Những điều kiêng kỵ khi du lịch Nhật Bản

Du lịch khám phá Nhật Bản đang là một trào lưu, nhưng để có một chuyến đi hoàn hảo, cần trang bị kiến thức để ứng xử một cách có văn hóa, để không bị xem là "người lạ” và phải chịu những mức phạt nặng do thiếu hiểu biết.

Giới chức năng Kyoto, Nhật gần đây đưa ra danh sách 18 "akimahen", tức những điều kiêng kỵ, khi du lịch vùng cố đô, trong đó có những hạng mục ấn định mức phạt khá "gắt", chẳng hạn đi xe đạp khi say xỉn sẽ "hưởng" 5 năm tù giam hoặc nộp tiền phạt tương đương 1 triệu yên (khoảng 200 triệu đồng).

Các khung hình phạt này được dựng thành một bảng tuyên truyền, với thiết kế và minh họa súc tích, ngắn gọn, hẳn không nhằm mục đích giáo dục người bản địa, mà dành cho du khách nước ngoài đến Nhật Bản.

Những "akimahen" này, từ việc không tự ý đóng cửa xe khi ra khỏi taxi, dùng tiền bồi dưỡng cho nhân viên nhà hàng..., hẳn là dụng ý của người Nhật nhằm góp phần thay đổi suy nghĩ cùng cách hành xử của du khách trên đất Nhật.

Khi sử dụng dịch vụ của người Nhật, hãy nói cảm ơn thay vì bồi dưỡng tiền - Ảnh: Nguyễn Đình
Khi sử dụng dịch vụ của người Nhật, hãy nói "cảm ơn" thay vì bồi dưỡng tiền - Ảnh: Nguyễn Đình

Chen ngang vào hàng người đang xếp hàng trật tự là điều tối kỵ, dù chưa bị bắt phải nộp tiền phạt nhưng để người bản xứ nhìn kẻ phá lệ bằng ánh mắt đầy vẻ ngạc nhiên và bực bội là thứ "hình phạt" có lẽ còn kinh khủng hơn gấp bội.

Việc bật quẹt mồi thuốc trên đường ở các đô thị lớn như Tokyo hay Osaka sẽ khiến hầu bao của bạn mất ngay 50.000 yên tiền phạt, tương đương 10 triệu đồng.

Còn chuyện xả rác, dù chỉ một mẩu thuốc lá, ở những khu vực công cộng, chốn linh thiêng, chẳng hạn trong khuôn viên các đền thờ Thần Đạo, người vi phạm sẽ nhận ngay mức phạt là 30.000 yên.

Một khung hình phạt bằng tiền khác có trong danh sách những điều không nên làm khi du lịch Nhật Bản là việc để xe đạp không đúng nơi quy định. Chi phí để người ta đưa chiếc xe về đúng vị trí sẽ làm tiêu tốn của bạn 2.300 yên.

Trong trường hợp bạn không phải là chủ sở hữu của chiếc xe, mà phải thuê, sự việc sẽ còn tồi tệ hơn, bởi bộ phận xử lý sẽ đem chiếc xe đó trả về đơn vị cho thuê, và ngoài khung giá 2.300 yên, người vi phạm sẽ phải chịu thêm mức phí phát sinh như tiền lưu kho, tiền vận chuyển trả về nơi thuê.

Suối nước khoáng nóng lộ thiên Kusatsu được mệnh danh là Đệ nhất Onsen ở tỉnh Gunma
Suối nước khoáng nóng lộ thiên Kusatsu được mệnh danh là "Đệ nhất Onsen" ở tỉnh Gunma

Người Nhật không có thói quen tụm năm tụm ba giữa sảnh khách sạn, nhà ga, trên tàu điện và nói chuyện ồn ào như chợ vỡ, bởi tính cách người Nhật thường không thể hiện mình là người nổi bật trước đám đông bằng các trò lố.

Ngay cả việc dùng điện thoại tại chốn đông người, như trên toa tàu, việc để chế độ rung là điều nên làm, nếu không cả toa tàu sẽ nhìn bạn như người đến từ hành tinh khác.

Khi thăm viếng các khu đền Thần Đạo, ngoài giữ yên lặng, cởi bỏ các phụ kiện như kính mát, mũ, việc chụp ảnh cũng phải tuân theo chỉ dẫn để thể hiện sự tôn trọng và thành kính với nơi linh thiêng mà người Nhật tôn thờ.

