Người Cơtu ở Quảng Nam “Tạ ơn rừng”

(Dân trí) - Trong hai ngày 20-21/2, chính quyền và đồng bào Cơtu huyện Tây Giang (Quảng Nam) tổ chức làm lễ hội khai năm “Tạ ơn rừng” - một hoạt động mang ý nghĩa tâm linh được đồng bào Cơtu nơi đây lưu giữ từ bao đời nay.

Đây là năm thứ 2, lễ hội khai năm “Tạ ơn rừng” đã được huyện Tây Giang tổ chức. Lễ hội gồm 2 phần lễ và hội. Phần lễ thực hành các nghi lễ liên quan đến phong tục cúng rừng theo truyền thống của đồng bào Cơtu như nghi lễ dựng cây nêu, lễ cúng khai năm mới tạ ơn rừng. Phần hội tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ.

Đồng bào Cơtu Quảng Nam "Tạ ơn rừng"

Đồng bào Cơtu cúng “Tạ ơn rừng”

Từ ngàn đời xưa, đồng bào Cơtu ở huyện Tây Giang rất có ý thức về công tác bảo vệ môi trường sống của mình, nhất là những cánh rừng già, rừng đầu nguồn, khe sông, khe suối....

Để giữ được rừng, nhất là cây gỗ quý hiếm, những cánh rừng nguyên sinh, cha ông Cơtu ngàn xưa đã mang lễ vật cúng tế những vị thần bất diệt che chở cho họ; truyền dạy cho thế hệ sau luôn biết giữ rừng, ứng xử có văn hóa với rừng, biết tôn quý thờ thần rừng, từ đó không dám làm hại những cánh rừng già, rừng quý hiếm.

Đồng bào Cơtu Quảng Nam "Tạ ơn rừng"
Đồng bào Cơtu Quảng Nam "Tạ ơn rừng"

Đồng bào Cơtu trình diễn điệu múa Tung Tung Za Zá trong lễ hội “Tạ ơn rừng”

Trên địa bàn huyện Tây Giang hiện còn những cánh rừng nguyên sinh quý hiếm như khu rừng lim xanh ở xã Lăng, quần thể rừng Pơmu hơn 2.000 cây ở xã Tr’hy và Axan, trong đó có 725 được công nhận là cây di sản Việt Nam.

Hiện tổng diện tích rừng ở huyện Tây Giang hơn 90 ngàn ha; trong đó rừng tự nhiên chiếm hơn 70% diện tích, với nhiều loại cây gỗ quý hiếm.

Đồng bào Cơtu Quảng Nam "Tạ ơn rừng"

Cây di sản Pơmu

Bí thư huyện Tây Giang - ông Bhriu Liếc - cho biết, lễ hội khai năm “Tạ ơn rừng” được đồng bào Cơtu tổ chức vào đầu năm âm lịch khi hoa, cây cối đâm chồi nảy lộc, chim rừng hót vang trên đại ngàn và khi người dân bước vào mùa lúa rẫy.

Đồng bào Cơtu Quảng Nam "Tạ ơn rừng"

Vùng lõi rừng Pơmu Tây Giang, nơi đây được xây dựng các Gươl để đồng bào Cơtu sinh hoạt và đón khách

Lễ hội này có ý nghĩa tạ ơn rừng, núi, sông, suối, cây cối, hoa màu, tạ ơn Giàng. Với tâm niệm, có rừng, có Giàng có con người và muôn loài động thực vật sinh sống và phát triển dưới tán rừng thiên nhiên ban tặng...

“Người ta tin ở rừng có thần rừng, ở làng là có Giàng. Hai thần này cũng đều bảo vệ con người cả, cho nên con người làm sao đối xử với Giàng tốt thì Giàng cũng sẽ đền đáp lại cho mình. Cho nên họ giáo dục con cháu trong lễ hội này làm sao sống phải có đức, siêng năng, học hành tốt thì Giàng thương, Giàng mến thì Giàng cho tài sản, của cải cho con cháu và con cháu khỏe mạnh, không ốm đau…”, ông Bhriu Liếc phát biểu.

C.Bính