Những tảng đá “sống” biết “mọc thêm” khi trời mưa và tự dịch chuyển

(Dân trí) - Loại đá kỳ lạ này có khả năng tự “mọc thêm” khi tiếp xúc với nước mưa và biết tự dịch chuyển, đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn với những vị khách tò mò.

Những tảng đá “sống” biết “mọc thêm” khi trời mưa và tự dịch chuyển

Tại ngôi làng nhỏ Costesti ở Romania có loại đá kỳ lạ mang tên Trovant. Chúng có khả năng tự phình to và lớn lên sau khi tiếp xúc với nước mưa. Từ kích thước ban đầu chỉ khoảng 6 - 8 mm, chúng có thể phát triển trung bình đến 6 - 10m, dù nhìn bề ngoài trông không khác gì những tảng đá thông thường.

Romania vốn là quê hương của ác quỷ Dracula, nên nhiều truyền thuyết đã thêu dệt về sự tồn tại của những tảng đá có liên quan tới loài ma cà rồng khát máu.

Những tảng đá “sống” biết “mọc thêm” khi trời mưa và tự dịch chuyển - 1
Những tảng đá biết “tự mọc thêm” khi trời mưa

Tên gọi chung của những tảng đá là “trovant” - một thuật ngữ địa chất địa phương nghĩa là cát đá, xi măng. Năm 2004, khu bảo tồn thiên nhiên Trovant được thành lập để bảo vệ những tác phẩm địa chất lạ thường này.

Người dân địa phương còn truyền miệng những câu chuyện xung quanh tảng đá kỳ bí. Ngoài biết “mọc thêm” sau mỗi trận mưa, chúng còn biết “tự dịch chuyển” từ nơi này tới nơi khác.

Những tảng đá “sống” biết “mọc thêm” khi trời mưa và tự dịch chuyển - 2
Hiện tượng địa chất kỳ lạ ở Romania

Theo lý giải từ các nhà nghiên cứu, mỗi tảng đá trovant bao gồm lõi đá và lớp vỏ cát bên ngoài. Khi cắt ngang một hòn đá trovant sẽ thấy mặt cắt của chúng có hình cầu hay hình trái xoan, nhiều vân đá như mặt cắt của cây, trong đó, mỗi vòng tròn đại diện cho tuổi tác của chúng. Điều này cũng khiến nhiều học giả cho rằng, đá trovant có thể là một “hình thức sự sống vô cơ” chưa được biết tới.

Sau những trận mưa, viên đá nhỏ hình thành thêm một lớp. Chúng phát triển to dần thành hòn đá lớn. Loại khoáng chất tạo sức ép với lớp cát bên ngoài khiến khối đá phải phình to, tưởng chừng như đang “mọc thêm”.

Những tảng đá “sống” biết “mọc thêm” khi trời mưa và tự dịch chuyển - 3
Sau khi cắt làm đôi, mặt phẳng bên trong tảng đá như mặt cắt của thớ gỗ

Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, loại đá này hình thành từ những trận động đất và hoạt động địa chất từ hàng triệu năm trước.

Đá trovant với niên đại khác nhau từng được ghi nhận tại một số địa điểm trên thế giới như ở Nga, Siberia, hay Wyoming (Mỹ). Nguồn gốc và khả năng phát triển kỳ lạ của loại đá này hiện vẫn là điều bí ẩn với nhiều nhà nghiên cứu.

Những tảng đá “sống” biết “mọc thêm” khi trời mưa và tự dịch chuyển - 4
Cũng nhờ đó mà “những tảng đá sống” trở thành điểm du lịch hút khách

Những “hòn đá sống” dường như vẫn đang phát triển nên địa điểm này sớm thành nơi hút khách du lịch bậc nhất ở Romania. Khu bảo tồn tự nhiên và bảo tàng đá Trovant được xây dựng và mở cửa từ năm 2004. Hiện đây là một Di sản Thế giới được UNESCO bảo vệ.

Huy Hoàng

Theo Odd/ Geologyin