Một góc nhìn về du khách đến Việt Nam

Khách sạn thiếu, giá chưa hợp lý, dịch vụ chưa tốt, thiếu đội ngũ hướng dẫn viên… là những lý do khiến một số lượng không nhỏ khách Nga đến Việt Nam và không muốn quay trở lại.

Mấy năm gần đây đã chứng kiến sự gia tăng ngoạn mục của du khách Nga đến Việt Nam. Năm 2013, Việt Nam đón hơn 298.000 lượt khách Nga, tăng 71% so với năm 2012, Nga tiếp tục đứng trong top 10 thị trường khách tới Việt Nam nhiều nhất.

Khách Nga thích gì ở Việt Nam?

Là một trong 250 vị khách trong chuyến bay trực tiếp đầu tiên từ Nga tới Phú Quốc vào giữa tháng 2 vừa qua, anh Andrei, 32 tuổi, cho biết: “Cũng như nhiều người xứ lạnh, tôi thích những bãi biển nắng ấm ở Việt Nam với con người thân thiện, giá tiêu dùng rẻ, hải sản tươi ngon, nhiều trái cây nhiệt đới… Tôi đi cùng nhóm bạn, dự định tham quan Phú Quốc rồi đến Nha Trang nghỉ ngơi”.

Còn theo bà Hoàng Thị Phong Thu, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Ánh Dương, đơn vị đón hơn nửa số khách Nga trong năm 2013 đến Việt Nam, khách Nga đến Việt Nam chủ yếu là nghỉ dưỡng biển. Đó là những con người khá dễ tính, thân thiện, thích tiêu xài trong ăn uống và mua sắm. Họ thích mua quà lưu niệm như hàng mỹ nghệ, tranh thêu, sơn mài, quần áo, giày dép, đồ trang sức, các loại rượu, hoa quả nhiệt đới, trà, cà phê...

Du khách nước ngoài tham quan đường phố Hà Nội (Ảnh: Ngọc Thành)
Du khách nước ngoài tham quan đường phố Hà Nội (Ảnh: Ngọc Thành)


Thêm một lý do khách Nga đến Việt Nam tăng đó là thời chiến tranh và giai đoạn đầu công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, người Nga đã dành sự trợ giúp hết mình cho nhân dân Việt Nam. Ngày nay, rất nhiều trong số những cựu chiến binh năm xưa ấy muốn được thấy đất nước họ từng gắn bó giúp đỡ đã “thay da đổi thịt” như thế nào.

Thêm vào đó, kể từ năm 2009, Việt Nam cho phép du khách ở 15 ngày không cần xin visa; nhiều công ty Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác ngành du lịch với nhiều đồng nghiệp Nga. Chẳng hạn, công ty Ánh Dương đã bắt tay phối hợp với công ty Nga Severnyi veter và Pegas. Các công ty này đã mở ra những chuyến bay thuê bao đưa đón khách từ hơn 20 thành phố miền Siberia và Viễn Đông Nga đến Việt Nam.

Những tuyến bay trực tiếp từ Nga đến Việt Nam đã rút ngắn chặng đường từ Nga đến Việt Nam, tiết kiệm chi phí hơn cho du khách. Hiện tại đã có tuyến bay thẳng từ 24 thành phố của Nga tới Cam Ranh, Đà Nẵng và Phú Quốc.

Vì sao du lịch Việt Nam chưa giỏi “níu chân khách”

Chính những điều đó đã thu hút lượng lớn du khách Nga đến Việt Nam. Tuy nhiên, một thống kê không chính thức mới đây cho thấy, so với các thị trường khác, rất nhiều du khách Nga đến Việt Nam nhưng không quay lại. Trong lúc đó, thống kê này cho biết, lượng khách Nga đi du lịch Thổ Nhĩ Kỳ quay lại 12 lần, đi du lịch Thái Lan quay lại 5 lần. Số khách Nga chọn Việt Nam là điểm đến nhiều năm chưa trở thành xu hướng chung.

Tại Phú Quốc, nơi vừa đón những chuyến bay trực tiếp đầu tiên từ Nga, du khách xứ Bạch Dương dường như chưa có nhiều hứng thú với “hòn ngọc viễn đông”. Theo số liệu của cảng hàng không Phú Quốc, trong một tháng qua, Phú Quốc đón 4 chuyến bay thuê bao từ Nga nhưng chỉ có 208 khách du lịch ở lại Phú Quốc. Lượng khách ghé Phú Quốc để trung chuyển đến Cam Ranh chiếm hơn 50% tổng số hành khách của 4 chuyến bay này.

Theo một số công ty du lịch quốc tế ở TP HCM, khách Nga chưa mặn mà với Phú Quốc vì thiếu nơi lưu trú, giá khách sạn, nhà nghỉ ở đây cũng đắt hơn ở Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết. Trước đó, các tuyến bay từ Nga đến Phú Quốc cũng phải lùi ngày do “chưa chuẩn bị đủ khách sạn”. Ngoài ra các điểm tham quan ở Phú Quốc, các hoạt động du lịch biển ở đây chưa thật sự phong phú.

Trong khi đó, tại những điểm đến nổi tiếng khác như Nha Trang, Mũi Né, TP HCM, khách Nga một số vẫn phàn nàn về vấn đề vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, kẹt xe… Đặc biệt, vấn đề thiếu hướng dẫn viên du lịch biết tiếng Nga cũng là một trong những vướng mắc trong hoạt động của các công ty du lịch.

Theo bà Phong Thu, đơn cử như Công ty TNHH Ánh Dương, hiện nay, mỗi ngày Ánh Dương đón khoảng gần 1.000 khách Nga, ngoài ra còn lượng khách lưu trú sẵn có, các du khách Nga đa số không biết tiếng Anh nhưng công ty của bà chỉ có khoảng 50 hướng dẫn viên được cấp thẻ biết tiếng Nga, hiểu về văn hóa Nga và văn hóa Việt Nam. Vì thế, mỗi khi ký được hợp đồng đón khách, bà lại vất vả ngược xuôi tìm hướng dẫn viên. Nhiều khi phải “cầu viện” khắp cả nước, với chế độ đãi ngộ cho hướng dẫn viên cao mà cũng không có người.

Một góc nhìn về du khách Nga đến Việt Nam như thế cho thấy những bất cập mà ngành du lịch Việt Nam cần vượt qua để phát triển thị trường du lịch Nga nói riêng và khách quốc tế nói chung.

Theo Hạnh Nhân

Tổ quốc