Những biệt danh thú vị về các vùng miền trên giải đất hình chữ S

(Dân trí) - Không ít địa danh của Việt Nam mang những biệt danh thú vị gắn với biểu tượng tiêu biểu của vùng đất đó.

Đà Lạt - thành phố ngàn hoa
Những biệt danh thú vị về các vùng miền trên giải đất hình chữ S
Thành phố cao nguyên gắn liền với nhiều biệt danh lãng mạn. Nơi đây cũng là thiên đường của nhiều loại hoa đẹp.

Đà Lạt - thành phố cao nguyên nằm trên độ cao 1500m so với mực nước biển thuộc khu vực Tây Nguyên Việt Nam. Với lợi thế địa hình được các dãy núi và quần thể hệ thực vật rừng bao quanh, thành phố vùng cao được thừa hưởng nền khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm. Nơi đây là thiên đường của nhiều loại hoa, trong đó phải kể tới hoa dã quỳ, mimosa, mai anh đào… Chẳng thế mà từ lâu, người ta đã trừu mến gọi Đà Lạt với cái tên "thành phố ngàn hoa" hay nhiều biệt danh khác như "thành phố mù sương", "thành phố ngàn thông", "xứ sở tình yêu"…

Đà Nẵng - thành phố của những cây cầu

Cầu sông Hàn - niềm tự hào của người Đà Nẵng.

Cầu sông Hàn - niềm tự hào của người Đà Nẵng.

Là nơi hội tụ nhiều cây cầu với kiến trúc độc đáo nên thành phố bên sông Hàn còn có tên gọi khác rất đỗi tự hào "thành phố của những cây cầu". Đến với Đà Nẵng, du khách khó lòng khước từ những chuyến đi để chiêm ngưỡng các cây cầu nổi tiếng làm nên tên tuổi vùng đất này.

Một trong những cây cầu là biểu tượng của sự năng động, gắn liền với thành phố biển chính là cầu quay sông Hàn. Đây cũng là cầu dây văng thế hệ đầu ở Việt Nam với nhịp chính dây văng xoay quanh trục. Ấn tượng về mặt kiến trúc, cầu sông Hàn còn mở rộng cánh cửa phát triển kinh tế, nối hai bờ trục Đông - Tây.

 Cầu Rồng.
 Cầu Rồng.

Một trong những biểu tượng nền du lịch Đà Nẵng trong những năm gần đây không thể thiếu cầu Rồng với hình tượng mô phỏng mẫu rồng vàng thời Lý. Năm 2014, trang du lịch Viralnova đã bình chọn cầu Rồng nằm trong số những cây cầu đẹp nhất hành tinh với khả năng phun lửa và nước vô cùng ấn tượng.

Cầu Thuận Phước.
Cầu Thuận Phước.

Sẽ là thiếu sót nên không nhắc tới một số cây cầu nổi tiếng khác như cầu Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Văn Trỗi, cầu Thuận Phước…

Hải Phòng - thành phố hoa phượng đỏ

Thành phố
cảng rực màu hoa phượng đỏ khi hè về.
Thành phố cảng rực màu hoa phượng đỏ khi hè về.

Không phải ngẫu nhiên Hải Phòng còn có tên gọi khác là "thành phố hoa phượng đỏ". Loại cây này đã du nhập vào thành phố đất cảng vào khoảng thế kỷ 19 do người Pháp mang từ Madagacar đến trồng. Dường như phượng vỹ rất hợp thổ nhưỡng và khí hậu ở đất Hải Phòng nên từ đó được trồng nhiều tại các con phố ven đường.

Màu hoa phượng đỏ đã gắn sâu trong tâm hồn người dân đất cảng với hàng trăm ca khúc, thơ ca, hội họa và nhiếp ảnh. Lễ hội hoa phượng đỏ tổ chức thường niên cũng là dịp người Hải Phòng và du khách tận hưởng những cảm xúc về loài hoa gắn với nhiều kỷ niệm cùng nhiều hoạt động văn hóa bên lề.

Đường
Trần Phú với hàng phượng nhuốm đỏ không gian.
Đường Trần Phú với hàng phượng nhuốm đỏ không gian.

Tháng 5 hàng năm, nhiều tuyến đường dẫn vào thành phố lại rạo rực màu hoa học trò. Những con đường Trường Trinh, Tôn Đức Thắng, Đà Nẵng, phố Lê Hồng Phong… bừng màu hoa đỏ, tràn trề sức sống trong nắng hè. Đặc biệt, tuyến đường dài hơn 20 km Phạm Văn Đồng - đường nối thành phố với khu du lịch Đồ Sơn còn biết tới với cái tên "đường hoa phượng" với hàng cây trổ bông đỏ thắm hai bên lối đi.

Xứ dừa - Bến Tre

Bến Tre - vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với những con sông quanh năm bồi đắp phù sa, tạo cho nơi đây môi trường sinh thái trù phú. Nằm giữa bốn bề vùng sông nước, xen cạnh đồng ruộng là những vườn dừa xanh rì tỏa bóng. Không biết tự bao giờ, Bến Tre đã gắn với cái tên "xứ dừa".

Đường
Trần Phú với hàng phượng nhuốm đỏ không gian.
                                                                                                                                 Quê hương xứ dừa.

Về với "kinh đô xứ dừa", du khách được thưởng thức đến cả trăm món ngon được làm từ loại quả dân dã, mộc mạc này. Phần nhiều do khí hậu và thổ nhưỡng nên phải là dừa Bến Tre mới tạo được loại kẹo thơm ngon, nổi tiếng với món kẹo dừa huyện Mỏ Cày. Cơm dừa và nước dừa là nguyên liệu xuất hiện hầu hết trong các món ăn ở đây, từ cơm, món kho, xào cho tới bánh, chè…Từ cuộc sống bình dị hàng ngày của người dân nơi đây tới ẩm thực, văn hóa, không thể thiếu hình bóng của cây dừa. Chẳng thế mà ca dao dân gian Việt Nam đã có câu:

"Thấy dừa thì nhớ Bến Tre

Thấy bông sen nhớ đồng quê Tháp Mười."

Huy Hoàng (Tổng hợp)