Phát triển du lịch bền vững - có trách nhiệm tại miền Trung

(Dân trí) - Đó là nội dung cuộc hội thảo được Văn phòng UNESCO & ILO tại Việt Nam phối hợp tổ chức với sự tham gia của của đại diện các cơ quan liên quan hai tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế và Đại sứ quán Luxembourg, diễn ra ngày 24/4 tại TP Huế.

Phát triển du lịch bền vững và có trách nhiệm tại miền Trung Việt Nam là dự án nhằm mục tiêu cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân cư địa phương tại hai tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế thông qua thúc đẩy văn hóa. Được thực hiện trong 24 tháng (1/2014 – 12/2015), với tổng kinh phí là gần 900.000 USD do Quỹ Liên Hợp Quốc và Chính phủ Luxembourg tài trợ.

Thực tế hơn thập kỷ qua cho thấy, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế đều là những tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao về du lịch. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một khoảng cách không nhỏ giữa các điểm du lịch nằm trong vùng lõi của các khu Di sản Thế giới và các khu vực kém phát triển hơn như nông thôn hay miền núi.

Phát biểu tại hội thảo, bà Katherine Muller – Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết: “Dự án này được xây dựng trên cơ sở những nỗ lực trước đây của Liên Hợp Quốc tại Quảng Nam, tiếp tục mở rộng sự hỗ trợ sang Thừa Thiên Huế, ưu tiên hướng tới các khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa trên địa bàn hai tỉnh”. UNESCO cam kết “Luôn tạo mọi điều kiện hỗ trợ kỹ thuật và thúc đẩy đối thoại cũng như cơ chế hoạt động khuyến khích du lịch có trách nhiệm với sự tham gia của khối tư nhân, đồng thời xây dựng các cộng đồng địa phương, đưa họ tham gia sâu hơn vào việc phát triển và quản lý các sản phẩm và các điểm du lịch”.

Quang cảnh buổi hội thảo

Quang cảnh buổi hội thảo

Hội thảo đã nghe bà Dương Thị Bích Hạnh, đại diện UNESCO đã trình bày các mục tiêu cụ thể, các bước chuẩn bị và hướng triển khai dự án trong thực tế như: tổ chức và nhân lực; tham vấn đối tác chính và các bên liên quan; kết quả khảo sát và xác định các vùng trọng điểm dự án cũng như các đề xuất các hoạt động can thiệp phù hợp cho từng nhu cầu ưu tiên của Quảng Nam và Huế.

Trong phần thảo luận, hội thảo ghi nhận nhiều góp ý và đề xuất từ các bên tham gia cho hoạt động tiếp theo của dự án cũng như hoàn thiện ban quản lý dự án. Ông Lê Hữu Minh, PGĐ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng: “Xây dựng và phát triển bền vững, hướng tới cộng đồng là xu hướng mà tỉnh đang hướng tới. Sự hỗ trợ từ dự án sẽ là điều kiện tốt để địa phương thúc đẩy quá trình này. Tuy nhiên, nguồn kinh phí 900.000 USD không phải là lớn khi thực hiện đồng thời ở cả hai địa phương, lại trong thời gian ngắn. Huế đề xuất nên thu hẹp địa bàn triển khai là huyện miền núi Nam Đông – A Lưới (Huế) gắn với Tây Giang (Quảng Nam) vốn có nhiều điểm tương đồng về địa lý, văn hóa và lịch sử thành chuỗi thì sẽ hiệu quả hơn”.

Với tư cách là đơn vị đầu mối, đại diện tỉnh Quảng Nam đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực hiện dự án như: bám sát cộng đồng và điểm đến ở địa phương về văn hóa phong tục, tập quán phù hợp với đặc trưng vùng miền là đồng bằng hay miền núi. Vấn đề đang được báo chí và dư luận gần đây quan tâm là câu chuyện mâu thuẫn về thu vé tham quan và lợi ích của người dân tại vùng lõi di sản cũng được đại diện Hội An, Quảng Nam chia sẻ, thảo luận và rút kinh nghiệm cho Huế.

Ông Gyorgy Sziraczki, GĐ ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên hiệp quốc tại Việt Nam) kết luận: “Đây không phải là dự án mới, riêng lẻ mà là sự tiếp nối cam kết của ILO & UNESCO dựa trên những kết quả hợp tác lâu dài tại hai tỉnh trong suốt những năm qua. Lý do chúng tôi xây dựng hợp tác chung này là chúng tôi nhận thấy sự cam kết mạnh mẽ của hệ thống chính trị và sự tham gia chủ động trong phát triển kinh tế của hai tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế. Đồng thời tôi cũng nhấn mạnh, dự án này sẽ cần có sự kết nối với các dự án khác về khai thác di sản và phát triển sinh kế tại địa phương đã được triển khai trước đó”.

Hoàng Diệu – Đại Dương