Những người thợ mỏ muối nhọc nhằn dưới cái nóng 60 độ C

(Dân trí) - Dưới cái nóng như thiêu đốt ngoài trời, thậm chí có lúc lên tới ngưỡng 60 độ C, những người thợ mỏ muối vẫn cần mẫn làm việc kiếm sống mưu sinh, để đổi lấy mức thu nhập bấp bênh gần 145 nghìn đồng mỗi ngày.

Đến vùng đất khắc nghiệt nhất thế giới ở Ethiopia

Vùng lõm Danakil nằm trong sa mạc Danakil ở Ethiopia - một quốc gia thuộc châu Phi, được xem là nơi nóng nhất thế giới. Sa mạc Danakil thuộc vùng Tam giác Afar. Nơi này thấp hơn mực nước biển chừng 100m, chứa nhiều đá đỏ, quặng lưu huỳnh và mỏ muối.

Những người thợ nhọc nhằn kiếm sống dưới cái nóng có thể lên tới 60 độ C
Những người thợ nhọc nhằn kiếm sống dưới cái nóng có thể lên tới 60 độ C

Chính tại vùng lõm này là nơi sinh sống của người Afar. Tại đây, muối là tiền vì kinh tế phụ thuộc vào các hoạt động khai thác và buôn bán muối. Khoảng 750 thợ mỏ muối được phép làm việc trong khu vực. Họ khai thác muối bằng những dụng cụ thô sơ.

Muối được cắt thành từng miếng vuông và chất lên lưng lạc đà
Muối được cắt thành từng miếng vuông và chất lên lưng lạc đà
Đàn lạc đà chở muối ra khỏi sa mạc
Đàn lạc đà chở muối ra khỏi sa mạc

Được biết, những người lao động thường xuyên làm việc vào buổi sáng sớm để tránh cái nóng khắc nhiệt như thiêu đốt trên cao. Là một tỏng những vùng đất nóng có khí hậu khắc nghiệt nhất thế giới, nhiệt độ ngoài trời tại đây có lúc lên ngưỡng 60 độ C.

Vẻ đẹp kỳ thú của đàn lạc đà nhìn từ trên cao
Vẻ đẹp kỳ thú của đàn lạc đà nhìn từ trên cao

Nhiếp ảnh gia Joel Santos có dịp ghé thăm vùng đất “dữ dội” này để ghi lại cảnh làm việc của những người thợ. Tại đây, anh vẫn khám phá được vẻ đẹp “không tưởng” của nơi được mệnh danh là “tàn bạo” này.

Những người thợ mỏ muối nhọc nhằn dưới cái nóng 60 độ C - 5

“Tôi như bị thôi thúc muốn ghi lại câu chuyện về người thợ mỏ muổi ở Ethiopia bằng hình ảnh. Họ làm việc cực nhọc ở nơi nóng nhất trái đất, và kiếm được chưa tới 5 bảng Anh (khoảng 145 nghìn đồng)/ngày. Người dân trong vùng phải sống một cuộc sống khắc nghiệt, có thể coi là khó khăn nhất trên hành tinh này”, nhiếp ảnh gia chia sẻ.

Những người thợ mỏ muối nhọc nhằn dưới cái nóng 60 độ C - 6

Những người thợ dùng các phương pháp truyền thống, dụng cụ thô sơ để khai thác. Họ cắt muối thành tảng lớn, đóng gói và vận chuyển chúng khỏi sa mạc bằng lạc đà. Khoảng 1.3 triệu tấn muối được khai thác tại đây mỗi năm và chỉ có 750 thợ mỏ muối được làm chính thức.

Những người thợ mỏ muối nhọc nhằn dưới cái nóng 60 độ C - 7

Môi trường khắc nghiệt, đồng lương có hạn, nhưng người thợ ở đây còn phải trả loại thuế đặc biệt trước khi chất muối lên lưng lạc đà để chở đi nơi khác. Đây là công việc nguy hiểm bởi nhiệt độ cao có thể khiến người thợ tử vong. Đôi khi ở đây còn xảy ra những trận động đất.

Vẻ đẹp khó tin của vùng lõm Danakil nhìn từ trên cao
Vẻ đẹp khó tin của vùng lõm Danakil nhìn từ trên cao

Bỏ qua sự khắc nghiệt của tự nhiên, vùng lõm Danakil lại sở hữu vẻ đẹp kỳ diệu mà không nơi nào trên thế giới có được. Sức nóng sa mạc khiến nước bốc hơi nhanh và để lại trên bề mặt lớp muối. Bao bọc quanh khu vực này còn có lưu huỳnh và khoáng chất. Nhìn từ trên cao, Danakil mang màu sắc rất kỳ lạ khi pha trộn giữa màu cam, đỏ, xanh, vàng và trắng.

Việt Hà

Theo DM