Một Triều Tiên rất khác qua góc nhìn của du khách Việt

(Dân trí) - Nhắc đến Triều Tiên, nhiều người sẽ liên tưởng đến quân đội, vũ khí, việc duyệt binh và những khuôn mặt u ám… Nhưng với Ngô Quang Minh (Hà Nội), Triều Tiên lại khắc sâu trong anh với cảnh vật thanh bình, người dân thân thiện, hiếu khách và đặc biệt có thiện cảm với du khách Việt Nam.

Triều Tiên – ngày hội ngộ

Chia sẻ với PV Dân trí, anh Quang Minh tiết lộ, đây là lần thứ 2 anh đặt chân đến Triều Tiên. “Triều Tiên hay bất cứ đất nước nào cũng có nhiều điều mới mẻ đợi chờ được khám phá. Lần đầu tiên đến đây vào năm 2011, tôi mới chỉ thăm thú vài địa danh và cảm nhận một phần rất nhỏ đời sống của người Triều Tiên. Cuối tháng 9 vừa rồi, tôi quyết định quay lại với chuyến đi dài ngày hơn”.

Cảnh sắc thu Triều Tiên.
Cảnh sắc thu Triều Tiên.

Đúng như mong đợi, trong chuyến đi lần này, Quang Minh đã có cơ hội tận hưởng nhịp sống và sống như một người bản địa thực thụ. Anh đi siêu thị mua sắm, nhâm nhi từng món ăn đặc trưng, lang thang cà phê ban đêm, gặp gỡ nhiều người, ca hát và chụp ảnh cùng họ.

Nhớ lại khoảnh khắc tiến vào Bình Nhưỡng, anh Minh chia sẻ: “Chuyến tàu hôm đó mang theo rất nhiều tâm trạng, có người háo hức trong lần đầu khám phá đất nước lạ, có người vui bởi lần hội ngộ tiếp theo, nhưng cũng có những trái tim bâng khuâng vì đang trên đường về nhà. So với nhiều năm về trước, hải quan Triều Tiên giờ không còn quá khắt khe trong việc kiểm tra máy ảnh, điện thoại hay các công cụ ghi hình”.

Quảng trường Kim Nhật Thành.
Quảng trường Kim Nhật Thành.

“Hành trang” Quang Minh mang theo lần này gồm có 3 chiếc điện thoại, máy ảnh, 2 ống kính và khá nhiều thẻ nhớ. Sau khi trở về, anh lọc ra được 3000 tấm ảnh và 15 video ghi lại nhịp sống thường nhật của người Triều Tiên.

Dù quay trở lại lần thứ 2, nhưng Quanh Minh vẫn không tránh khỏi cảm giác lo lắng, thấp thỏm, đặc biệt là khi bị kiểm tra giấy tờ và hành lý ở ga đầu Tân Nghĩa Châu (Sinuiju), tức chỉ cách ga Đan Đông khoảng 15 phút vượt qua sông Áp Lục (Yalu River). Trong suốt 2 tiếng, hàng loạt các câu hỏi xuất hiện rồi lại vụt tắt trong đầu anh, băn khoăn không biết liệu có điều gì rắc rối xảy đến...

Cánh đồng lúa Triều Tiên đang vào mùa vụ.
Cánh đồng lúa Triều Tiên đang vào mùa vụ.

May mắn, tất cả rồi cũng trôi qua một cách êm đẹp. Con tàu lại tiếp tục đi vào sâu hơn, Triều Tiên dần hiện ra với khung cảnh thanh bình của những cánh đồng lúa chín vàng…

Triều Tiên – cởi mở và nhiều bất ngờ

Cho đến hiện tại, Triều Tiên vẫn là một đất nước ở trong thời chiến. Nhưng tại thủ đô Bắc Hàn, người ta khó cảm thấy không khí chiến tranh. Trong suốt 7 ngày 6 đêm ở tại đất nước này, anh Minh chẳng hề thấy bóng dáng xe tăng, pháo binh hay tên lửa.

Đường phố Triều Tiên rộng thênh thang với phương tiện chủ yếu là xe đạp.
Đường phố Triều Tiên rộng thênh thang với phương tiện chủ yếu là xe đạp.

“Tôi đã không ngừng hy vọng có thể ghi lại những bức ảnh với sự xuất hiện của quân đội, binh lính hay việc duyệt binh,… nhưng hoàn toàn không bắt gặp. Ngay cả những banner, khẩu hiệu khi dịch ra cũng chẳng mang sắc thái cổ động, kêu gọi hay liên quan đến chiến tranh”, anh Minh chia sẻ.

