Những ngôi đền nổi tiếng trên thượng nguồn sông Hồng

(Dân trí) - Cùng với Đền Hùng linh thiêng nhất đất nước hàng năm thu hút hàng triệu lượt người Việt hành hương về giỗ Tổ, đôi bờ sông Hồng từ Phú Thọ qua Yên Bái lên biên giới Lào Cai còn có những ngôi đền cũng rất nổi tiếng đang được nhiều người tìm tới bái vọng đầu xuân mới.

Đó là đền Mẫu Âu Cơ (nằm ở xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ), đền Tuần Quán (nằm ở thành phố Yên Bái), đền Đông Cuông ( nằm ở xã Đông Cuông, huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái), đền Bảo Hà (nằm ở xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai), đền Đôi Cô Cam Đường, đền Mẫu, đền Thượng, đền Cấm (nằm ở địa bàn thành phố Lào Cai)...

 

Các ngôi đền kể trên đều nằm cạnh tuyến đường sắt Hà Nội - Phú Thọ - Yên Bái- Lào Cai hoặc cạnh đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, vì thế rất thuận lợi cho du khách đi chơi xuân, viếng đền.

 

Năm 2014 lãnh đạo ngành du lịch ba tỉnh Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai đã ký hợp tác mở tour du lịch tâm linh phục vụ du khách thăm viếng các ngôi đền nổi tiếng trên thượng nguồn sông Hồng. Đầu xuân Ất Mùi 2015 xin giới thiệu đôi nét về một số những ngôi đền nổi tiếng nằm trong tuyến du lịch tâm linh kể trên .

 

Đền Mẫu Âu Cơ Hiền Lương (Phú Thọ)

 

Theo sử sách ghi lại, để tri ơn công đức Tổ Mẫu Âu Cơ, cách đây hơn 500 năm vua Lê Thánh Tông (thế kỷ XV ) thời hậu Lê đã phong thần và cho xây dựng đền Mẫu Âu Cơ tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ cạnh dòng sông Thao (sông Hồng) với bao huyền thoại của dòng sông Mẹ đất Việt mến yêu.

 

Những ngôi đền nổi tiếng trên thượng nguồn sông Hồng



Ngày nay đền Mẫu Âu Cơ nằm gần với tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai và đường ô tô cao tốc Hà Nội - Lào Cai rất thuận lợi cho du khách xa gần tới chiêm bái. Năm 1991 đền Mẫu Âu Cơ Hiền Lương (Phú Thọ) được Trung ương công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

 

Ngày mùng 7 tháng Giêng hàng năm được coi  là ngày "Tiên giáng" cũng là ngày lễ chính của đền Mẫu Âu Cơ, vì thế có câu ca ca dao truyền tụng trong nhân dân:

 

... Mùng bẩy trong tiết tháng Giêng

    Dân hiền tế lễ trống chiêng vang trời...

 

Đền Mẫu Âu Cơ còn có các ngày lễ quan trọng khác trong năm gồm lễ ngày 10 - 11 tháng 2, ngày 12 tháng 3, ngày 13 tháng 8 và ngày "Tiên Thăng" 25 tháng chạp...

 

Tới lễ đền Mẫu Âu Cơ du khách sẽ được kể lại câu truyện huyền thoại Lạc Long Quân -  Âu Cơ và bọc trăm trứng tôn vinh nòi giống Tiên Rồng của dân tộc Việt Nam. Hình tượng vĩ đại ấy là kết tinh của những cốt lõi lịch sử mang dậm tính nhân văn sâu sắc, là đặc trưng văn hóa thể hiện bản sắc văn hóa Việt Nam.

 

Đền Đông Cuông (Yên Bái)

 

Đền Đông Cuông ở xã Đông Cuông, huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái) và đường đi tới đền khá thuận lợi bởi nằm không xa nhà ga Mậu Đông trên tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai và tuyến đường ô tô tới đây đã được kết nối với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai.

 

Những ngôi đền nổi tiếng trên thượng nguồn sông Hồng



Ngôi đền này còn có tên gọi đền thờ thần Vệ quốc vì nơi đây cùng với thờ Mẫu Thượng Ngàn, đền còn thờ một số vị tướng lĩnh người dân tộc địa phương có công với nước chống giăc Nguyên -  Mông (thế kỷ XIII ).

 

Theo tài liệu lịch sử địa phương, Chư thần Đông Cuông thời phong kiến đã có vinh dự 4 đời vua phong sắc về công lao bảo vệ đất nước, che chở nhân dân nên người dân xã  Đông Cuông được đặc cách chuẩn y cho phụng thờ các chư vị thần tại đền.

