Nghịch lý khách Trung Quốc: Số lượng nhiều, tiêu chẳng bao nhiêu?

(Dân trí) - PGS. TS Phạm Trung Lương, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho biết thời gian vừa qua chúng ta mới chỉ thu hút được dòng khách Trung Quốc hạng trung, đi theo tour giá rẻ với mức chi tiêu thấp.

Trước hàng loạt các vụ việc lùm xùm liên quan đến khách Trung Quốc như: tổ chức tour 0 đồng, hướng dẫn viên du lịch chui, mặc áo in hình bản đồ lưỡi bò… khi đi du lịch ở Việt Nam gây bức xúc dư luận, PGS. TS Phạm Trung Lương, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho biết, đây là hệ quả của việc tăng trưởng nóng mà chưa có sự giám sát chặt chẽ trong quản lý, hoạt động.

Thời gian vừa qua khách Trung Quốc đến Việt Nam luôn ở mức ở mức cao và tăng kỷ lục. Nếu như năm 2016, Việt Nam đón 2,7 triệu lượt khách Trung Quốc thì năm 2017 đã tăng gấp rưỡi (48,6%). Riêng trong 3 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã đón 1,4 triệu lượt. Tính trung bình cứ 10 người khách quốc tế đến Việt Nam thì có 3 khách là người Trung Quốc. Theo ông Lương lượng khách tăng là một tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên chúng ta phải nhìn vào nguồn thu để đánh giá hiệu quả. “Cách đây vài năm, tôi cũng có nghiên cứu về mức chi tiêu của khách Trung Quốc khi đi du lịch ở Việt Nam, so với các thị trường khác, dòng khách này có mức chi tiêu thấp hơn từ 30-40%”, ông Lương nói.


Hình ảnh đoàn khách Trung Quốc mặc áo in hình bản đồ lưỡi bò nhập cảnh phi pháp vào Việt Nam gây bức xúc dư luận.

Hình ảnh đoàn khách Trung Quốc mặc áo in hình bản đồ lưỡi bò nhập cảnh phi pháp vào Việt Nam gây bức xúc dư luận.

Vị chuyên gia này cũng cho biết, thị trường Trung Quốc có nhiều dòng khách, khách bình dân là khách đi theo tour du lịch không cao cấp, khách hạng sang là khách đi tour nghỉ dưỡng, chi tiêu nhiều cũng rất lịch sự, họ thường đi theo đường hàng không. Tuy nhiên thời gian vừa qua, chúng ta mới chỉ thu hút được dòng khách hạng trung, đi theo tour giá rẻ. Chính vì thế, mà tại nhiều địa phương như Quảng Ninh, Nha Trang… xuất hiện hàng loạt các tour 0 đồng, các cửa hàng chỉ bán cho khách Trung Quốc. Điều này đã làm méo mó hình ảnh du lịch Việt và không mang lại nguồn thu đáng kể. Bởi lẽ, du khách đến các nơi mua sắm đã được thỏa thuận trước, số tiền sau đó lại quay về Trung Quốc hoặc rơi vào tay các đối tác người Trung Quốc.

Khách du lịch Trung Quốc vào cửa khẩu Móng Cái (Ảnh: An Nhiên)
Khách du lịch Trung Quốc vào cửa khẩu Móng Cái (Ảnh: An Nhiên)

Mặt khác, nhiều khách đi du lịch giá rẻ không có ý thức giữ gìn vệ sinh, họ thường gây ồn ào, xả rác đến môi trường, không tuân thủ các quy định tại các điểm đến làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch.

“Tôi đã từng nói rất nhiều lần, chúng ta đừng nhìn vào số lượng, nên nhìn vào tổng thu nhập du lịch là bao nhiêu để có chính sách phát triển phù hợp. Thay vì phục vụ 10 khách thì mình đầu tư phục vụ 1 khách nhưng đạt hiệu quả tương đương, lại không tốn cơ sở vật chất và nhân lực”, ông Lương thẳng thắn bày tỏ.

Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cũng cho biết “vấn nạn” khách Trung Quốc, nước nào cũng gặp nhưng mỗi nước có cách giải quyết riêng, hợp tình, hợp lý. Việt Nam cần có hướng quản lý đúng đắn, chính sách phù hợp để thu hút dòng khách tiềm năng, khách nhà giàu của Trung Quốc thay vì tập trung vào dòng khách chi tiêu thấp như hiện nay. “Nếu làm theo tour 0 đồng thì Việt Nam sẽ có số lương nhưng nguồn thu không được nhiều, hiệu quả cũng không cao. Chúng ta hoàn toàn có thể thu hút lượng khách nhà giàu đến Việt Nam, mà muốn làm được điều này thì phải tăng cường xúc tiến, phải có kế hoạch hướng tới các thị trường mục tiêu, rồi đa dạng hóa các loại hình dịch vụ… Tất cả đều phải làm một cách chuyên nghiệp. Đặc biệt là phải quản lý tốt hoạt động của các công ty lữ hành, công ty nào không làm tốt thì phải thẳng tay tước giấy phép của công ty đó”, ông Lương nói.

Đồng tình với quan điểm này, giám đốc một đơn vị lữ hành cũng cho biết, nhiều quốc gia thua xa Việt Nam về phong cảnh thiên hiên nhưng với cách làm du lịch chuyên nghiệp, giải trí hấp dẫn, các điểm mua sắm phong phú… họ vẫn thu hút một lượng lớn khách du lịch đến tham quan và mạnh tay chi tiêu. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa có chiến lược trong việc kích cầu mua sắm cho khách khi đi du lịch. “Thiếu trung tâm mua sắm dành cho khách quốc tế, thiếu cả những tuần lễ giảm giá nên dù muốn chúng ta cũng khó có thể quảng bá Việt Nam là điểm đến cho các tour mua sắm. Đơn cử ngay như khách Trung Quốc, họ không dại gì bỏ tiền sang Việt Nam để mua đồ Trung Quốc về dùng… chính những điều này khiến cho dù lượng khách đông nhưng nguồn thu từ du lịch của Việt Nam vẫn rất khiêm tốn so với các nước trong khu vực”, đại diện này nói.

Hà Trang