Nửa đêm xem nỡ, nường “gặp gỡ” trên quê ông Tổng Cóc

(Dân trí) - Nói đây là lễ hội “tế nhị” và phồn thực nhất quả không sai. Tất cả các trò diễn xướng trong lễ hội đều có một sự ẩn dụ về khả năng sinh sôi nảy nở của con người.

Người đàn ông cầm biểu tượng dương vật bằng gỗ đâm vào biểu tượng âm vật cũng bằng gỗ mà người phụ nữ đang cầm trong bóng tối.

Nửa đêm xem nỡ, nường “gặp gỡ” trên quê ông Tổng Cóc
Theo quan niệm nếu ba lần đâm trúng - mùa màng tươi tốt, bội thu; hai lần - được mùa; một lần là làm ăn thất bát, thua kém…

Cứ mỗi độ Xuân về, nhằm ngày 11, 12 tháng Giêng âm lịch, dân Tứ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ, quê hương của chàng Tổng Cóc chồng bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, lại nô nức tổ chức hội “Trò Trám” - "Linh tinh tình phộc".

Hội Trò Trám được tổ chức từ đêm 11 tháng Giêng với các trò: cày, cấy, câu cá, đánh lờ, dệt lụa, thợ mộc, dạy học… diễn trò là những người dân Tứ Xã với những tiết mục dân gian vui nhộn khắc họa bốn nghề chính sĩ, nông, công, thương … chìm trong những câu ca lời hát đối dân gian vui nhộn.

Tâm điểm và cũng là linh hồn của Trò Trám là “lễ mật” diễn ra lúc nửa đêm 11 rạng ngày 12 tháng Giêng âm lịch. Đây là thời gian giao hòa giữa trời và đất, ngày cũ qua và ngày mới bắt đầu.

Sau khi hoàn thành việc tế lễ trước đền Trám (sau 12 giờ đêm), ông thủ từ làm lễ thắp hương để xin thần miếu lấy bộ linh vật "nõ, nường" được cất giữ tại nơi linh thiên nhất của đền Trám xuống để trao cho cặp nam, nữ được làng chọn trước - hai linh vật tượng trưng cho giới nam và nữ được làm bằng gỗ, sơn màu đỏ, theo quan niệm của người xưa trò chỉ được diễn trong đêm tối vào đúng giờ “lành” chính Tý thì ý nghĩa cầu may, linh thiêng của việc mới linh diệu.

Theo các cụ già kể lại, việc thờ cặp sinh thực khí ở miếu Trò có từ thời Hùng Vương 
Theo các cụ già kể lại, việc thờ cặp sinh thực khí ở miếu Trò có từ thời Hùng Vương 

Người đàn ông lực điền đóng khố, cởi trần, đầu chít khăn đỏ, cầm "nõ"; Người nữ nông mặc yếm, váy ngắn thâm, cầm "nường". Sau khi làm lễ khấn thần miếu "Trám" xong Lúc này, đèn, nến trong và ngoài miếu tắt phụt, cụ chủ tế hô “linh tinh tình… phộc”, hai nhân vật chính: nam cởi trần đóng khố cầm nõ, nữ mặc váy đeo yếm đào cầm nường làm các thao tác như giao hợp của người nam và người nữ.

Theo quan niệm nếu ba lần đâm trúng - mùa màng tươi tốt, bội thu; hai lần - được mùa; một lần là làm ăn thất bát, thua kém…

Trong đêm tối chủ tế nghe tiếng “cạch” đủ ba tiếng đèn lại sáng. Phút ấy gọi là phút “thiêng”, “dập” chiêng trống để mừng và kính báo với thần linh, thiên địa biết “lễ mật” đã thành công

Chủ tế dẫn đầu “đám trò” chạy quanh miếu ba vòng theo ngược chiều kim đồng hồ, theo sau là dân làng: Vừa chạy vừa hú, vừa gõ dùi vào mẹt để đuổi ma quỷ, trừ hiểm họa cả năm cho dân làng...

Khi nghe hiệu chiêng trống “dập” và tiếng la hét ở ngoài miếu thì số người ở nhà trong phường cũng đồng loạt “gõ” dùi vào mẹt hoặc dùng chày “giã” vào cối và la hét theo để đuổi ma quỷ.

Và hôm sau, trong hội hát trình nghề "Tứ dân chi nghiệp", cái nọ “phộc” vào cái kia cùng lời ca ẩn ngữ Nõ Nường lại “bồi” thêm lần nữa với ẩn ý “quá tam ba bận “tôi luyện” cho vật “hèm” đầy đủ linh nghiệm.

Ngày trước, sau 3 câu khẩu lệnh “linh tinh tình phộc”, cụ thủ từ sẽ hô to “tháo khoán”. Mọi người hò reo, các đôi trai gái trong làng được “tự do” mọi chuyện ngoài rừng trám. Trong thời gian đó người con gái phải giữ một vật của nam để làm tin như khăn đội đầu.

Cô nào mang thai trong dịp đó là lễ “hèm” của làng thành công, đem lại điều may mắn cả năm cho gia đình và toàn phường. Phường sẽ đứng ra lo liệu tổ chức lễ cưới cho họ và không phải nộp khoản tiền “cheo”. Những đứa trẻ được sinh ra từ đêm “linh tinh tình phộc” làng chấp nhận vì họ cho rằng những đứa trẻ đó sẽ mang lại sự phồn vinh cho cả làng

Theo các cụ già kể lại, việc thờ cặp sinh thực khí ở miếu Trò có từ thời Hùng Vương, linh vật được cất giữ cẩn thận trên khám thờ của ngôi miếu và chỉ lấy ra một lần duy nhất trong năm, vào đúng đêm “linh tinh tình phộc”. “Nõ” và “nường” được thờ trong miếu, tuy chỉ là khúc gỗ được tạo thô sơ, nhưng với những người dân ở làng Tứ Xã, chúng là những linh vật.

Không một ai, kể cả ông Từ được phép mang nó ra khỏi khám thờ nếu đó không phải là đêm 11 tháng Giêng. Từ trước đến nay, chỉ ông Từ và đôi nam nữ được chọn là được sờ tay vào linh vật.

Minh Phan (Tổng hợp)