Một lần đến với Hòn Dấu

(Dân trí) - Con tàu gỗ vượt sóng nước chỉ chừng hơn chục phút đã cập bến đảo Hòn Dấu (quận Đồ Sơn, Hải Phòng). Hòn đảo nhỏ rộng chừng 12,5km² vẫn níu giữ nhiều nét hoang sơ tuyệt vời của thiên nhiên với những con đường rợp bóng cây cổ thụ cả trăm tuổi.

Ngôi đền cổ thờ Nam Hải Thần Vương với những truyền thuyết huyền bí luôn là điểm đến đầu tiên của khách du lịch cho chuyến tham quan tại đảo.

Theo truyền thuyết kể lại, vào đời nhà Trần, sau trận đánh giặc Nguyên Mông ở cửa sông Bạch Đằng, người dân gần đảo Hòn Dấu đã phát hiện ra một thi thể không đầu, vận trang phục võ quan Đại Việt nổi trên mặt nước. Định bụng sáng ngày hôm sau sẽ mai táng ngài thế nhưng khi dân làng đến nơi thì thi thể của vị võ tướng đã được mối phủ kín thành ngôi mộ khổng lồ. Kể từ đó bà con trên đảo đã lập miếu để thờ phụng ngài.

Hàng năm, cứ vào các ngày mùng 8, mùng 9 và mùng 10 tháng 2 âm lịch trên đảo Hòn Dầu lại diễn hội cầu mong những chuyến đi biển an lành và bội thu. Khi tổ chức lễ hội, ngư dân sẽ ngủ đêm trên đảo để hưởng lộc của Nam Hải Thần Vương, một vị thần linh thiêng trên đảo.

Con đường phủ bóng mát của những gốc đa, gốc si trăm tuổi

Con đường phủ bóng mát của những gốc đa, gốc si trăm tuổi

Một điều thú vị nữa mà du khách sẽ cảm thấy ấn tượng khi đến với đảo Hòn Dấu là cảm giác chầm chậm tản bộ trên những con đường nhỏ rợp bóng mát của các gốc đa, gốc si hàng trăm năm tuổi. Nhiều chiếc rễ cây to mập mạp, đan xen mắc cửi đâm xuống đất không chỉ tạo thế đứng vững chắc mà còn tạo nên những tuyệt tác nghệ thuật độc đáo. Thi thoảng những dây leo buông lơi ngay phía trước mắt khiến bạn có cảm giác như đang vén màn thời gian trở về với rừng già hoang sơ, kỳ vĩ.

Vừa qua, những cây đa, cây si cổ thụ to lớn ở đây đã chính thức được công bố là “Cây di sản” để bảo tồn và phát triển. Điều này càng làm tăng thêm giá trị của khu rừng nguyên sinh lâu đời và rất hiếm có ở vùng duyên hải phía Bắc này.

Một điểm không thể bỏ qua khi đến với Hòn Dấu là thăm ngọn hải đăng, ngọn đèn biển được người Pháp thiết kế xây dựng. Với độ chiếu xa lên tới 40km, hải đăng Hòn Dấu được mệnh danh là “mắt ngọc của Tổ quốc”.

Ngọn hải đăng được mệnh danh Mắt ngọc của tổ quốc

Ngọn hải đăng được mệnh danh "Mắt ngọc của tổ quốc"

Trước đây, tháp đèn được xây dựng hoàn toàn bằng đá khối, hoa văn ấn tượng nhưng do bị chiến tranh tàn phá nên hiện trạng đèn không còn giống như xưa. Song với kiến trúc Pháp đặc trưng và lịch sử oai hùng thì đây vẫn là điểm thu hút khách tham quan.

Tại ngọn tháp cao 5 tầng là những gian trưng bày nhiều cây đèn cổ đã từng được sử dụng và sơ đồ thiết kế ngọn hải đăng. Men theo những bậc cầu thang gỗ hình xoắn ốc bạn sẽ đi lên tới lầu vọng gió trên đỉnh. Qua 125 bậc thang, bạn sẽ lên đến đỉnh tháp. Hành lang khá hẹp của tháp với những cơn gió biển mạnh ùa tới dồn dập, để tránh nguy hiểm bạn cầm bám chắc vào tay cầm sắt. Tại đỉnh cao nhất trên hòn đảo này, du khách sẽ được thỏa thích ngắm nhìn cảnh trời biển bao la cùng bóng những chiếc tàu ngoài đại dương mênh mông.

Ngọn hải đăng được mệnh danh Mắt ngọc của tổ quốc

Gian trưng bày trong tháp đèn với khẩu hiệu ghi dấu một thời chiến đấu hào hùng của những người công nhân canh gác đèn biển

Hiện nay trên đảo vẫn chưa có điện nên để phát đèn thắp sáng ngọn hải đăng, những người công nhân đèn biển phải sử dụng máy phát và ắc quy.

Du khách đến đảo còn có thể đi vãn chùa hay khám phá di tích hầm ngầm, đi bộ xuyên qua đảo của người dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước...cho chuyến hành trình 1 ngày ở đảo.

Hòn Dấu không có những bãi cát trắng trải dài dưới hàng dừa, hay nước biển xanh ngắt chiều lòng du khách tìm về nghỉ dưỡng, tắm biển. Thế nhưng mỗi khi hè đến, du khách từ khắp nơi vẫn đổ về bến Nghiêng đợi thuyền ra đảo. Nơi ấy, chỉ cách bờ chừng dăm chục phút rẽ sóng, du khách sẽ được sống trong thiên nhiên hoang sơ và cõi tâm linh ấm áp lòng người.

Vy Vy