Ngày Xuân nhớ về nơi lưu giữ hình ảnh của phong trào Đông Du

(Dân trí) - Sau khoảng 6 giờ bay từ TPHCM, chúng tôi đã có mặt tại sân bay quốc tế Narita (Nhật Bản), bắt đầu cho một chuyến khám phá xứ sở hoa Anh Đào.

Một tuần lễ có mặt trên đất nước mặt trời mọc, chúng tôi đã được tham quan nhiều danh thắng nổi tiếng của nước Nhật như đền Asakusa- ngôi đền cổ nhất và là nơi diễn ra nhiều lễ hội ở thủ đô Tokyo; vịnh Odaiba- hòn đảo nhân tạo được xây dựng từ năm 1853 và là trung tâm du lịch quan trọng thu hút nhiều du khách quốc tế; cung điện Hoàng gia- nơi ở của gia đình Hoàng gia Nhật Bản; núi Phú Sĩ- ngọn núi đã trở thành biểu tượng của Nhật Bản được hình thành cách đây 100.000 năm; vết tích miệng núi lửa Owakudani và hồ Ashi- hồ được hình thành từ đợt phun trào núi lửa cách đây 3.000 năm ở Hakone; đền Kiyomizu- ngôi đền bằng gỗ nổi tiếng nằm trên sườn núi dốc và là di sản nổi tiếng ở cố đô Kyoto được xây dựng từ năm 780; xem trình diễn y phục Kimono truyền thống Nhật Bản; thăm trường trung học Fukoroi tỉnh Shizuoka…

Đặc biệt, chúng tôi còn được thăm nơi cụ Phan Bội Châu và nhiều đồng chí của cụ đã từng sống trong những ngày ở Nhật Bản, thăm nơi lưu giữ những hình ảnh, những tư liệu về phong trào Đông Du do cụ Phan Bội Châu khởi xướng trong thời gian cụ và các bạn đồng chí của mình ở trên đất Nhật; thăm bia báo ân do cụ Phan dựng để tưởng nhớ tới bác sĩ Asaba Sakitaro- người đã giúp đỡ cụ Phan và những người Việt Nam tham gia phong trào Đông Du lúc bấy giờ.

Thư viện Đông Du.
Thư viện Đông Du.

Trước khi đến thăm Thư viện Đông Du, chúng tôi được anh Nguyễn Văn Long (hướng dẫn viên tại Nhật) mang đến một bất ngờ khi anh đưa chúng tôi tới quận Toshima thăm mộ của ông Trần Đông Phong- một thanh niên người ở đất Thanh Chương tham gia phong trào Đông Du của Cụ Phan.

Anh Nguyễn Văn Long cho biết: Cụ Trần Đông Phong là con một gia đình khá giả, người đã từng giúp cụ Phan 15 nén bạc lúc cụ chuẩn bị ra đi. Khi phong trào Đông Du gặp khó khăn, cụ đã gửi thư về nhà với mong mỏi được gia đình gửi tiền sang giúp cho anh em đồng chí qua cơn hoạn nạn. Thế nhưng, thư gửi đi mà không có sự hồi âm. Một phần vừa thấy trách nhiệm nặng nề, một phần xấu hổ với anh em đồng chí khi không giúp được gì cho mọi người nên ngày 2/5/1908, khi mọi người đi học, Trần Đông Phong đã tự sát.

Trước lúc mất, cụ Trần để lại di chúc: “Nhà tôi giàu có, cả tiền với thóc, kể đến hàng vạn, mà gần đây học phí trong trường, chỉ là nhờ Nam Kỳ cấp cho anh em, tôi đã nhiều lần viết thư về nhà, khuyên cha tôi bắt chước làm như ông Trương Tử Phòng, phá sản vì nước, cha tôi không trả lời. Tôi nghĩ tôi là con một nhà giàu, xấu thẹn với anh em quá, nên tôi phải tự vận cho cha tôi biết chí tôi, và cũng để tạ tội với anh em”. Nhưng cụ Trần không biết rằng thư từ gửi về đều bị Pháp tịch thu và nhiều người bị bắt vì những lá thư đó. Sau khi Trần Đông Phong mất, đích thân cụ Cường Để xây mộ bia cho ông tại ngôi chùa rất lớn mang tên Hộ Quốc Tự ở Tokyo, sau tách ra thành Zojigaya Reien.

Bia tri ân bác sĩ Asaba do cụ Phan Bội Châu lập.
Bia tri ân bác sĩ Asaba do cụ Phan Bội Châu lập.

