Những vùng đất “chết chóc” ít người dám bén mảng tới (P2)

(Dân trí) - Cùng tồn tại trên Trái đất nhưng một số nơi bị coi là vùng đất “chết chóc” khiến ít người dám bén mảng tới.

Vườn quốc gia Madidi, Bolivia

Những vùng đất “chết chóc” ít người dám bén mảng tới (P2) - 1

Nhiều người mê vẻ đẹp hoang sơ quyến rũ của vườn quốc gia Madidi, Bolivia ngay từ cái nhìn đầu tiên. Tuy nhiên nơi này lại ẩn chứa nhiều nguy hiểm chết người. Du khách tới đây không nên chạm tay vào bất cứ loài thực vật nào. Chúng có độc và có thể gây mẩn ngứa khó chịu hay chóng mặt. Với những vết xước trên da hay vết thương nhỏ rất dễ nhiễm ký sinh trùng nhiệt đới.

Thung lũng chết Kamchatka, Nga

Không chỉ ở Mỹ, Nga cũng có một thung lũng chết mang tên Kamchatka, còn được các nhà khoa học gọi là “điểm tử thần”. Thung lũng này nằm trong khu bảo tồn Cronochco. Bất cứ ai đặt chân tới đều “lạnh gáy” với núi xương trắng kỳ lạ.

Những vùng đất “chết chóc” ít người dám bén mảng tới (P2) - 2

Tại “điểm tử thần” này chứa nồng độ khí cực mạnh có thể khiến bất cứ loài động thực vật nào nhanh chóng bỏ mạng. Người ta dễ dàng tìm thấy những bộ xương trắng của các loài chim, chồn và gấu ở nơi này. Nguyên nhân do tại đây có các khe nứt của vỏ trái đất phát ra độc chất cianua gây tê liệt cơ quan hô hấp dẫn tới tử vong.

Đảo san hô Bikini, quần đảo Marshall

Đảo san hô Bikini, quần đảo Marshall

Những vùng đất “chết chóc” ít người dám bén mảng tới (P2) - 3

Thoạt nhìn, đảo san hô Bikini như một thiên đường. Nhưng sau các chương trình thử nghiệm hạt nhân đã biến đảo thành nơi chứa đầy chất phóng xạ. Người dân địa phương buộc phải bỏ đảo rời tới nơi khác. Ngày nay, đảo vẫn còn chất phóng xa gây nguy hiểm cho các sinh vật còn sót lại. Mức độ phóng xạ tại đây cao bất thường có thể dẫn tới ung thư.

Hồ Natron, Tanzania

Hồ Natron, Tanzania

Đây còn là hồ nước được mệnh danh là nơi biến bất cứ sinh vật nào không may rơi xuống sẽ “hóa đá”.

Hồ Natron có màu nước tựa như màu máu. Cảnh quan siêu thực này hoàn toàn có thật khi du khách đặt chân tới hồ nước nổi tiếng này ở Tanzania, gần biên giới Kenya và ở phía đông bắc của Ngorongoro Crater. Nằm giữa những ngọn đồi núi lửa và hố sâu, hồ Natron nằm ở điểm thấp nhất của thung lũng – cao hơn 600m so với mực nước biển và có lẽ là nơi chứa nước ăn mòn nhất thế giới.

Những vùng đất “chết chóc” ít người dám bén mảng tới (P2) - 4

Natron mang vẻ đẹp rất bí ẩn khi nước có màu đỏ như máu và nổi váng. Độ pH trong hồ rất cao lên tới 10,5. Nó có thể đốt cháy da và làm hỏng mắt những sinh vật không thể thích nghi khi vô tình rơi xuống nước.

Độ kiềm của nước bắt nguồn từ cacbonat natri và các khoáng chất chảy vào hồ từ ngọn đồi xung quanh. Và muối cacbonat natri chính là một trong những chất được người Ai Cập cổ đại dùng để ướp xác.

Chúng được coi như chất bảo quản thi thể tuyệt hảo. Cũng chính điều này khiến cơ thể sinh vật cứng lại như đá. Không một loại sinh vật nào sống được trong hồ, trừ chim hồng hạc nhỏ và một số loại vi khuẩn, tảo.

Huy Hoàng

Theo BS/WK