Những vùng đất hư ảo nhất trên Trái đất

(Dân trí) - Trải qua hàng triệu năm xói mòn, động đất hay núi lửa phun trào, trên Trái đất đã hình thành vô số các vùng đất kỳ lạ, tưởng chừng như không tưởng…

Núi sóng The Wave ở Arizona, Mỹ

Hiện tượng hình thành sa thạch hình sóng được tìm thấy ở vùng Coyote Buttes ở dải Arizona ở dãy mỏn núi Paria Canyon-Vermilion Cliffs Wilderness – khu vực được cho rằng sẽ có đông đúc khách du lịch đổ xô đến nếu không có lệnh cấm nghiêm ngặt.

Những cồn cát có tuổi đời lên tới 190 triệu năm này nằm xếp chồng lên nhau và biến thành đá bởi sự lắng đọng của muối và canxi, tạo nên những lớp nhiều màu sắc như đỏ, cam, vàng, tím... Theo các chuyên gia, thời điểm thích hợp nhất để chụp ảnh lại quang cảnh kỳ ảo nơi đây là từ buổi sáng đến giữa trưa, bởi ánh sáng mặt trời ở từng thời điểm khác nhau phản chiếu xuống làn sóng sẽ cho ra những tấm ảnh mang màu sắc khác nhau.

Tuy nhiên, để giữ gìn cảnh quan nơi đây được hoàn hảo, chính quyền địa phương chỉ cấp 20 giấy phép tham quan du lịch mỗi ngày mà thôi.

Sông băng Svinafellsjokull, Iceland

Sông băng Svinafellsjokull, Iceland

Sông băng Svinafellsjokull, là một phần của sông băng lớn Vatnajökull ở Công viên Quốc gia Skaftafell, Iceland. Đây là một điểm đến hấp dẫn cho những người đam mê đi leo núi. Nơi đây càng trở nên nổi tiếng khi được chọn là bối cảnh băng giá ấn tượng cho bộ phim “bom tấn” Interstellar với sự tham gia của diễn viên Matthew McConaughey và Anne Hathaway.

Bên cạnh những “con đường băng” hư ảo, vùng này còn có những động băng như những động pha lê lộng lẫy.

Cột đá ống khói thần tiên Fairy Chimneys, Thổ Nhĩ Kỳ

Cột đá ống khói thần tiên Fairy Chimneys, Thổ Nhĩ Kỳ

Theo truyền thuyết, những thần tiên thuộc thời Cappadocia xa xôi ở vùng trung Anatolia ở Thổ Nhĩ Kỳ sống ở dưới lòng đất và những cột đá kỳ dị ở đây chính là ống khói của những ngôi nhà mà các thần linh ở. Còn theo khoa học, những cột đá này được hình thành bởi những lớp đá được hình thành qua nhiều lần núi lửa phun trào và xói mòn.

Chất granite ở trên đỉnh các cột có hình dáng như chiếc mũ nấm cứng hơn hẳn khối đá màu mè bên dưới, vì vậy các cột đá này có thiết kế thật ấn tượng và đẹp đẽ.

Đến đây, du khách có thể thuê xe đạp vòng quanh thung lũng đá hùng vĩ. Ngoài tham quan những “ống khói cổ tích”, du khách còn có đi thăm thung lũng tình yêu, thung lũng hoa hồng…

Cánh đồng muối khổng lồ Salar de Uyuni, Bolivia

Cánh đồng muối khổng lồ Salar de Uyuni, Bolivia

Đây là cánh đồng muối rộng nhất thế giới, với diện tích lên tới hơn 6 nghìn km2, nằm ở phía tây nam Bolivia. Nếu như các cảnh đồng muối thường ở ngay sát biển thì cánh đồng muối này lại nằm trên mực nước biển đến 3,7 nghìn m, với lượng muối được hình thành từ vô số các hồ cổ đại. Lượng muối nhiều vô kể ở nơi đây được xuất khẩu đi khắp nhiều nơi trên thế giới.

Suối phổ lăng kính khổng lồ ở Công viên Yellowstone, Wyoming, Mỹ

Suối phổ lăng kính khổng lồ ở Công viên Yellowstone, Wyoming, Mỹ

Mặc dù có hình dạng giống như một núi lửa đang chuẩn bị phun trào song kỳ thực đây là suối nước nóng lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau mỗi suối nước nóng Frying Pan (Chảo rán) ở New Zealand và Boiling Lake (Hồ sôi) ở Dominica. Màu sắc nước con suối Grand Prismatic thực sự ấn tượng, với đủ các sắc thái đỏ, cam, vàng, xanh lá cây và xanh da trời…

Núi lửa Dallol, Ethiopia

Núi lửa Dallol, Ethiopia

Nằm ở độ cao thấp hơn mực nước biển khoảng 116m, Dallol là ngọn núi lửa trên cạn thấp nhất thế giới. Màu sắc tự nhiên nơi đây quả là ấn tượng, khi màu vàng nhạt của khí sulphur hòa quện với màu trắng của muối tạo nên một hiệu ứng vô cùng kỳ ảo. Từ nhiều thế kỷ, người Ethiopia đã vượt đường xa để tới nơi này – nơi nóng nhất và có khí hậu khắc nghiệt nhất thế giới – để thu gom muối được cô đọng dưới ánh mặt trời và dùng lạc đà để vận chuyển.

Vùng đồi núi cầu vồng Zhangye Danxie, Trung Quốc

Vùng đồi núi cầu vồng Zhangye Danxie, Trung Quốc

Vùng đồi núi rực rỡ nhất thế giới với những dãy đồi núi mang các mảng màu từ xanh lơ cho tới cam đỏ… này được cho rằng hình thành từ 24 triệu năm trước bởi sự bồi đắp của đất đá và các khoáng chất. Theo các nhà địa chất học, các vết nứt gãy hình thành nên dãy núi Himalaya đồng thời cũng tạo ra các hiệu ứng chồng lớp, cộng thêm sự xói mòn của nước đã góp phần hoàn thành thiết kế nên dãy đồi núi kỳ ảo này.

Cầu đá tự nhiên Puente del Inca, Argentina

Cầu đá tự nhiên Puente del Inca, Argentina

“Chiếc cầu của người Inca” này là một kiệt tác do thiên nhiên tạo thành, có hình dạng như một cây cầu bắc qua con sông Vacas ở Mendoza, Argentina. Cây cầu này được khoác lên mình 'chiếc áo' màu vàng cam rực rỡ là do có một dòng suối lưu huỳnh chảy qua. Vào đầu thế kỷ 20, một trung tâm thư giãn đã được xây dựng tại nơi đây, nhằm hưởng lợi tiện ích từ dòng suối lưu huỳnh này.

Hà Anh
Hà Anh
Theo Daily Mail