Những "kỵ sĩ chân đất" người Mông chuẩn bị về Hà Thành

(Dân trí) - Sẽ có khoảng 30-40 người (bao gồm các già làng, trưởng bản, thanh niên) và khoảng 10-15 con ngựa đua sẽ về Hà Nội trổ tài đua ngựa vào ngày 16 – 18 tháng giêng tới đây.

Đây là một hoạt động nổi bật trong chương trình "Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức; nhằm gìn giữ, bảo tồn và giới thiệu những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được tổ chức tại Làng văn hóa các du lịch dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet

Nét hấp dẫn của cuộc đua ngựa chính là ở tính dân dã, gần gũi với đời sống hàng ngày của người dân vùng cao. Qua đua ngựa, mọi người có dịp hiểu thêm về đời sống của con người vùng Tây Bắc và một loài vật có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc sống của cư dân miền núi nơi đây: Loài ngựa.

Ngoài ý nghĩa đuổi mọi rủi ro của năm cũ, cầu chúc năm mới may mắn sức khỏe, đua ngựa còn thể hiện tài nhanh nhẹn, lòng can đảm, trí thông minh và tinh thần thượng võ của người Mông.

Người Mông đua ngựa thường tổ chức vào các dịp vui xuân đón tết, trong hội chính thức được cả làng, bản chứng kiến cổ vũ thì vui hơn nhiều. Khi có người già khởi xướng đua ngựa, nhà nhà hưởng ứng chuẩn bị cuộc đua.

Các chàng trai dù chưa có vợ hay đã có vợ đều hào hứng với cuộc đua này. Bởi, đua ngựa là biểu hiện của tinh thần phóng khoáng, dũng mãnh và tự tin của chàng trai người Mông.Họ chọn cho mình một con ngựa tốt để chăm sóc đưa đi tỉ thí. Ngựa muốn khỏe và chạy nhanh phải có dáng hình cao ráo, gân to, thịt săn, chân thẳng và thon chắc, móng đẹp, chạy êm, răng khỏe, trắng đều, bờm dày, lông đều, sờ vào mượt như sờ vào tơ lụa.

Thời khắc khai cuộc, tại một địa điểm có thế đất bằng phẳng, mọi người đến tụ tập. Cầm chịch tại đó là những người già đủ uy tín, chưa hề mang tiếng xấu với dân làng và họ là những giám khảo đầy uy lực.

Hiệu lệnh bắt đầu, tốp đua ngựa lao như tên bắn về phía trước, tay cầm chặt dây cương các chàng trai rạp người trên mình ngựa, huých mạnh để ngựa tung vó nhanh hơn để vượt lên phía trước.Người chứng kiến và xem không giấu nổi hồi hộp. Họ chờ đợi bóng dáng người - ngựa hiện ra. Mọi người rầm rộ hoan hô không ngớt khi thấy những chàng trai ra roi vun vút vào mông ngựa về tới đích.

Những người đua đều tự giác và giám sát nhau, nên đềuthực hiện đúng theo quy định và coi đây là sự cao thượng trong đua ngựa. Kèm theo đua ngựa thường đưa ra các trò để thi thố tài năng, như vừa phi ngựa vừa bắn nỏ vào mục tiêu; sải mình xuống với lấy một vật gì đó đặt dưới đất hoặc lấy được bầu rượu treo trên cao đặt ở phía cuối đường bên kia rồi vòng lại hoặc nhào lộn trên lưng ngựa…

Dự kiến sẽ có khoảng 30 - 40 người gồm: người có uy tín trong cộng đồng và nghệ nhân dân tộc Mông cùng khoảng 10 - 15 ngựa đua tham gia tái hiện Hội đua ngựa đầu Xuân trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”

Bên cạnh đó, một số phong tục truyền thống, lễ hội tiêu biểu và các trò chơi dân gian mang đậm không khí ngày tết như lễ hội nhảy lửa, múa hát cồng chiêng Tây Nguyên,… sẽ được tái hiện trong dịp này, giúp công chúng có thêm những hiểu biết về văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam.

Minh Phan