Khi gặp gỡ các cô gái trong trang phục truyền thống, nếu muốn chụp hình cùng họ thì phải tránh đụng chạm, níu kéo, vì đó được xem là cử chỉ khiếm nhã mà người Nhật không thể chấp nhận.

Quy chuẩn về trật tự xã hội cũng là một nét đặc trưng rất riêng của người Nhật, dễ nhận thấy trong giao thông, đi lại.

Việc một du khách không đi đúng làn đường dành cho người đi bộ sẽ là hình ảnh "xấu xí” trong mắt các tài xế, dù khoảng cách giữa phương tiện lưu thông và người đi bộ vẫn đủ an toàn cho việc băng qua đường.

Cô gái Nhật trong trang phục truyền thống ở Công viên Văn hóa Jidaimura, Hokkaido
Cô gái Nhật trong trang phục truyền thống ở Công viên Văn hóa Jidaimura, Hokkaido

Có những chi tiết tưởng chừng rất nhỏ trong giao tiếp, sinh hoạt thường ngày cũng được đưa vào danh sách "akimahen", chẳng hạn như mang giày mà lại bước lên thảm tatami, mang theo thực phẩm và đồ uống vào sử dụng trong nhà hàng, hủy bỏ chỗ đã đặt ở nhà hàng vào giờ chót, làm bẩn phòng vệ sinh, không nhường chỗ cho người khác ở các ngả đường chật hẹp, dùng tay hoặc đũa trỏ vào mặt người đối diện, gõ đũa, mút đũa trong bữa ăn, tự ý đụng chạm, sờ nắn các nghệ phẩm trưng bày...

Những điều cấm kỵ kể trên hẳn đã từng làm đau đầu ngành du lịch Nhật khi phải tiếp đón những "thượng đế” giàu tiền bạc nhưng nghèo vốn sống.

Du lịch Nhật Bản, một trong những nét văn hóa nên trải nghiệm là tắm nước khoáng nóng (onsen). Để hòa nhịp với nét văn hóa thú vị ấy, du khách phải tuân thủ những quy định riêng.

Việc đầu tiên là phải làm sạch cơ thể ở các vòi nước tại khu vực tắm công cộng rồi mới bước xuống khu vực hồ ngâm.

Nếu không muốn trở thành nhân vật gây nhức mắt cho cả khu vực onsen thì phải tuân thủ quy định tắm khỏa thân, bikini cũng không được phép mặc.

Người Nhật rất dị ứng với việc kỳ cọ cơ thể dưới bồn ngâm khi đi tắm onsen, vì vậy, khi trầm mình vào bồn, hãy tận hưởng làn nước ấm nóng trong sự thư giãn và chớ nên "động thủ”.

Nhật đang hút khách ngoại quốc

Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết, năm 2014, du khách ngoại quốc đến Nhật tăng cao kỷ lục (đạt 13,4 triệu) nên lần đầu tiên kể từ năm tài chính 1959, ngành công nghiệp không khói Nhật có doanh thu rất tốt.

Du khách quốc tế đã chi tiêu số tiền cao kỷ lục là 2,23 ngàn tỷ yên.

Sau khi trừ số tiền người Nhật chi tiêu khi du lịch nước ngoài (2,02 ngàn tỷ yên, giảm 4%) thì thặng dư được 209,9 tỷ yên (khoảng 1,75 tỷ USD).

Năm 2013, doanh thu của ngành du lịch Nhật bị hụt 530,4 tỷ yên. Giới chuyên ngành tin tưởng kết quả kinh doanh du lịch năm 2015 sẽ còn tốt hơn nhiều.

Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản (JNTO) cho biết, trong 7 tháng đầu năm, Nhật đã là điểm đến của 11,05 triệu lượt khách quốc tế, tăng 46,9% so cùng kỳ năm 2014 (riêng trong tháng 7, Nhật đón 1.918.400 khách, tăng 51% so với tháng 7/2014), chi tiêu 1,6 ngàn tỷ yên.

Theo Japan Tourism Agency (JTA), có thể khi năm 2015 kết thúc, Nhật đón tổng cộng 18 triệu du khách.

Theo Doanh nhân Sài Gòn