Nữ thuỷ thủ Anh chia sẻ cách thích nghi “cách ly”

(Dân trí) - Sau 3 năm sống trên thuyền như một thuỷ thủ và nay cũng đang trong cảnh “cách ly”, cựu nhà báo Anh Susan Smillie nhắn gửi: Thật ra chúng ta chỉ cần rất ít để hạnh phúc.

Nữ thuỷ thủ Anh chia sẻ cách thích nghi “cách ly” - 1

(Ảnh minh hoạ: Một mình trước biển ở Kalamata - thành phố thuộc tỉnh Peloponnese, Hy Lạp).

Nữ nhà báo Anh Susan Smillie từng là biên tập viên cho G2 và viết cho báo Guardian về du lịch, nghệ thuật, thực phẩm…

Hơn 10 năm trước Smillie mua một chiếc du thuyền nhỏ rồi từ bỏ công việc làm báo mà cô rất yêu thích để theo đuổi mơ ước “đời thuỷ thủ” tự do, hạnh phúc giản đơn… bất chấp nhiều rủi ro.

“Thuỷ thủ” Smillie vừa kết thúc hành trình gần đây nhất kéo dài 3 năm từ 2017: vượt qua đường hầm eo biển Manche sang Pháp, đi dọc theo bờ biển Đại Tây Dương tới Bồ Đào Nha, vào Địa Trung Hải, qua Tây Ban Nha và Italia…

Khi Smillie tới Hy Lạp cũng là lúc nước này chuẩn bị tuyên bố tình trạng giới nghiêm trên toàn quốc, cô chấp hành lệnh hạn chế di chuyển bằng cách neo thuyền tại bến cảng Pylos tuyệt đẹp thuộc tỉnh miền nam Peloponnese.

Nữ thuỷ thủ Anh chia sẻ cách thích nghi “cách ly” - 2

Bến cảng Pylos. (Ảnh: Tripadvisor.com).

Dưới đây là trích những chia sẻ, nhắn gửi của nữ “thuỷ thủ” Susan Smillie qua bài viết đăng trên báo Guardian ngày 4/4:

Cuộc sống của chúng ta đã và đang thay đổi rất nhiều, nhưng chúng ta có thể hoàn toàn thích nghi vì thật ra đó cũng là cách dễ dàng để thay đổi hành vi hơn các bạn nghĩ.

Từ kinh nghiệm của chính mình, tôi thấy tình cảnh “cách ly” hiện nay cũng tương tự như sống chậm trên thuyền - du lịch với tốc độ như đi bộ, nhưng bù lại ta được hoà mình vào thiên nhiên phong phú và sinh động. Với tôi, lênh đênh trên thuyền thực ra là cuộc sống rất tuyệt và lành mạnh.

Qua đó tôi rút ra được nhiều bài học và tích luỹ được không ít kinh nghiệm, để có thể tự hào khoe rằng mình là bằng chứng sống về một thực tế: Con người thực ra chỉ cần rất ít để hạnh phúc.

Nữ thuỷ thủ Anh chia sẻ cách thích nghi “cách ly” - 3

Cảnh sát Hy Lạp làm nhiệm vụ để bảo đảm lệnh giới nghiêm được thực thi nghiêm túc. (Ảnh: Intime News).

Chúng ta hiện đang cùng nhau đối phó với đại dịch Covid-19 trong cảnh cách ly, phong toả, giãn cách xã hội. Bản thân tôi luôn cố gắng duy trì cảm giác bình tĩnh và mạnh mẽ để đưa ra những quyết định phù hợp đối phó với các tình huống bất ngờ xảy ra.

Không phải là sự khôn ngoan mà ai cũng hy vọng mình có, chỉ đơn giản theo tôi nghĩ là: Con Người vốn rất tháo vát, năng động và dễ thích nghi. Dù sợ hãi cùng các triệu chứng hoảng loạn và lo lắng là những phản ứng bình thường trước hiểm nguy và tình trạng không chắc chắn.

Nỗi sợ hãi do không biết chuyện gì sẽ xảy ra luôn là điều tồi tệ nhất, nhưng khi sự cố thậm chí là khủng hoảng xảy ra chúng ta vẫn phải đối phó, rồi mọi chuyện sẽ dần qua đi, cuộc sống sẽ được phục hồi và ta học được nhiều điều cần thiết.

Nhưng các bạn cần lưu ý rằng đây là thời điểm rất khác thường khi cuộc sống bình thường bị gián đoạn và thời gian như trôi chậm lại. Tất nhiên chúng ta cần cảnh giác nhưng cũng nên xác định những gì là quan trọng và coi nhẹ những gì không thực sự liên quan.

