Diễn đàn du lịch mùa xuân 2016 tại Đà Nẵng:

Phải “động não” để phát triển và khẳng định thương hiệu du lịch Đà Nẵng

(Dân trí) - Những con số về tốc độ tăng trưởng cả lượng khách và doanh thu cho thấy một bức tranh tươi sáng về du lịch Đà Nẵng. Nhưng ngành du lịch Đà Nẵng phải biết vị trí của mình đang ở đâu, phải “động não” để có giải pháp phát triển và khẳng định hơn nữa thương hiệu du lịch Đà Nẵng.


Du lịch Đà Nẵng cần thêm nhiều nỗ lực để khẳng định thương hiệu trên bản đồ du lịch quốc tế

Du lịch Đà Nẵng cần thêm nhiều nỗ lực để khẳng định thương hiệu trên bản đồ du lịch quốc tế

Trên đây là ý kiến được nhiều đại biểu tán đồng và thảo luận sôi nổi tại “Diễn đàn du lịch mùa xuân 2016” diễn ra vào chiều 25/3 tại Đà Nẵng. Diễn đàn do ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đại diện lãnh đạo chính quyền thành phố chủ trì, Hiệp hội Du lịch phối hợp Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đà Nẵng tổ chức, với sự tham gia của các sở ban ngành liên quan và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Chí Cường - Phó Giám đốc Sở VH - TT - DL Đà Nẵng nhìn nhận ngành du lịch Đà Nẵng trong nhiều năm qua đã có những tiến triển đáng kể. Tuy nhiên, không nên hài lòng theo kiểu “nhìn lên không bằng ai, nhìn xuống không ai bằng, vậy là được rồi”.

Du lịch Đà Nẵng còn tồn tại nhiều hạn chế, khó khăn và thách thức. Các sản phẩm du lịch hiện có chủ yếu phục vụ du khách nội địa, chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng hướng tới thị trường khách quốc tế. Dịch vụ vui chơi, giải trí về đêm còn đơn điệu, sự phát triển quá nhanh về số lượng khách sạn dẫn tới mất cân đối và cạnh tranh không lành mạnh, nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu. Phải “động não” để có giải pháp phát triển và khẳng định hơn nữa thương hiệu du lịch Đà Nẵng.

Theo ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng thì Đà Nẵng đang có lợi thế rất lớn về thuận lợi giao thông cả đường hàng không, đường biển và đường bộ; và thế mạnh nổi trội của du lịch Đà Nẵng phải kể đến là du lịch biển.

Đà Nẵng đang có lợi thế rất lớn về thuận lợi giao thông cả đường hàng không, đường biển và đường bộ
Đà Nẵng đang có lợi thế rất lớn về thuận lợi giao thông cả đường hàng không, đường biển và đường bộ

Những con số về tốc độ tăng trưởng cả lượng khách (tăng bình quân 20,4% từ 2011 - 2015) và doanh thu (tăng bình quân 30,7% từ 2011-2015) cho thấy một bức tranh tươi sáng về du lịch Đà Nẵng. Nhưng đó là tự so sánh với chính mình. Còn so với các thành phố du lịch biển trên bản đồ khu vực Đông Nam Á thôi, thì du lịch Đà Nẵng vẫn còn khiêm tốn. Chẳng hạn như năm 2015, Đà Nẵng đón gần 5 triệu lượt du khách; còn Phuket (Thái Lan) đón 28,2 triệu lượt du khách, Bali (Indonesia) đón hơn 12 triệu lượt du khách.

Để Đà Nẵng ngày càng thu hút du khách, ông Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng đề xuất các giải pháp nâng cấp hoàn chỉnh sân bay quốc tế Đà Nẵng, nâng cao năng lực phục vụ hành khách; đầu tư cảng chuyên dụng đón khách du lịch tàu biển; nâng tầm cửa khẩu Đak Ốc thành cửa khẩu quốc tế, hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết từ Đà Nẵng đi các tỉnh, thành lân cận...Đồng thời, cần có chính sách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực du lịch ở Đà Nẵng

Bên cạnh đó, theo ông Đinh Văn Lộc - Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Đà thì Đà Nẵng cần xúc tiến quảng bá du lịch mạnh hơn nữa. “Ở trong nước thì nói tới du lịch Đà Nẵng ai cũng biết rồi; nhưng ra nước ngoài, nói tới du lịch Việt Nam thì người ta biết đến Huế và Hội An (Quảng Nam) ở ngay cạnh Đà Nẵng nhiều hơn” - ông Lộc nói.

Quảng bá hình ảnh du lịch Đà Nẵng hơn nữa cũng là giải pháp thu hút du khách đến
Quảng bá hình ảnh du lịch Đà Nẵng hơn nữa cũng là giải pháp thu hút du khách đến

Sự phát triển quá nhanh về số lượng khách sạn (đặc biệt là khách sạn có quy mô nhỏ) tạo nên sự mất cân đối, cạnh tranh không lành mạnh cũng là vấn đề bức xúc của du lịch Đà Nẵng. Trong khi mùa cao điểm du lịch biển, Đà Nẵng “cháy” phòng khách sạn thì mùa thấp điểm, công suất phòng của các khách sạn vừa và nhỏ không quá 25% trong khi giá phòng rất thấp (trung bình từ 300 - 350 nghìn đồng/ngày). Ông Lê Tấn Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc Vitours đề xuất nên có thêm nhiều ưu đãi cho du khách đến Đà Nẵng trong mùa du lịch thấp điểm (từ tháng 9 năm này đến tháng 2 năm sau hàng năm); đặc biệt là ưu đãi khách MICE (khách du lịch kết hợp hội nghị) và du khách quốc tế). Song song đó, tổ chức các lễ hội phù hợp trong mùa du lịch biển thấp điểm như lễ hội mùa xuân, lễ Tết Trung thu...

Diễn đàn cũng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp thảo luận của các đại biểu về các giải pháp để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng, bao gồm các giải pháp đẩy mạnh xây dựng thương hiệu Đà Nẵng thông qua việc hình thành các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú như phát triển các cụm dịch vụ du lịch biển, khu nghỉ dưỡng cao cấp, phát triển du lịch đường sông.

Kết luận tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng ghi nhận dù chỉ diễn ra trong một buổi nhưng hàm lượng nội dung chất lượng, tập trung ý kiến cơ bản cần thảo luận. Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh lưu ý thêm, để du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn cần phải tập trung xây dựng môi trường du lịch lành mạnh, mỗi người dân phải là một đại sứ du lịch, phải là vị chủ nhà thân thiện, mến khách.

Đại diện lãnh đạo chính quyền TP đặc biệt yêu cầu Sở VH-TT-DL Đà Nẵng tập trung làm tốt chống chèo kéo khách, chống phá giá trong hoạt động du lịch, giữ được mặt bằng giá của các cơ sở, nhà hàng; đề nghị Hiệp hội du lịch nên xây dựng bộ quy tắc kinh doanh và các doanh nghiệp nên có cam kết với nhau khi thực hiện

Khánh Hiền