Nghĩ đến Triều Tiên, phần đông sẽ liên tưởng đến sự u ám, khắc khổ và một màu xám xịt, nhưng những gì đang hiện diện tại nơi đây sẽ khiến nhiều người bất ngờ. Nhận xét về nhịp sống của Bình Nhưỡng, Quang Minh gói gọn trong 2 chữ “khiêm nhường”.

Anh Quang Minh và đôi bạn trẻ chụp ảnh cưới ở công viên.
Anh Quang Minh và đôi bạn trẻ chụp ảnh cưới ở công viên.

Buổi sáng, người dân đi làm bằng tàu điện, đến giờ tan tầm thì hết sức đông vui, tấp nập. Xe đạp tuy vẫn là phương tiện chủ yếu, nhưng ô tô đang dần lấp kín các ngả đường. Bình Nhưỡng cũng bắt đầu có hiện tượng ùn tắc ở những giao lộ lớn. Đây là điều trái ngược hoàn toàn với khung cảnh nhiều năm về trước.

Một góc Triều Tiên vào sáng sớm.
Một góc Triều Tiên vào sáng sớm.

Thủ đô Triều Tiên giờ có rất nhiều nhà cao tầng mọc lên. Phố xá khắp nơi không có một bóng hàng rong, sạch sẽ và rộng đáng kinh ngạc. Sống ở một đất nước đề cao tính kỷ luật, nên không khó hiểu khi người dân luôn chủ động dọn dẹp để giữ gìn bộ mặt dân tộc.

Trang phục của người dân Bắc Triều Tiên cũng có sự đổi khác. Quần áo của họ không còn một màu xám xịt mà dần năng động, tươi mới hơn. Phụ nữ mặc váy ngắn, đi giày cao gót rất trẻ trung. Họ vẫn hối hả khi đi trên phố nhưng trên khuôn mặt chẳng còn vè băn khoăn, u sầu.

Một Triều Tiên rất khác qua góc nhìn của du khách Việt - 7

Một điều có thể dễ dàng nhận thấy, đó là người Triều Tiên không còn nhìn du khách với con mắt dè chừng nữa mà thân thiện hơn. Khi có người đến bắt chuyện, họ sẵn sàng chia sẻ, kết nối và chụp ảnh cùng, tất nhiên chỉ với những du khách có mục đích tốt, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

Lòng quý mến đặc biệt dành cho người Việt

Có một điều khiến Quang Minh và người bạn đồng hành khá ngạc nhiên, đó là tấm lòng và tình cảm người Triều Tiên dành cho du khách Việt. Khi đến khu phi quân sự DMZ, người sĩ quan Triều Tiên ở đây đã dành hẳn 15 phút để trò chuyện với anh về lịch sử Việt Nam. Những câu chuyện được tái hiện một cách ngắn gọn nhưng cũng đầy thấu hiểu và gần gũi.

Bức ảnh chụp tại khu phi quân sự DMZ.
Bức ảnh chụp tại khu phi quân sự DMZ.

Tiếp đến, anh thử dò hỏi ý kiến của hai người lính về việc chụp ảnh ở giữa DMZ - nơi biên giới chia cắt hai miền, thì bất ngờ nhận được sự đồng ý, trong khi với các nhóm khác họ đều từ chối.

Chưa dừng lại ở đó, khi đến những điểm tham quan khác, anh cũng nhận được sự “ưu đãi” đặc biệt. Thậm chí, người thuyết minh ở Friendship Exhibition Halls - nơi lưu giữ hàng trăm nghìn món quà Quốc tế gửi tặng cho nhà nước và lãnh đạo Triều Tiên còn tỏ rõ sự phấn khởi khi biết Quang Minh là người Việt Nam. Cô tận tình đưa họ đi khắp nơi, giới thiệu các món quà từ phía Việt Nam và cúi chào tạm biệt với lời hẹn: “Xin lần sau lại đến thăm đất nước của chúng tôi”.

Một Triều Tiên rất tươi mới qua góc máy của du khách Việt.
Một Triều Tiên rất tươi mới qua góc máy của du khách Việt.

Tuy lưu lại Triều Tiên không quá lâu, nhưng chàng trai người Việt cũng đã kịp tìm thấy một điểm tương đồng giữa hai đất nước: “Với tôi, tìm một chỗ ngồi trong nắng sớm, ngắm người đi lại ngược xuôi để thấy cái tĩnh trong cái động, để dẹp mọi lo toan xung đột ra khỏi nét trong trẻo của bình minh thì thú lắm”, anh tâm sự.

Hoàng Ngọc

Ảnh: NVCC