Những bí ẩn về người tuyết Yeti đang dần được hé lộ

(Dân trí) - Các chuyên gia đã phân tích các mẫu vật bao gồm mẫu xương, da, tóc và phân lấy từ khu vực núi Himalaya của cao nguyên Tây Tạng để tìm kiếm câu trả lời liên quan đến sinh vật bí ẩn vẫn được lưu truyền từ nhiều năm nay – người tuyết Yeti.

Người tuyết Yeti là một sinh vật bí ẩn giống vượn, cao hơn người trung bình và được cho là sống ở khu vực núi Himalaya của cao nguyên Tây Tạng, Nepal. Những câu chuyện về Yeti được truyền bá tới phương Tây vào thế kỷ 19.

Người ta từng săn tìm Yeti trong thời gian dài để chứng minh đây là sinh vật có thật. Thậm chí có những nơi còn lưu lại mẫu xương, lông tóc, da và cả mẫu phân được cho là của người Yeti lấy từ vùng núi Himalaya của cao nguyên Tây Tạng.

Người tuyết Yeti liệu có tồn tại thực sự?
Người tuyết Yeti liệu có tồn tại thực sự?

Mới đây nhất, các nhà khoa học đến từ Đại học Buffalo, Mỹ, dựa trên công nghệ xét nghiệm AND phân tích 9 mẫu bằng chứng nổi tiếng nhất về người Yeti. Kết quả xét nghiệm công bố trên tờ tạp chí “Kỷ yếu Hội nghị Hoàng gia B” khiến nhiều người bất ngờ.

Một mẫu trong đó thuộc về loài chó, còn 8 mẫu bằng chứng còn lại thuộc về gấu nâu Himalaya hoặc gấu nâu Tây Tạng.

Theo Tiến sĩ Charlotte Lindqvist, người đứng đầu nhóm chuyên gia nhận định, kết quả nghiêm cứu cho thấy bằng chứng sinh học của người tuyết Yeti thuộc về những con gấu trong khu vực. Điều này đang chứng minh công nghệ gen sẽ làm rõ những bí ẩn tương tự trong tương lai.

Mẫu lông tóc từng được cho là bằng chứng xác thực về sự xuất hiện của người Yeti
Mẫu lông tóc từng được cho là bằng chứng xác thực về sự xuất hiện của người Yeti

Được biết, đây không phải những người đầu tiên phân tích tìm kiếm mẫu gen của Yeti. Tuy nhiên trước đó tất cả chỉ phân tích di truyền ở mức độ đơn giản. Và câu hỏi “Liệu người tuyết có thật hay không” vẫn chưa được giải đáp.

Song hành cùng việc tìm kiếm sinh vật kỳ bí, việc phân tích mẫu ADN của nhóm khoa học cũng làm sáng tỏ lịch sử tiến hóa của loài gấu châu Á. Việc làm rõ kết cấu phân bố có thể giúp các nhà khoa học xác định chính xác số lượng từng loài, qua đó tìm ra chiến lược bảo tồn gìn giữ hợp lý. Họ sắp xếp mẫu ADN của 23 loài gấu châu Á, gồm cả Yeti, so sánh dữ liệu di truyền với những loài gấu khác trên thế giới.

Kết quả cho thấy, loài gấu nâu Tây Tạng cùng chung tổ tiên với gấu nâu Bắc Mỹ và gấu châu Á, châu Âu. Trong khi đó, gấu nâu Himalaya thuộc dòng khác. Vụ phân chia xảy ra khoảng 650.000 năm trước trong kỷ băng hà. Việc mở rộng các dòng sông băng khiến gấu Himalaya trở nên tách biệt dẫn tới con đường tiến hóa độc lập.

Cũng từ kết luận trên cho thấy, những bằng chứng được cho là rõ ràng nhất về huyền thoại người tuyết Yeti đã bị gạt bỏ.

Lịch sử về huyền thoại người tuyết Yeti

Những câu chuyện đầu tiên xung quanh người tuyết Yeti xuất hiện khoảng trước thế kỷ 19. Người theo đạo Phật tin rằng họ thấy những sinh vật kỳ bí này sống tại dãy Himalaya. Họ miêu tả sinh vật với kích thước lớn, dùng đá làm vũ khí.

Người ta bắt đầu hành trình tìm kiếm sinh vật kỳ bí này vào đầu thế kỷ 20. Một số du khách đặt chân tới đây kể lại họ thấy những dấu vết lạ trên tuyết.

Năm 1970, nhà leo núi người Anh Don Whillan tuyên bố, anh nghe thấy những âm thanh lạ bên ngoài lều, được cho là cách người Yeti liên lạc với nhau. Cũng trong đêm, Don nhìn thấy thân hình to lớn trong bóng tối đang di chuyển gần về phía trại của mình.

Hoàng Hà

Theo DM/MR