Đến thăm thư viện Đông Du của Hội Asaba-Việt Nam, được nghe, được xem những câu chuyện và những tài liệu về phong trào cách mạng Đông Du đầu thế kỷ 20, chúng tôi rất xúc động. Nhất là khi được nghe về tình cảm tốt đẹp mà nhân dân Nhật Bản dành cho phong trào cách mạng một thời của Việt Nam. Nhiều thành viên trong đoàn đã bật khóc khi nghe câu chuyện cảm động về tình bạn giữa bác sĩ Asaba Sakitaro và cụ Phan Bội Châu.

Từ Việt Nam, cách đây 100 năm, cụ Phan Bội Châu đã tìm đến Nhật Bản để phát triển phong trào Đông Du, nhằm mục đích đào tạo nhân tài cho đất nước Việt Nam, tìm cơ hội  đấu tranh giành độc lập dân tộc. Cũng từ cuộc viễn chinh đó, tình bạn giữa ông và bác sỹ Asaba Sakitaro đã được hình thành.

Chiến thắng lừng lẫy của quân đội Nhật trước nước Nga Sa hoàng trong cuộc chiến tranh Nhật - Nga, năm Minh Trị thứ 38 (1905) làm dấy lên một hi vọng lớn cho đông đảo thanh niên Việt Nam yêu nước lúc bấy giờ. Hy vọng vào người “anh cả lớn” cùng đồng màu da, sắc tộc, nhóm Phan Bội Châu - lúc bấy giờ là đại diện của Hội Duy Tân, một tổ chức cách mạng của Việt Nam đã bí mật sang lưu vong ở Nhật để tố cáo hiện trạng thống khổ của Việt Nam và đồng thời yêu cầu viện trợ vũ khí.

Tác giả trước mộ cụ Trần Đông Phong.
Tác giả trước mộ cụ Trần Đông Phong.

Tại Nhật Bản, những tác phẩm như “Việt Nam vong quốc sử”, “Khuyến quốc dân du học ca”, “Hải ngoại huyết thư” của Phan Bội Châu đã được truyền về Việt Nam và nhanh chóng dấy lên một phong trào đấu tranh mạnh mẽ của thanh niên Việt Nam.

Khát khao được mở mang kiến thức để về phục vụ đất nước trở thành một động lực mạnh khiến gần 200 thanh niên lúc bấy giờ đã bỏ bút nghiên ở quê nhà để sang Nhật du học theo phong trào Đông Du. Tiếp nhận tất cả sinh viên này, trường “Tokyo Dobun Shoin” đã cho xây thêm ký túc xá, phòng học và tạo thêm ngành học đặc biệt có kết hợp phần giáo huấn quân sự để giảng dạy cho sinh viên Việt Nam.

Cũng tại đây, nhờ cuộc gặp gỡ giữa Phan Bội Châu và Lương Khải Siêu- nhà chí sỹ yêu nước của Việt Nam đã may mắn được giới thiệu với Okuma Shigenobu- người cầm đầu Đảng đối lập, một người rất am hiểu tình hình đại lục và được ông giúp cho việc đào tạo nhân lực cho cuộc cách mạng. Chính qua ông, những du học sinh của Việt Nam đã được vào học tại trường đào tạo quân lính cho người Trung Quốc (Shinbu Gakko) và trường dành cho người Trung Quốc (Tokio Dobun Shoin).

Người Pháp không thể ngờ được sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của phong trào Đông Du đã lên kế hoạch để từng bước vạch trần thân tộc và cả những mạnh thường quân của du học sinh. Năm 1907, theo bản ký kết đồng minh Nhật - Pháp, Nhật đã chấp thuận yêu sách của chính phủ Pháp và ra quyết định giải tán du học sinh Việt Nam. Trên đất khách quê người Phan Bội Châu và những thanh niên yêu nước đứng trước hoàn cảnh vô cùng khó khăn, cơ cực.

Người đầu tiên giới thiệu bác sỹ Asaba Sakitaro với Phan Bội Châu là Nguyễn Thái Bạt. Ông Nguyễn Thái Bạt tin bác sỹ Asaba là một người tốt và có thể giúp đỡ được cho lưu học sinh Việt Nam vì chính ông cũng đã được Asaba cứu giúp lúc gặp nạn. Qua bức thư gửi cho bác sỹ Asaba, cụ Phan Bội Châu đã viết về tình trạng khốn quẩn của những thanh niên Việt Nam trên đất Nhật và bày tỏ lòng hổ thẹn vì chưa một lần gặp mặt đã yêu cầu được giúp đỡ. Thế mà thư đi chưa đầy một ngày đã có hồi âm với những dòng chữ đơn giản “nhặt nhạnh trong nhà chỉ có thế, tạm thời gửi trước. Lần sau đừng ngại, cứ lên tiếng, tôi sẽ làm những gì có thể…”, kèm theo một số tiền lớn 1.700 yên (gấp gần 100 lần lương một tháng của một thầy hiệu trưởng trường tiểu học lúc đó). Cầm bức thư và số tiền lớn trên tay Phan Bội Châu đã khóc, nhưng chỉ trước khi ông bị trục xuất về nước năm 1909 ông mới đến được nhà Asaba để nói lời cảm ơn.