 

Đền Đông Cuông xây dựng cạnh dòng sông Hồng nơi có phong cảnh sơn thủy hữu tình, núi sông hòa hợp nên vừa là di tích lịch sử văn hóa, vừa là thắng cảnh đẹp của tỉnh Yên Bái.

 

Đền Đông Cuông là một trong những ngôi đền được coi là thiêng nhất của tỉnh Yên Bái và đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia ngày 3/2/2009. Đền Đông Cuông có hai lễ chính trong năm đó là ngày mão tháng giêng mổ trâu trắng và ngày mão tháng 9 mổ trâu đen.

 

Đền Bảo Hà (Lào Cai)

 

Đền Bảo Hà còn gọi là đền ông Hoàng Bẩy nằm cạnh sông Hồng ở xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai) là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia được rất nhiều du khách tìm tới chiêm bái dịp đầu xuân.

 

Những ngôi đền nổi tiếng trên thượng nguồn sông Hồng



Theo truyền thuyết kể lại rằng: Vào cuối đời Lê niên hiệu Cảnh Hưng( 1740 - 1786) khắp vùng Quy Hóa ( vùng  đất cổ xưa của tỉnh Lào Cai hiện nay) bị giăc từ trên phía Bắc tràn sang cướp bóc, giết hại dân lành, trước tình cảnh đó tướng quân Nguyễn Hoàng Bẩy được vua giao cho cầm quân tiễu trừ giặc giã, giữ yên vùng đất biên cương xa xôi. Trong một trận đánh không cân sức tướng quân Nguyễn Hoàng Bẩy đã anh dũng hy sinh và ngã xuống dòng sông Hồng.

Sau đó thi thể ông trôi dạt vào khu vực ven sông ở Bảo Hà nên người dân đã đưa thi thể  lên bờ mai táng, lập đền thờ ở khu vực núi Cấm ghi nhớ công lao vì nước, vì dân của tướng quân Nguyễn Hoàng Bẩy.

 

Đền Bảo Hà được xây dựng ở vị trí rất đẹp của vùng núi ven sông Hồng nên cảnh sắc đẹp như thơ. Do đó đền Bảo Hà không chỉ là di tích lịch sử văn hóa quốc gia mà còn là thắng cảnh đẹp của huyện Bảo Yên và tỉnh Lào Cai.

 

Lễ chính đền Bảo Hà tổ chức vào ngày 17 tháng 7 âm lịch hằng năm và đây cũng là ngày giỗ tướng quân Hoàng Bẩy nên thu hút rất đông du khách cùng người dân địa phương tới tham dự. Những ngày đầu xuân mới và tháng cuối năm đền Bảo Hà có rất đông người tới chiêm bái, nhất là những người kinh doanh ở thành phố và dân cờ bạc...

 

Lễ vật ngày xưa cúng ông Hoàng Bẩy ở đền Bảo Hà thường có một ít thuốc phiện, nhiều năm nay nhà đền có thông báo không cho phép đưa thuốc phiện vào lễ vật vào đền cúng, nếu ai vi phạm sẽ bị phạt rất nặng. Do đi lại thuận lợi nên từ ngày thông xe đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai đến nay đền Bảo Hà có rất đông du khách từ các tỉnh, thành phố miền xuôi lên tham quan, chiêm bái.

 

Đền Thượng (Lào Cai)

 

Thành phố biên cương Lào Cai có nhiều ngôi đền được du khách chọn tới chiêm bái như đền Mẫu, đền Cấm, đền Đôi Cô, đền Quan và đền Thượng.

 

Trong đó nổi tiếng nhất là đền Thượng hơn 200 năm tuổi được xây dựng sát đường biên giới Việt - Trung, nơi đây có cây đa hàng trăm tuổi mới được vinh danh là Cây Di sản Việt Nam.
 

Những ngôi đền nổi tiếng trên thượng nguồn sông Hồng



Đền Thượng thờ Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn người có công lớn lên vùng biên giới chỉ huy đánh thắng giặc Nguyên - Mông thế kỷ XV và từ lâu được đất nước tôn vinh là Đức Thánh Trần.

 

Ngày rằm tháng giêng hàng năm hội xuân đền Thượng được tỉnh Lào Cai tổ chức trọng thể, ngoài phần lễ tưởng nhớ công lao to lớn của Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là phần hội với nhiều hoạt động văn nghệ - thể thao dân tộc thu hút hàng chục vạn nhân dân địa phương và du khách tới cùng tham dự.

 

Đây là hội xuân lớn nhất của thành phố Lào Cai và được khá đông du khách từ thị trấn Hà Khẩu (Trung Quốc) sang chung vui.

 

Đền Thượng thành phố Lào Cai cũng đã từng được nhà vua triều Nguyễn ban sắc phong và được Trung ương công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

                                                             

Phạm Ngọc Triển