Phát triển du lịch: "Không cần com lê, cà vạt, xắn tay ngay vào làm"

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, tầm quan trọng, tiềm năng phát triển cũng như các vấn đề đặt ra đối với du lịch Việt Nam để phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn đã được nhận diện đầy đủ, vấn đề là thực hiện, biến nhận thức thành hành động cụ thể.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh đến công tác đào tạo nhân lực du lịch, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao ở vị trí quản lý trong ngành và công tác cải cách thủ tục hành chính. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh đến công tác đào tạo nhân lực du lịch, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao ở vị trí quản lý trong ngành và công tác cải cách thủ tục hành chính. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu tại hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch, sáng 9/8, tại Hội An, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng tinh thần “không cần com lê, cà vạt, xắn tay ngay vào làm” phải được quán triệt đến từng bộ ngành, địa phương, DN, điểm đến.

Phó Thủ tướng điểm lại các nhóm kiến nghị, tâm tư của DN, địa phương trong phát triển du lịch.

Trước hết là công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam thông qua các sự kiện du lịch trong nước cũng như nước ngoài, các lễ hội tại nhiều địa phương đang còn rất nhiều bất cập

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng chiến lược xúc tiến du lịch hiện nay chưa phù hợp, nhiều địa phương xúc tiến du lịch nhưng không xác định được thị trường trọng điểm, chưa phù hợp với những thói quen khác nhau của khách quốc tế, nhất là khách châu Âu.

Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng Ngô Quang Vinh đề nghị Tổng cục Du lịch khảo sát và phân đoạn thị trường cụ thể cho các địa phương xúc tiến phù hợp với tiềm năng.

Công ty Du lịch Kim Liên và nhiều DN một lần nữa bày tỏ mong muốn có sự thống nhất, tập trung trong phối hợp tổ chức thực hiện chiến lược quảng bá dài hạn dưới thương hiệu chung của du lịch Việt Nam.

Tổng Giám đốc Hãng hàng không Việt Nam Dương Chí Thành nhấn mạnh đã đến lúc phải mở văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại nước ngoài.

Sau quảng bá là vấn đề đón du khách bắt đầu từ thị thực (visa), từ sân bay, cửa khẩu, các DN mong muốn visa điện tử được nhanh chóng triển khai để rút ngắn thời gian cho du khách, thủ tục nhanh gọn, công khai, minh bạch.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đề xuất tiếp tục kéo dài thời gian miễn visa cho một số thị trường khách châu Âu trọng điểm. Trong khi lãnh đạo Tập đoàn Tuần Châu mong muốn “trước hết là từng cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội biên phòng, từng nhân viên tại sân bay, cửa khẩu luôn thân thiện, luôn nở nụ cười với du khách”.

Về nguồn lực đầu tư cho du lịch, nhiều DN du lịch kiến nghị Chính phủ có chính sách ưu đãi từ thuế, đất đai đến ưu tiên nguồn ngân sách, vốn ODA để xây dựng cơ sở hạ tầng chung phục vụ du lịch như đường cao tốc, sân bay, hạ tầng văn hóa…

Đại diện tỉnh Lào Cai cho rằng đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì mọi quy hoạch, chủ trương phải được ưu tiên đi trước, thực hiện thí điểm trước khi nhân rộng nếu thấy phù hợp.

Một khía cạnh quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch là sản phẩm du lịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: DN có nhiều kiến nghị liên quan đến việc quy hoạch, công nhận, bảo vệ tôn tạo di sản; quản lý chất lượng các loại hàng hóa du lịch; bảo đảm an toàn, an ninh, vệ sinh môi trường, trước hết ở những điểm đến nơi có nhiều khách du lịch. Mặc dù ngành du lịch đã có nhiều hướng dẫn rất cụ thể những công việc phải làm ở mỗi điểm đến từ nhà vệ sinh, thùng rác, đến bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, các hành vi ứng xử văn hóa, văn minh… nhưng việc thực hiện chưa nghiêm; giám sát, kiểm tra chưa được chú trọng, quan tâm.

“Thế giới có 3 chỉ số đo mức độ văn minh xã hội dễ thấy nhất là trật tự an toàn xã hội, điển hình là trật tự giao thông; thứ hai là giá cả ở chợ, nếu ở đâu đều niêm yết giá, không phải mặc cả, chứng tỏ nơi đó đạo đức kinh doanh trung thực được tôn vinh; thứ ba là vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm”, Phó Thủ tướng chia sẻ và đề nghị lãnh đạo các địa phương quan tâm chỉ đạo sâu sát, cụ thể vấn đề này nhằm xây dựng, quản lý môi trường văn minh, văn hóa.

Từ chia sẻ của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu về đặc trưng người dân làm du lịch, cộng đồng làm du lịch ở phố cổ Hội An, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Phát triển du lịch không chỉ là việc của Nhà nước, DN mà là của cộng đồng. Vận động người dân làm du lịch không chỉ để phát triển ngành này mà còn góp phần xây dựng đời sống văn hóa, văn minh đô thị.

“Dù chúng ta xác định một số tỉnh trọng điểm về du lịch nhưng xây dựng nếp sống văn minh là ở tất cả các tỉnh. Các phong trào xây dựng đời sống văn hóa, làng văn hóa, khu phố văn hóa, nông thôn mới… nếu làm tốt thì không chỉ du lịch tốt lên mà đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng nâng lên”, Phó Thủ tướng nói.

Hai nhóm kiến nghị cuối cùng của DN, địa phương được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề cập đến là công tác đào tạo nhân lực du lịch, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao ở vị trí quản lý trong ngành du lịch và công tác cải cách thủ tục hành chính.

Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Saigon Tourist Vũ Hùng Việt nêu tình trạng phát triển nóng về du lịch tại Phú Quốc hiện nay dẫn đến việc trong 1 năm có thể xây xong 1 khách sạn cả nghìn phòng nhưng lại không có người làm. Thực tế này đặt ra yêu cầu nếu không định hướng về đào tạo nhân lực du lịch sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng phục vụ, chưa kể Việt Nam hiện chưa có trường đào tạo nhân lực quản lý cấp cao đối với khách sạn từ 3-5 sao.

Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc tập đoàn Sungroup Đỗ Thị Tuyết Hạnh hy vọng sau hội nghị sẽ có bước chuyển mạnh mẽ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch, nguồn lực duy trì sức sống của các điểm đến.

Phó Thủ tướng cho biết những kiến nghị của DN, địa phương không chỉ được ghi nhận đơn thuần mà sau hội nghị, Thủ tướng sẽ chỉ đạo ngay những việc cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy du lịch phát triển.

“Ví dụ vấn đề visa điện tử, Thủ tướng đã quyết định giao Bộ Công an triển khai để đầu năm 2017 có thể thực hiện trước hết là ở các thị trường trọng điểm”, Phó Thủ tướng thông tin và mong muốn sau hội nghị, các DN, địa phương, bộ ngành một lòng quyết tâm, nỗ lực để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm.

Theo Đình Nam

Baochinhphu.vn