Phòng, chống mại dâm: Sợ ảnh hưởng tới du lịch (?!)

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết, thực tế có nơi chưa quan tâm tới hoạt động phòng, chống mại dâm. Thậm chí, có tư tưởng nếu chống mại dâm quá mạnh sẽ ảnh hưởng tới thu hút khách du lịch.

Lập công ty để hoạt động mại dâm

Phòng, chống mại dâm: Sợ ảnh hưởng tới du lịch (?!) - 1

 

Sáng 23/10, tại Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện chương trình hành động phòng, chống mại dâm (giai đoạn 2011-2015), bà Lê Thị Hà, Phó Cục trưởng Phòng, chống Tệ nạn Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đánh giá: Công tác phòng, chống mại dâm tại các địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, công tác phòng, chống mại dâm gặp nhiều khó khăn, do các đối tượng hoạt động mại dâm có các thủ đoạn rất tinh vi, trá hình. Thậm chí, một số địa phương có thái độ “làm ngơ” với mại dâm để thu hút khách du lịch.

Tại hội nghị, đại diện Bộ Công an cho biết, loại hình mại dâm mang tính chất truyền thống, liên quan tới các tụ điểm như nhà nghỉ, vũ trường, karaoke, tẩm quất, massage… có chiều hướng giảm. Thay vào đó, hoạt động môi giới mại dâm qua mạng internet, “sex tour”… ngày càng phổ biến.

Theo đại diện Bộ Công an, giai đoạn 2011-2015, lực lượng này đã triệt phá nhiều đường dây gái gọi cao cấp, với sự tham gia của một số người mẫu, diễn viên, học sinh, sinh viên và người nước ngoài. Các đối tượng này thường lập ra các công ty tổ chức sự kiện, cho thuê người yêu, thư ký, du lịch, cho thuê một phần cơ thể… với giá tới hàng chục triệu đồng để hoạt động mại dâm. Đáng chú ý, nhiều đối tượng lợi dụng việc giành giải thưởng tại các cuộc thi sắc đẹp, người mẫu, danh tiếng cá nhân, khoe ảnh “nóng” trên mạng xã hội (facebook, zalo, ola…) để nổi tiếng nhằm hoạt động mại dâm.

Ông Lê Văn Quý, Phó Chi cục trưởng Phòng, Chống Tệ nạn xã hội TPHCM kể, trên địa bàn thành phố hoạt động mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm ngày càng tăng. Trong khi đó, hành lang pháp lý để xử lý nhóm đối tượng này thiếu hoặc chưa có, khiến việc xử lý, ngăn chặn gặp nhiều khó khăn.“Phần lớn đối tượng chào hàng, môi giới mại dâm qua mạng internet, điện thoại di động là giới người mẫu, sinh viên đang diễn ra ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng”, ông Quý nói.

Quy hoạch khu “nhạy cảm” để quản?

Để công tác phòng, chống mại dâm thời gian tới đạt hiệu quả, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương kiến nghị tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục; tạo công ăn việc làm; giúp người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng; hoàn thiện hành lang pháp lý; quy trách nhiệm cấp xã/phường…

Riêng ông Lê Văn Quý đề xuất Quốc hội, Chính phủ, các ban ngành xem xét cho thí điểm quy hoạch khu vực kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm”, như karaoke, tẩm quất, gội đầu, massage… Theo ông Quý, việc ngăn chặn triệt để hoạt động mại dâm là điều không tưởng. “Nên chăng quy hoạch các hoạt động dịch vụ nhạy cảm thành khu riêng để dễ quản lý, đảm bảo chế độ cho người lao động, như khám sức khỏe, lương, bảo hiểm… không để xảy ra mất trật tự xã hội”, ông Quý nói.

Với đề xuất của TPHCM, ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Phòng, Chống Tệ nạn Xã hội TP Hà Nội cho biết, phải rất thận trọng. Theo ông, có quy hoạch các khu vui chơi, giải trí thành khu vực hay không phải tùy thuộc vào quy định. “Có thể đó (quy hoạch khu dịch vụ nhạy cảm - PV) là sáng tạo, nhưng cần nghiên cứu thêm và có đánh giá thận trọng trước khi thực hiện, tránh gây xáo trộn trong dư luận”, ông Thức nói. Theo ông Thức, dù có quy hoạch hay không vẫn cần quản lý chặt chẽ hoạt động nhạy cảm.

Thứ trưởng LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho rằng, đề xuất của TPHCM mới là suy nghĩ, cần nghiên cứu thêm. Theo đó, cần tính toán toàn diện, vì không phải dịch vụ karaoke, massage, tẩm quất, gội đầu… nào cũng hoạt động thiếu lành mạnh. Ngoài ra, theo ông Đàm, không ai dám chắc khi đã quy hoạch vào một khu vực, sẽ không phát sinh ở khu vực khác. Do đó, giải pháp chính vẫn là tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp, đặc biệt cấp phường/xã. “Nếu đề xuất của TPHCM hiệu quả, khả thi chúng tôi sẽ ủng hộ. Nhưng tới lúc này, chưa thể nói đó là cách làm hay”, ông Đàm nói.

Nhiều ý kiến đề xuất nên công nhận mại dâm là một nghề và có hành lang pháp lý để quản lý, thay vì cấm đoán và phòng chống không đem lại mấy hiệu quả như vừa qua. Đáp lại, ông Đàm cho rằng: Quan điểm cá nhân không thể nói thừa nhận hay không.

Vì phải căn cứ theo truyền thống, đạo lý, chuẩn mực giá trị xã hội đã được cha ông ta xây dựng. “Chúng ta phải kế thừa, cái gì không chấp nhận được về mặt xã hội phải đấu tranh. Không thể học theo các nước khác coi đó (mại dâm - PV) là một nghề, công việc hợp pháp để ứng xử. Đối với Việt Nam, trước mắt chưa thuận được”, ông Đàm nói.

Ông Đàm thừa nhận, thực tế những người từ bỏ nghề bán dâm hầu hết do không còn khả năng hoạt động nữa. Tuy nhiên, khi từ bỏ nghề họ gặp rào cản tự ti bản thân, và sự kỳ thị của chính quyền, cộng đồng. Như việc vay vốn để tạo việc làm, về bảo lãnh, thế chấp, độ tin cậy để giao vốn.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, hiện cả nước có 11.240 người bán dâm có hồ sơ quản lý. Tập trung nhiều ở khu vực Đồng bằng sông Hồng (3.673 người), Đông Nam bộ (3.200 người), Đồng bằng sông Cửu Long (1.374 người)… Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Tổng số kinh phí cho hoạt động phòng, chống mại dâm 5 năm qua là 629 tỷ đồng. Với đội ngũ làm công tác phòng, chống mại dâm ở các tỉnh thành là 20.624 người.

Theo Lê Hữu Việt

Tiền Phong