Những lễ hội đua ngựa đặc sắc nhất Việt Nam

(Dân trí) - Hàng năm ở Việt Nam có rất nhiều lễ hội độc đáo được diễn ra, trong đó những lễ hội ngựa luôn được sự thu hút đặc biệt của người dân. Cùng tìm hiểu thông tin về 3 lễ hội ngựa độc nhất vô nhị ở Việt Nam.

Lễ hội chọi ngựa, Hà Giang

Theo quy định, giải đấu chọi ngựa ở Hà Giang sẽ được tổ chức hai lần mỗi năm, vào rằm tháng Giêng và rằm tháng 7 Âm lịch tại khu du lịch sinh thái Thủy Lâm Viên để phục vụ bà con và du khách thập phương.

Những lễ hội đua ngựa đặc sắc nhất Việt Nam


Lễ hội thu hút sự tham gia của nhiều chú ngựa đến từ các tỉnh vùng Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang và Cao Bằng.

Thể thức thi đấu loại trực tiếp để chọn lựa các cặp ngựa chiến thắng thi đấu vòng chung kết. Trước khi giao đấu, hai chú tuấn mã được đưa ra "ngửi hít" một con ngựa cái làm mồi nhử. Sau khi ngựa cái được dắt đi, hai chú ngựa đực xông vào nhau bắt đầu cuộc chiến tranh giành. Chúng đá, cào, tát... để giành chiến thắng.

Sự kiện chọi ngựa ở Hà Giang luôn thu hút hàng ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh, thậm chí khách quốc tế đến chứng kiến, nhiều người già và trẻ nhỏ đều thích thú với những hình ảnh lạ mắt này. Bởi trước khi đến với những trận đấu kịch tính thì những chú ngựa rất quen thuộc với đời sống thường ngày của bà con vùng cao trong các chuyến vận chuyển hàng hóa, vượt núi ngược xuôi buôn bán.

Lễ hội đua ngựa Bắc Hà, Lào Cai

Cho đến giờ, không ai biết rõ lễ hội đua ngựa của bà con vùng cao Bắc Hà - Lào Cai bắt đầu từ khi nào và chính lễ vào ngày nào. Theo những người già nhất sống ở “cao nguyên trắng” thì áng chừng khi hoa mận nở trắng rừng là lúc người dân khắp vùng Bắc Hà nô nức kéo nhau về sân dinh thự Hoàng A Tưởng chen chân xem hội đua ngựa.

Những lễ hội đua ngựa đặc sắc nhất Việt Nam


Thông thường, các cuộc đua ngựa còn kèm theo các trò để thi thố tài năng, như nhào lộn trên lưng ngựa, sải mình xuống với lấy một vật gì đó đặt dưới đất hoặc lấy được bầu rượu treo trên cao đặt ở phía cuối đường bên kia rồi vòng lại. Cuộc đua ngựa diễn ra hấp dẫn trước sự hò reo cổ vũ của bà con dân bản. Với các chàng trai chưa vợ thì mỗi dịp đua ngựa còn là lúc họ thể hiện sự oai phong, dũng mãnh để lọt vào mắt các cô gái.

Giải thưởng cho người chiến thắng khi xưa không có vật chất nhưng lại vô cùng oai hùng, người thắng cuộc được tôn vinh là “anh hùng cao nguyên”. “Tiếng thơm” này vang vọng khắp bản làng, thôn xóm và được truyền tai nhau cho những thế hệ sau.

Lễ hội đua ngựa trên Gò Thì Thùng, Phú Yên

Ở Phú Yên, mùng chín tháng giêng âm lịch hàng năm đã thành thông lệ, người người rủ nhau lên Gò Thì Thùng xem đua ngựa. Ngựa đua là những chú ngựa hàng ngày cùng họ lên rẫy thồ hàng, được họ khóac thêm tấm vải màu cho thêm phần long trọng.

Những lễ hội đua ngựa đặc sắc nhất Việt Nam


Có điều khá lạ là chiến mã tham gia cuộc đua chủ yếu là ngựa cái, còn ngựa đực chỉ được dắt đến để ...làm cảnh, không cho tham gia đua.

Do không phải là ngựa đua chuyên nghiệp nên nhiều tình huống vui đã diễn ra trên đường đua. Có chị ngựa chỉ chạy mỗi một vòng rồi ...thôi , không chịu chạy tiếp. Có chị ngựa đang chạy bổng ...rẽ ngoặt vào bên lề vì phía ấy có nhiều ...chiến hữu đang ung dung gặm cỏ. Có chị ngựa thì hung hăng hất tung kỵ sĩ xuống đất.

Nhữ Trang (tổng hợp)