Mãi 9 năm sau trở lại Nhật Bản, Phan Bội Châu một lần nữa tìm đến nhà Asaba, thế nhưng người bạn thân thiết của cụ Phan đã qua đời chỉ sau một năm cụ rời Nhật Bản. Lòng thầm mang ơn người bạn lớn của Hội Việt Nam Quang Phục, cụ Phan đã xin với trưởng thôn ở Higashiasaba để làm bia tưởng niệm bác sỹ Asaba. Tấm bia cao gần 3m được đặt trong khuôn viên chùa Jorin- nơi có mộ bác sỹ Asaba Sakirato với những dòng đầy trân trọng: “Chúng tôi vì nạn nước mà bôn tẩu tới đất Phù Tang, ngài nể thương cái chí ấy mà cứu giúp trong cơn khốn quẫn chẳng mang đến ơn ngày trả sau, thực là nghĩa hiệp xưa nay hiếm có. Than ôi! Nay chúng tôi sang mà đâu thấy ngài, trời xanh biển thẳm, cúi ngưỡng nào biết tỏ cùng ai, đành ghi mối xúc cảm này nơi bia đá. Lời minh rằng: Hào hiệp chưa từng có xưa nay, nghĩa lớn khắp cả trong ngoài, ngài ban thời như trời lớn, tôi nhận thời như biển đầy. Chí tôi chưa thành, mà ngài chẳng đợi, thăm thẳm lòng này, ngàn thu ghi tạc”.

Trải qua gần 100 năm, tấm bia đá do cụ Phan Bội Châu dựng trên khuôn viên đền Jorin tại Umejama, thành phố Fukoroi vẫn sừng sững như biểu tượng vĩnh hằng của tình hữu nghị Việt Nhật. Đáng quý hơn, từ năm 2003 Hội nghiên cứu Di sản văn hóa thị trấn Asaba được thành lập và tổ chức nhiều lễ kỉ niệm liên quan đến tấm bia mà Phan Bội Châu đã dựng ở Fukoroi, xem đó là bia tưởng niệm lịch sử “phong trào Đông du”.

Mộ bác sĩ Asaba.
Mộ bác sĩ Asaba.

Sau chuyến đi Nhật về, chúng tôi đã tìm hiểu và được biết thêm: Tháng 10/2005 Hội Asaba-Việt Nam cũng đã về Nghệ An để thăm quê hương cụ Phan Bội Châu và cung cấp các tài liệu quan trọng. Năm 2010, nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của Asaba Sakirato, 105 năm khởi phát phong trào Đông Du tại Nhật Bản, 70 năm ngày mất của Phan Bội Châu…một lần nữa phái đoàn thị trưởng thành phố Fukoroi lại trở về thăm Nghệ An. Trong chuyến đi này, ngoài tham dự lễ tưởng niệm ngày mất của cụ Phan, đoàn cũng tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa như trao tặng bản dập văn bia do cụ Phan Bội Châu dựng tại thành phố Fukoroi, trình chiếu phim DVD “Hai Nhật Bản-Phan Bội Châu đã thấy” của đạo diễn Phan Đình Anh Khoa…Những hoạt động này thêm một lần nữa chứng minh cho tình thân hữu giữa thành phố Fukoroi, đất nước Nhật Bản- quê hương bác sỹ Asaba và Nghệ An, Việt Nam- quê hương của cụ Phan Bội Châu.

Những giây phút ở Fukoroi, tôi thật sự xúc động khi mình, một người con của xứ Nghệ “địa linh nhân kệt”, lại có dịp được “gặp” cụ Phan trên đất nước Nhật Bản, một khoảnh khắc hiếm hoi trong đời mà tôi (và có lẽ nhiều người khác trong đoàn) có được. Tôi rất xúc động khi đứng trước ngôi mộ của bác sỹ Asaba, trước tấm bia tri ân bác sỹ Asaba do cụ Phan dựng lên. Trong tôi, hình ảnh bác sỹ Asaba và những người dân Nhật Bản với những tình cảm cao cả dành cho cụ Phan vẫn hiển hiện đúng như lời tâm niệm của cụ Phan: “Tôi đặc biệt viết ra đây để truyền lại cho đồng bào Việt Nam biết đến nghĩa cử của những người bạn Nhật Bản như thế này mãi mãi”.

                                                                                    Cao Xuân Lương