Trong cuộc sống có nhiều điều khiến người ta còn tuyệt vọng hơn, nhưng rồi chắc chúng ta sẽ ngạc nhiên về những gì mình có thể đối mặt theo cách tích cực: Đó là vẫn thể hiện sự can đảm, duyên dáng và nhiều khi cần cả sự hài hước khi giao tiếp với nhau trong cảnh “giãn cách xã hội”.

Nữ thuỷ thủ Anh chia sẻ cách thích nghi “cách ly” - 4

Smillie tự làm bánh mì bằng chiếc chảo rán trên thuyền.

Dù là người có cá tính độc lập thì sự hỗ trợ về cảm xúc vẫn rất quan trọng, nhất là khi ta đang phải sống xa những người thân yêu. Với kinh nghiệm của mình, tôi tìm kiếm sự hỗ trợ đó bằng cách tạo các nhóm trên WhatsApp để có thêm nhiều bạn bè, cùng kể cho nhau nghe những gì khiến mình sợ hãi, lo lắng. Đồng thời chia sẻ với nhau nhiều hơn về những suy nghĩ và việc làm tích cực.

Những cử chỉ thân ái càng có ý nghĩa hơn khi ta đang trong cảnh khó khăn, đơn độc ... Ta có thể có được những niềm hạnh phúc nho nhỏ từ những giao tiếp nhỏ nhất giữa con người với nhau. Đừng bao giờ đánh giá thấp những cử chỉ thân thiện, các bạn nhé!

Thách thức lớn nhất của tình cảnh “cách ly” có lẽ là sự nhàm chán, nhất là khi bạn phải quanh quẩn trong không gian quá nhỏ hẹp. Nhưng nên cố gắng chế ngự nó bằng niềm vui là bạn đã vượt qua khó khăn để an toàn và sẽ nhanh chóng phục hồi khi cuộc sống trở lại bình thường.

Đặc biệt ngôi nhà luôn tạo cho tôi cảm giác bình yên khi trở về từ những vùng biển đầy sóng gió, giông bão. Bạn cũng nên đánh giá cao ngôi nhà của mình và dành thời gian rảnh rỗi này làm cho nó sinh động hơn, ấm cúng hơn để tỏ lòng tri ân nó đã che chở cho bạn trước mọi nguy nan.

Nữ thuỷ thủ Anh chia sẻ cách thích nghi “cách ly” - 5

Sống với ngân sách eo hẹp, Smillie cũng học được cách tự sửa chữa mọi thứ trên thuyền.

Qua đó bạn sẽ nhận thức được cuộc sống quý giá như thế nào khi nó bình thường như trước nay vẫn vậy. Nhịp điệu của cuộc sống bình thường sau đó chắc sẽ mang lại cho bạn cảm giác thoải mái hơn rất nhiều…

Nấu ăn cũng là một cách để trị liệu tâm lý buồn chán. Có thời gian ta có thể học nấu thêm những món ngon mới.

Cũng không nên dành quá nhiều thời gian ngồi trước màn hình mà hãy tập thể dục trong mọi hoàn cảnh. Ví dụ như hôm qua chỉ với một sợi dây neo thuyền tôi vẫn có thể nhảy dây ngay trên lối đi nhỏ trên bến cảng Pylos.

Khi sống chậm, ta cũng nên tranh thủ “cai nghiện mua sắm”, ăn uống đơn giản và không lãng phí bất cứ thứ gì. Khi ta có nhiều thời gian thì tại sao không học cách “chơi” với đồ ăn và vui với những gì mình có?

Tóm lại khi trở nên con người năng động, bạn có thể giải quyết bất cứ điều gì.

Nữ thuỷ thủ Anh chia sẻ cách thích nghi “cách ly” - 6

Susan Smillie thích ngồi uống trà trên con thuyền của mình neo tại South Dock - bến tàu ở quận Deptford, phía nam Thủ đô London.

Tập trung hơn ngắm vẻ đẹp tự nhiên xung quanh, tôi nhận thấy thế giới tự nhiên đang có được thời kỳ nghỉ ngơi rất cần thiết từ việc con người chúng ta giảm hoạt động, cũng là giảm mức độ ô nhiễm môi trường. Và quan trọng hơn là mọi người đều chú ý và chia sẻ niềm vui về tín hiệu tích cực đó.

Chúng ta hãy cùng sử dụng thời gian này một cách khôn ngoan để cả con người và hành tinh này cùng thay đổi theo hướng bền vững, thân thiện và tốt đẹp hơn, các bạn nhé…

Linh Lê

Theo Guardian