Phi hành đoàn tham gia làm việc tại bệnh viện dã chiến

(Dân trí) - Phi hành đoàn của 2 hãng hàng không Anh EasyJet và Virgin có đội máy bay đang “nằm đất”, được đề nghị làm việc tình nguyện tại bệnh viện dã chiến mới Nightingale.

Phi hành đoàn tham gia làm việc tại bệnh viện dã chiến - 1

Máy bay của EasyJet đỗ tại sân bay Luton (London) hôm 30/3. (Ảnh: Reuters).

Giữa lúc dịch Covid-19 vẫn đang lan rộng, ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng nề nên nhiều hãng chỉ tồn tại gần như “ảo”. Trong khi đó các bệnh viện của Anh đang trong tình trạng quá tải bệnh nhân nhiễm Covid-19, rất cần thêm các sự hỗ trợ kể cả của các nhân viên hàng không đang nghỉ việc.

Báo Insider ngày 31/3 dẫn nguồn tin từ Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS) cho hay: EasyJet đã đề nghị toàn bộ 9.000 nhân viên làm việc tại Anh của hãng, trong đó có 4.000 nhân viên phục vụ cabin được đào tạo các biện pháp cấp cứu hồi sức tim phổi (CPR) cùng tham gia làm việc tình nguyện cho bệnh viện dã chiến mới Nightingale tại Thủ đô London.

Phi hành đoàn tham gia làm việc tại bệnh viện dã chiến - 2

Các thành viên phi hành đoàn trên một chuyến bay của EasyJet.

EasyJet là hãng hàng không lớn của Anh, đặt trụ sở chính tại sân bay Luton ở London. EasyJet vận chuyển nhiều hành khách nhất trong số các hãng hàng không có trụ sở tại Anh, với 500 tuyến bay nội địa và quốc tế.

Còn Virgin Atlantic là hãng hàng không nhỏ, có trụ sở chính ở Crawley, West Sussex. Virgin Atlantic cho biết cũng đề nghị tương tự với khoảng 4.000 nhân viên của hãng.

BBC dẫn thông báo của Virgin Atlantic cho hay, các nhân viên đang phải nghỉ việc do toàn bộ đội máy bay “nằm đất”, khi tới làm tại bệnh viện Nightingale sẽ được trả lương thông qua chương trình “giữ người” của Chính phủ Anh.

Phi hành đoàn tham gia làm việc tại bệnh viện dã chiến - 3

EasyJet đề nghị tất cả nhân viên của hãng tại Anh làm việc tình nguyện cho bệnh viện dã chiến mới Nightingale.

Tuần trước Bộ trưởng Y tế Matt Hancock thông báo: Anh đã chuyển đổi một địa điểm tổ chức sự kiện lớn tại trung tâm London thành bệnh viện dã chiến có công suất chữa trị cho 4.000 bệnh nhân nhiễm Covid-19. Các nhân viên hàng không đang nghỉ việc cũng được mời làm việc tại bệnh viện mới này.

Các bệnh viện khác cũng đang được xây dựng tại Birmingham và Manchester, một số địa điểm nữa đang được cân nhắc nếu phát sinh thêm nhu cầu thực tế.

Phi hành đoàn tham gia làm việc tại bệnh viện dã chiến - 4

Bệnh viện dã chiến Nightingale (phần phía trước trong ảnh) được thành lập để giảm bớt áp lực cho các bệnh viện của NHS tại London đang quá tải bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Trung tâm tổ chức sự kiện lớn ExCeL ở phía đông Thủ đô London được hoán cải thành bệnh viện dã chiến Nightingale. Bệnh viện có 2 khu vực, mỗi nơi có công suất điều trị cho 2.000 người.

Từ phía EasyJet, trong tuyên bố qua văn bản Giám đốc phụ trách dịch vụ cabin Tina Milton nêu rõ: “Tất cả chúng ta đều cần đến NHS vào lúc nào đó trong cuộc sống, vì vậy chúng tôi rất tự hào là giờ đây phi hành đoàn của hãng có thể giúp hỗ trợ HNS vào thời điểm quan trọng này”.

Tuyên bố cũng nhấn mạnh rằng nhờ được đào tạo về kỹ năng xử lý các tình huống khẩn cấp về sức khoẻ, đội ngũ nhân viên cabin của EasyJet có thể hỗ trợ lực lượng y tế làm việc hiệu quả hơn.

Phi hành đoàn tham gia làm việc tại bệnh viện dã chiến - 5

Bệnh viện dã chiến Nightingale dự kiến khai trương trong tuần này, cung cấp thêm 4.000 giường bệnh điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Về công việc cụ thể, theo NHS, các tình nguyện viên sẽ chăm sóc bệnh nhân và làm những phần công việc phi lâm sàng khác để hỗ trợ nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Các nhân viên hỗ trợ đang được tuyển dụng vào làm việc tại bệnh viện dã chiến mới Nightingale có mức lương theo như quảng cáo là 37.500 Bảng một năm, nhiều hơn 13.500 Bảng so với mức lương trung bình của các y tá Anh.

Phi hành đoàn tham gia làm việc tại bệnh viện dã chiến - 6

Các binh sĩ Anh cũng tham gia xây dựng bệnh viện (ảnh chụp họ làm sàn nhà tại trung tâm ExCeL hôm 27/3).

Báo Daily Mail ngày 31/3 đưa tin: Hoàng tử Anh William cũng tỏ ý muốn quay lại làm việc cho NHS với tư cách phi công lái máy bay cứu thương, để góp phần thiết thực vào cuộc chiến chống Covid-19.

Phi hành đoàn tham gia làm việc tại bệnh viện dã chiến - 7

Hoàng tử William từng là phi công lái máy bay cứu thương trong 2 năm.

Hoàng tử William, 37 tuổi, đã tốt nghiệp khóa đào tạo phi công trực thăng năm 2010 và trở thành phi công lái máy bay tìm kiếm cứu nạn của Không quân Hoàng gia Anh (RAF).

Tháng 9/2013 Hoàng tử rời khỏi vị trí này để làm việc toàn thời gian với tư cách phi công lái máy bay cứu thương cho Đông Anglian (hãng chuyên cung cấp dịch vụ y tế khẩn cấp bằng trực thăng trên khắp các quận của Anh) trong 2 năm từ 2015 tới 2017. Hồi đầu tháng 3 này Hoàng tử vừa tới thăm trung tâm cuộc gọi của NHS tại Croydon, phía nam London.

Linh Lê

Theo Insider, Daily Mail