Đồng Tháp

Phát huy tiềm năng du lịch tại thủ phủ đất Sen hồng

(Dân trí) - Cao Lãnh - thủ phủ đất sen hồng được xem là thành phố an toàn, hiền hòa với những người dân mến khách. Đặc biệt, mảnh đất Sen hồng có nhiều địa điểm du lịch tiềm năng, nhất là các điểm tham quan, du lịch mang tính tâm linh, du lịch sinh thái.

Chưa bao giờ TP.Cao Lãnh tập trung đầu tư phát triển du lịch và xem đây là ngành kinh tế quan trọng như thời gian gần đây. Thật sự việc đầu tư ấy không phải là không có cơ sở bởi nơi đây có nhiều địa điểm du lịch tiềm năng, đặc biệt là các điểm tham quan, du lịch mang tính tâm linh, sinh thái.

TP.Cao Lãnh - thủ phủ đất sen hồng được xem là thành phố an toàn, hiền hòa với những người dân mến khách, nói như tiến sĩ Mộc Quế - Viện trưởng Viện Khoa học Quản trị doanh nghiệp, chuyên gia tư vấn Dự án Lập kế hoạch chiến lược phát triển kinh tế TP.Cao Lãnh: “TP.Cao Lãnh là nơi chọn lựa xứng đáng trong tương lai’’ - đương nhiên, đó còn là nơi chọn lựa của nhiều du khách mỗi khi đến Đồng Tháp. 

Quà tặng du lịch mà TP. Cao Lãnh hướng đến là sen, trái cây, khô..
Quà tặng du lịch mà TP. Cao Lãnh hướng đến là sen, trái cây, khô..

TP.Cao Lãnh là tỉnh lỵ của Đồng Tháp, điểm mạnh của thành phố là du lịch văn hóa tâm linh, lịch sử và sinh thái, bởi nơi này sở hữu những địa danh tham quan, du lịch hiếm nơi nào có được. Về du lịch văn hóa tâm linh, lịch sử, nơi đây từ lâu được đông đảo nhân dân biết đến bởi những chuyện dân gian về sự linh ứng của ông bà Đỗ Công Tường (ông bà chủ chợ Cao Lãnh) giúp đỡ người dân vượt qua bệnh tật và các tục lệ dân gian ở Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường.

Một điểm tham quan nổi tiếng khác đó là Khu di tích (KDT) Nguyễn Sinh Sắc (tọa lạc tại phường 4, TP.Cao Lãnh), du khách thường xuyên tìm đến KDT với mong muốn được bày tỏ tấm lòng tôn kính với cụ Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh về những đóng góp to lớn mà cụ đã dành cho Đồng Tháp, cho đất nước.

Bảo tàng Tổng hợp Đồng Tháp (phường 4, TP.Cao Lãnh) - nơi lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị văn hóa, lịch sử nền văn hóa óc eo của vương quốc Phù Nam được khai quật tại Gò Tháp như vàng, tượng thần và nhiều cổ vật, hiện vật các loại qua các thời kỳ được nhân dân đóng góp tặng bảo tàng như gốm xứ, tiền cổ, trang phục,... Hay Công viên Văn Miếu được xem là một trong những “lá phổi xanh’’ nơi thành thị của vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích hợp cho du khách dừng chân tham quan, nghỉ dưỡng.

Một góc thôn quê của làng Hòa An xưa trong khu di tích Nguyễn Sinh Sắc 
Một góc thôn quê của làng Hòa An xưa trong khu di tích Nguyễn Sinh Sắc 

Với việc có hệ sinh thái bền vững, phát triển hài hòa giữa kiến trúc hiện đại và đặc thù về cảnh quan môi trường, TP.Cao Lãnh có nhiều tiềm năng du lịch khai thác theo hướng du lịch sinh thái như miệt vườn xã Hòa An, xã Tân Thuận Tây, du lịch sông nước xã cù lao Tân Thuận Đông, khu hoa kiểng đuôi Huyền Vũ xã Tịnh Thới, khu du lịch nghỉ dưỡng ven sông Tiền tại phường 6. Do là tỉnh lỵ nên TP.Cao Lãnh là một trong những điểm tham quan trọng tâm trong kết nối các tuyến du lịch văn hóa, lịch sử và sinh thái của tỉnh như Gò Tháp, Vườn quốc gia Tràm Chim, KDT Xẻo Quít, khu du lịch sinh thái Gáo Giồng,...

Bên cạnh tập trung đầu tư các điểm tham quan du lịch trọng điểm, theo UBND TP.Cao Lãnh, từ nay đến năm 2020, địa phương đề ra những định hướng phát triển du lịch. Về thị trường du lịch sẽ tập trung khai thác thị trường Đông Nam Á, đặc biệt là Campuchia và thị trường Việt Kiều; phát huy thị trường khách du lịch nội địa truyền thống của vùng là thị trường TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, khai thác thị trường khách từ Hà Nội.

Về sản phẩm du lịch sẽ phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của TP.Cao Lãnh như quà tặng đặc sản vùng miền (sen, xoài, khô cá,...), du lịch tham quan sông nước, miệt vườn kết hợp nghỉ tại nhà, du lịch văn hóa tìm hiểu riêng văn hóa TP.Cao Lãnh; hình thành và phát huy các sản phẩm liên kết của từng khu vực tạo sức mạnh cho các chương trình du lịch tổng hợp.

Mặc dù hiện nay trên địa bàn TP.Cao Lãnh đã có siêu thị Co.opmart, một số điểm tham quan du lịch, công trình văn hóa, lịch sử trên địa bàn đã và đang được chỉnh trang, tuy nhiên, để phát huy tốt hơn tiềm năng cũng như thu hút khách tham quan đến TP.Cao Lãnh đòi hỏi địa phương cần có sự huy động nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển du lịch, trong đó có việc đầu tư hạ tầng giao thông (nâng chất lượng xe buýt, taxi và các tuyến đường nối giữa TP.Cao Lãnh và các điểm tham quan trong tỉnh), cơ sở lưu trú, các sản phẩm du lịch phục vụ khách, nhân viên phục vụ du lịch và cả cách làm du lịch của người dân TP.Cao Lãnh.

Một khi TP.Cao Lãnh có được trung tâm hội nghị cấp vùng thì lượng du khách khắp nơi về Đồng Tháp nói chung và TP.Cao Lãnh nói riêng sẽ là một con số không nhỏ. Tuy nhiên, để du lịch TP.Cao Lãnh tương xứng với tiềm năng, còn rất nhiều việc phải làm.

 

Nguyễn Hành – H. N