Những góc khuất sau vẻ hào nhoáng ở Dubai ít người nhìn thấy

(Dân trí) - Phía sau sự giàu có hào nhoáng ở Dubai là những mặt trái, góc khuất riêng không mấy khi khách du lịch để ý tới.

Đi đâu làm gì trong 5 ngày du lịch Dubai?

“Tại sao bạn không muốn chuyển tới thành phố có 365 ngày nắng nóng trong năm với thu nhập miễn thuế?”, Shitika Anand, một blogger du lịch từng đặt câu hỏi như vậy khi cô chuyển đến Dubai sinh sống vào năm 2015.

Qua đó, cô có cơ hội tìm hiểu về cuộc sống ở thành phố giàu có với hàng loạt kỷ lục thế giới, cả vẻ đẹp bóng bẩy bên ngoài và góc khuất phía sau đó.

Vẻ đẹp lộng lẫy của Dubai nhìn từ trên cao
Vẻ đẹp lộng lẫy của Dubai nhìn từ trên cao

Ở Dubai trong những ngày đầu, Shitika gần như bị ngợp trước sự phồn thịnh của quốc gia vùng Vịnh. “Đó là con đường Sheikh Zayed có 12 làn với những chiếc xe thể thao màu đỏ sáng bóng lao vút. Tiếp đến là tòa nhà Burj Khalifa cao nhất thế giới, phiên bản vĩ đại của đài phun nước Bellagio ở Las Vegas. Hay thậm chí bạn có thể làm điều không tưởng như bơi cùng cá mập trong hồ bơi tại khách sạn”, cô nói.

“Nhưng trong suốt hành trình khám phá Dubai, nhiều bí mật được từ từ mở ra, khiến bạn không thoải mái và buồn”.

Bảo tàng Dubai hiện là công trình cổ nhất trong thành phố, là nơi lưu giữ những câu chuyện rất chân thực thời quá khứ, khi nơi này còn là vùng hoang mạc khô cằn với vài làng chài nghèo khổ sống bằng đánh bắt thủy sản hay mua bán nông sản, gia vị.

Giới nhà giàu ở Dubai với cuộc sống nhung lụa
Giới nhà giàu ở Dubai với cuộc sống nhung lụa

Khi người Anh rời đi vào những năm cuối thập niên 60, các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) nhất phát hiện “mỏ vàng” ngay dưới chân. Tài nguyên dầu lửa đưa nơi này thành tiểu vương quốc phồn thịnh.

Khi đó, người dân còn đang trong thời kỳ cưỡi lạc đà hoang mang không biết phải làm gì với khối tài sản khổng lồ. Để khắc phục điều này, thủ tướng Sheikh Maktoum đã mời những chuyên gia nước ngoài tới làm việc. Ông hứa một cuộc sống không thuế tại vùng sa mạc khô cằn để thay đổi tất cả.

Hàng chục năm trôi qua, dân số của Dubai trở nên phức tạp hơn. Hiện tồn tại 3 tầng lớp cùng nhau chung sống tại đây và phụ thuộc lẫn nhau.

Tầng lớp đầu tiên phải kể tới người dân bản địa chính gốc. Họ là người giàu có và thuộc tầng lớp trên cùng. “Du khách thấy những người lái siêu xe trên phố, dắt thú cưng đi dạo chính là họ. Dù nuôi động vật hoang dã được coi là bất hợp pháp ở UAE nhưng đó vẫn là thú chơi phổ biến của giới nhà giàu”, blogger chia sẻ.

Những góc khuất sau vẻ hào nhoáng ở Dubai ít người nhìn thấy - 3

Tầng lớp thứ 2 là những công dân nước ngoài giàu có, hay được coi là “bộ não quốc gia”, từ các Giám đốc điều hành tới giám đốc ngân hàng, những người đứng đầu dự án. Họ được mời tới Dubai để làm việc với mức lương rất cao.

Những người dân lao động nhập cư ở Dubai có cuộc sống rất bấp bênh
Những người dân lao động nhập cư ở Dubai có cuộc sống rất bấp bênh

Tầng lớp thứ 3 là người lao động nhập cư nghèo. Họ làm ca 12 tiếng mỗi ngày ở những công trường xây dựng giữa sa mạc trong cái nóng 50 độ C. Điều kiện sống của họ vẫn là vấn đề tranh cãi khi 4-5 người cùng chung sống trong không gian như “hộp diêm”. Tuy nhiên, cũng chính sức lao động của họ mang tới cho Dubai vẻ ngoài lấp lánh đầy vinh quang.

Theo lời chia sẻ của nữ blogger, những ngày đầu khi tới đây, cô hân hoan sống trong cuộc sống hạnh phúc. Nhưng rồi mọi thứ lại ám ảnh cô khi ngày cuối tuần, ngồi trên xe taxi, người tài xế chia sẻ anh không thể đủ tiền mua nổi con dê cho gia đình ở Pakistan trong ngày lễ Eid.

Trong suốt 2 năm, rất nhiều lần Shitika tự đặt câu hỏi. “Tôi đang sống giữa tòa nhà cao lấp lánh nhưng không phải do người bản địa xây dựng. Đèn điện sáng và lớp đá cẩm thạch loáng bóng ở trung tâm thương mại Dubai Mall khiến tôi đau đầu. Tiếng nhạc jazz nhẹ nhè phát ra từ quầy bar ở Cavalli gợi lên nỗi cô đơn”, cô trải lòng.

Và cuối cùng, Shitika quyết định rời đi.

Hoàng Hà

Theo News, Au