Những lưu ý khi đi du lịch Tây Tạng

(Dân trí) - Tây Tạng là một vùng tự trị của Trung Quốc. Đến với Tây Tạng, bạn sẽ cảm giác như mình đến với một thế giới hoàn toàn khác so với hiện tại mà bạn đang sống.

Chuẩn bị về thủ tục và nhân sự

Tây Tạng không cho phép đi tự túc vậy nên bạn phải thông qua một tổ chức du lịch ở Tây Tạng để đi. Bạn có thể tìm ra vô số công ty du lịch ở Tây Tạng nhưng nhớ tìm công ty của người Tạng.

Những lưu ý khi đi du lịch Tây Tạng

Bởi Tây Tạng là khu tự trị nên ngoài phải xin visa Trung Quốc còn phải xin thông hành riêng do đại sứ quán cấp riêng vào Tây Tạng. Nên đi từ 2-4 người, không nên tự đi một mình, đề phòng có thể xẩy ra rất nhiều bất trắc trên đường đi, phải biết tiếng Anh, tốt nhất là tiếng Trung.

Về lý thuyết có 3 đường có thể lên là đường bộ , đường sắt và đường hàng không .Trong đó, đi đường hàng không là sự lựa chọn tốt nhất.

Tham quan những đâu?

Đến Tây Tạng, du khách không thể bỏ qua cơ hội khám phá Trung tâm của cao nguyên Tây Tạng chính là thành phố L’hasa, nơi được mệnh danh là “thánh địa Phật giáo và những công trình kiến trúc đặc sắc, trong đó tiêu biểu nhất phải kể đến cung điện Potala. Ngoài ra, trong tour du lịch Tây Tạng, du khách còn được thăm chùa Đại Chiêu – được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Lâu đài Potala - biểu tượng của thủ đo Lhasa

Lâu đài Potala - biểu tượng của thủ đo Lhasa

Thành phố Shigatse là một thành phố Phật giáo rất quan trọng của Tây Tạng. Nơi đây nổi tiếng với Ngôi chùa Tashilhunpo được xây dựng vào năm 1447 và là nơi ở của các vị Đạt Lai Lạt Ma. Vượt qua đèo Gangbala (cao 4.800 m so với mực nước biển), du khách sẽ đến với Dương Hồ với phong cảnh đặc trưng của cao nguyên Tây Tạng, Đại cầu Khúc Thủy - một trong ba cây cầu nổi tiếng bắc qua sông Yarlung Tsangpo và Chùa Tashilumpo - nơi ở của các vị Đại Lai Lạt Ma.

Những vật dụng nên mang theo

Thực phẩm luôn quan trọng. Ai là dân đạo nước mắm, nước tương, ớt tươi... thì chớ quên mang theo. Chà bông, muối mè, muối đậu qua đây cũng thành món ngon khi ăn với cơm. Chocolate, kẹo, mứt gừng, bánh... cũng cần để nhai cho vui miệng và ấm bụng. Cafe, trà gừng, milo... cũng nên mang theo.

Các loại thuốc uống như đau bụng, đau đầu, cảm sốt, băng keo cá nhân, thuốc xịt mũi... hay thuốc bổ tổng hợp mỗi ngày một viên cũng nên mang theo. Kem bôi ẩm da, son dưỡng môi rất cần thiết.

Cần phải chuẩn bị quần áo ấm loại hai lớp có thể chống thấm nước, nếu đi vào mùa đông thì phải mang theo giày lội tuyết. Nên mang giày thể thao, ưu tiên nhẹ và thoáng khí; thuê người bán khâu đế mép giày để đảm bảo độ bền khi leo núi.

Sức khỏe, tiền tệ và những vấn đề khác

Đến với Tây Tạng sức khỏe là một vấn đề rất quan trọngvì đây là vùng đất có khí áp thấp, mật độ không khí loãng hơn so với vùng đồng bằng từ 25 đến 30%, nếu những người có tiền sử về tim mạch hoặc huyết áp cao thấp không nên đi.

Ta nên đổi tiền Tệ ở Việt Nam, bên đó đổi từ đô la không có lợi, có thể tiêu bằng thẻ Visa nhưng tương đối khó. Mua sắm tại các cửa hàng của người Tây Tạng không cần phải trả giá vì hàng luôn được bán đúng giá. Thức ăn ở Tây Tạng tương đối giống ở Trung Quốc. Đồ ăn của người Tạng rất khó ăn. Chúng ta có thể ăn thử cho biết nhất là thịt bò rắt.

Người dân Tây Tạng rất thân thiện và nhiệt tình. Vào các nhà hàng ở Tây Tạng, du khách được tiếp đón trọng thị, ân cần. Khi muốn đưa vật gì cho khách thì họ đều nghiêng mình, một tay đưa lên ngực một tay đưa đồ cho khách. Khi làm gì sai với khách, họ xin lỗi một cách chân thành, không phải một lần mà hai, ba lần xin lỗi.

Luy ý, ở Tây Tạng không được chụp ảnh cảnh sát, đồn cảnh sát hay quân đội... hoặc nơi để bảng cấm chụp hình.

Minh Anh (tổng hợp)