Nhớ về Hà Nội xưa qua món bánh truyền thống

(Dân trí) - Ngày nay, không khó để tìm được một cửa hàng bánh ngọt Pháp hay bánh Hồng Kông trên đường phố Hà Nội. Thế nhưng, khi nhắc đến bánh ngải, bánh mảnh cộng hoặc bánh dành dành, chắc chẳng mấy ai hình dung được mùi vị, nguyên liệu của chúng ra sao.

Chiều đông Hà Nội, khi những vạt nắng cuối cùng cũng nhạt dần, thì ở cuối con ngõ trên phố Lý Nam Đế, có một cửa hàng bánh vẫn tỏa ra ánh điện ấm áp. Nếu là lần đầu bước vào nơi đây, chắc chắn bạn sẽ bị thu hút bởi cách bài trí đẹp mắt và sự đan xen hài hòa giữa sắc màu của hàng chục loại bánh khác nhau.

Trước sự xuất hiện ồ ạt của vô vàn các hiệu đồ ăn nhanh và cả sự “lên ngôi” của những món quà vặt lạ miệng, món ăn dân gian Việt dường như đang bị “lép vế”. Ấy vậy mà giữa lòng Hà Nội, có một cửa hàng bánh tuy không quá lớn nhưng lại chứa đựng cả hương, sắc và cả sự lắng đọng của ẩm thực truyền thống. Còn hơn cả một món ăn, đó là giá trị, là bản sắc văn hóa cần được nhân rộng để mọi người được biết đến.

Nhớ về Hà Nội xưa qua món bánh truyền thống - 1

Một vị khách đang lựa chọn vị bánh yêu thích.

Bà Phạm Thị Hồng Hà, chủ của cửa hàng bánh đặc biệt ấy là một người con gái Thủ đô chính hiệu. Điều đó toát lên từ phong thái, cách nói năng và từ ánh mắt say mê khi bà kể câu chuyện về những chiếc bánh dân tộc.

Từ khi còn nhỏ, bà đã được mẹ dạy đủ nữ công gia chánh. Về sau, với kinh nghiệm học thêm từ mẹ chồng, những chiếc bánh bà làm ra càng hoàn thiện hơn. Hương vị và ý nghĩa của những chiếc bánh dân tộc trong kí ức theo bà suốt mấy chục năm trời, là động lực không nhỏ thôi thúc bà mở một cửa hàng của riêng mình.

Nhớ về Hà Nội xưa qua món bánh truyền thống - 2

Các loại bánh có ở cửa hàng.

Nhớ về Hà Nội xưa qua món bánh truyền thống - 3

Bánh ngũ sắc bắt mắt.

“Bánh truyền thống của người Hà Nội thì có vô vàn. Nào là bánh gai, bánh gấc, bánh mảnh cộng, bánh bẻ, bánh bàng,… nhưng khi mở cửa hàng, tôi chỉ khôi phục một số loại bánh mình còn nhớ. Thêm nữa, những loại bánh này đều là đặc trưng trong tâm trí người Hà Nội.”, bà Hà chia sẻ.

Khắp không gian cửa hàng ngăn nắp với những ô tủ gỗ và những mẹt nhỏ đầy ắp các loại bánh. Chiếc nào cũng chỉ nhỏ như bao diêm nhưng đầy đặn và có màu tươi tắn. Có lẽ, kích thước của bánh nhỏ như vậy cũng xuất phát từ cách ăn của người Hà Nội, chỉ mang tính thưởng thức hơn là ăn no. Đó cũng là cái tinh tế trong văn hóa ẩm thực của con người đất kinh kỳ.

Nhớ về Hà Nội xưa qua món bánh truyền thống - 4

Bánh gấc đỏ tươi. Bánh mảnh cộng xanh ngắt. Bánh gai đen óng. Bánh chín tầng mây rực rỡ. Bánh mít vàng ươm. Mỗi loại bánh đều có nét đặc trưng về cách chế biến, màu sắc cũng như hương vị. Bánh nào cũng chỉ có vị ngọt man mát, rất nhẹ nhưng vương vấn trong cổ họng rất lâu.

Một “đặc sản” nữa của cửa hàng là bánh rán lúc lắc. “Bánh rán thì nơi nào cũng có. Nhưng mình làm sao cho bánh có hương vị đặc trưng để mọi người nhớ và tìm đến, đó mới là điều khó.” Thực vậy, những chiếc bánh rán nơi đây rất thu hút. Mẻ bánh được bày ra khay, chiếc nào chiếc nấy đều chằn chặn. Lớp nhân không hề dính vỏ bánh, khi cắn sẽ cảm nhận được sự giòn tan của vỏ quyện lẫn vị thơm lừng của vừng.

Nhớ về Hà Nội xưa qua món bánh truyền thống - 5

Bánh rán lúc lắc thơm nức và giòn tan là món nhất định phải thử khi ghé Hà Nội.

Rất nhiều khách hàng đã tìm đến tiệm bánh của bà Hà để được thưởng thức lại hương vị bánh truyền thống xưa. “Những ngày rằm, ngày mùng 1 có rất nhiều người mua bánh về thắp hương cho mẹ, cho bà. Bánh của cửa hàng có hương vị rất riêng. Bên cạnh đó, tên gọi bánh gấc, bánh mảnh cộng,… ngay khi nhắc đến đã gợi cho người Hà Nội xưa những miền kí ức rất riêng. Đó có lẽ là lí do khiến chúng tôi được mọi người yêu mến đến vậy.”

Nếu đang sống ở Hà Nội hoặc có dịp ghé thăm Thủ đô, đừng quên ghé cửa hàng bánh nằm trong ngõ 15A Lý Nam Đế để thưởng thức những chiếc bánh dân dã. Thưởng thức xong, hẳn du khách sẽ còn lưu luyến, muốn nhâm nhi thật lâu, muốn giữ lại thật trọn vẹn hương vị của một Hà Nội hào hoa, tinh tế mà chỉ có thể kiếm tìm trong món bánh mang đậm hồn cốt dân tộc…

Hoàng Ngọc