Tương truyền Ka Nai có 4 con tê giác và Pongour là dấu vết các con tê giác cắm sừng xuống đất.

 

Pongour - Ngọn thác hùng vĩ nhất Đông Dương

 

Tên ngọn thác Pongour do người Pháp phiên âm từ tiếng dân tộc bản địa K’Ho: Pon-gou - với nghĩa ông chủ vùng đất sét trắng. Còn người dân địa phương gọi là thác Bảy Tầng bởi dòng thác chảy qua hệ thống đá bậc thang 7 tầng với độ cao gần 40m.

 

Thác Pongour trải rộng hơn 100m. Thác bị nhiều mỏm đá chặn lại, dòng sông xé ra thành một chục dòng thác gieo mình trải dọc bờ vách thẳng đứng. Nước thác tung lên thành các bức tường bọt trắng dày xốp và thành những đám mây hơi nước khổng lồ bao trùm lên khắp mặt sông. Vào mùa mưa, khối nước khổng lồ tuôn từ tầng này xuống tầng khác, tạo ra những tiếng vang rất xa, màn sương khói huyền ảo, rồi chảy vào một hồ nước.

 

Trái ngược với sự sôi động của dòng thác, ngay trên đỉnh thác có một bến thuyền du lịch chạy điện, êm ả đưa khách dọc ngang mặt sông mà không hề có tiếng máy nổ, không hề có khói bụi ồn ào. Đặc biệt, ở Pongour có một bảo tháp ba tầng vươn lên giữa một hồ nước, là nơi người ta có thể tọa thiền để dưỡng tâm và thụ hưởng khí lành. Con đường nhỏ dẫn ra tháp nằm chìm dưới mặt nước khiến người ra như đang bay trên mặt hồ.

 

Pongour - Ngọn thác hùng vĩ nhất Đông Dương


Pongour - Ngọn thác hùng vĩ nhất Đông Dương
 

 

Khung cảnh thiên nhiên ở thác Pongour vẫn còn lưu giữ được nét hoang sơ. Bao quanh thác là khu rừng nguyên sinh có diện tích khoảng 2,5 ha với thảm thực vật đa dạng, phong phú. Nơi đây còn rất nhiều cây cổ thụ, muông thú sinh sống.

 

Cách chân thác khoảng 200m về phía hạ nguồn là vách đá sừng sững dài khoảng 100m, cao hơn 70m. Vách đá phủ rêu, lởm chởm dễ cây nhìn tựa bức tường thành bị lãng quên hàng thế kỷ. Nơi đây được gọi là thảm én bởi bề mặt của vách đá có nhiều khe nên hàng năm khoảng đầu hè có nhiều chim én chọn nơi đây làm tổ và sinh sống.

 

Hàng năm, vào ngày rằm tháng riêng âm lịch, có đến hàng chục ngàn người đổ về thác pongour


Hàng năm, vào ngày rằm tháng riêng âm lịch, có đến hàng chục ngàn người đổ về thác pongour

 

Hàng năm, vào ngày rằm tháng riêng âm lịch, có đến hàng chục ngàn người đổ về thác pongour  trẩy hội mùa xuân, cắm lều trên các ngọn đồi xung quanh thác. Đây là dịp thanh niên sống hòa đồng  gặp gỡ, làm quen và tìm hiểu nhau.

 

 

Minh Anh (tổng hợp)