"Mỗi năm lỗ 1 tỷ, nhưng không sao!"

(Dân trí) - Trao đổi với phóng viên sau 2 năm khai thác tuyến du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐTV công ty Thuyền Sài Gòn (đơn vị chủ quản tuyến du lịch) chia sẻ: “Nếu mỗi năm bù lỗ một tỷ thì chúng tôi trụ được… 20 năm”.

Du lịch đường thủy nội đô sau 2 năm hoạt động

Thưa ông, tình hình hoạt động của Thuyền Sài Gòn qua hai năm khai thác tuyến du lịch đường thủy nội đô là như thế nào ?

Về khách quan, chúng tôi có thuận lợi về mặt kênh đào, chính sách, đầu tư. Vấn đề hiện nay là làm sao khai thác cho hiệu quả. Chúng tôi thừa nhận là chưa hiệu quả vì chúng tôi phải đầu tư thêm tiền, bởi nếu hiệu quả thì chúng tôi đâu cần bỏ tiền vô nữa.

Một trong những đoạn kênh đẹp của tuyến du lịch đường thủy nội đô
Một trong những đoạn kênh đẹp của tuyến du lịch đường thủy nội đô
Du khách xuống thuyền tại bến quận 1
Du khách xuống thuyền tại bến quận 1

Chúng tôi đang lỗ, nếu mỗi năm cứ lỗ như thế, chúng tôi có thể trụ được… 20 năm. Nhưng, chưa sao hết! Vì sao chúng tôi nói thế, vì chúng tôi không đầu tư theo kiểu “ăn xổi ở thì”, một ngày một bữa, gom một mớ doanh thu rồi bỏ chạy.

Mặt khác, yếu tố thời tiết tác động lên sản phẩm này khá mạnh mẽ, trời mưa, giông gió, triều cường xuống thấp, khách không đi và chúng tôi cũng không thể di chuyển.

Qua hai năm hoạt động, nguồn khách của du lịch đường thủy nội đô chia làm hai giai đoạn rõ rệt. Từ tháng 11 đến tháng 4 thì khách đoàn nước ngoài nhiều nên đi chủ yếu vào buổi sáng và buổi chiều.

Từ tháng 5 đến tháng 10 thì chuyển qua khách Việt, chủ yếu là người dân thành phố, mà người dân thành phố thì thường vào chiều muộn cho đến đêm.

Chính vì lẽ đó, có thể thấy hai nhu cầu khác hẳn, đi ban ngày thì nhu cầu ngắm là chính, đi ban đêm thì đòi hỏi phải có tính giải trí.

Hiện nay, hệ thống cơ sở vật chất hai nhà ga tương đối hoàn thiện với nhà chờ, nhà vệ sinh, bến đỗ… Khu vực hai nhà chờ có phục vụ giải khát theo kiểu mang đi vì chúng tôi muốn hướng khách xuống thuyền.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phục vụ nước bằng ly… giấy để khách có thể mang đi. Nếu ra đây uống cà phê thì có thể xuống thuyền ngồi, hoặc khách mua từ 5-7 ly nước trở lên thì chúng tôi cũng phục vụ chạy một đoạn rồi quay lại nhằm hướng khách nội địa xuống thuyền trải nghiệm dịch vụ.

"Mỗi năm lỗ 1 tỷ, nhưng không sao!" - 3

Định hướng từ ban đầu, chúng tôi không đặt nặng lợi nhuận từ sản phẩm này, nhưng từ sản phẩm này, chúng tôi và nhiều đơn vị hoạt động du lịch khác có thể thu hút khách du lịch.

Tuy nhiên, chỉ mới hai năm thì chưa thể đánh giá được, làm kinh doanh không dễ đâu!

Thời gian tới mình có những sản phẩm nào mới hơn không, thưa ông?

Tầm tháng 11, chúng tôi chờ cho mùa mưa bớt đi sẽ đưa vào hai loại hình mới là: thuyền bán hàng rong trên dòng kênh và lắp đặt thử nghiệm hệ thống ánh sáng nước giữa lòng kênh, cách bến khoảng chừng 100m nhằm phục vụ cho đối tượng khách đi ban đêm.

Du khách dừng thuyền nghe đờn ca tài tử, trên bờ, người dân đi tập thể dục cũng lấy điện thoại ra quay lại
Du khách dừng thuyền nghe đờn ca tài tử, trên bờ, người dân đi tập thể dục cũng lấy điện thoại ra quay lại

Ý tưởng đó mình đã triển khai chưa hay chỉ mới là dự định, thưa ông?

Chắc chắn rồi, hợp đồng và chi phí chúng tôi đã hoàn tất rồi.

Thực sự mà nói, phục vụ khách đoàn ban ngày chúng tôi không bị áp lực nhiều. Khách đến, xuống thuyền, uống nước, chụp ảnh, ngắm cảnh, đến nhà chờ phía quận 3 thì xe đoàn cũng di chuyển chờ sẵn ở đó.

Nhiều người hỏi tôi vì sao không di chuyển khứ hồi mà chỉ bán giá một chiều đi? Đơn giản thôi, khách du lịch đâu có nhiều thời gian. Di chuyển từ bến quận 1 về quận 3 mất hơn một tiếng đồng hồ.

"Mỗi năm lỗ 1 tỷ, nhưng không sao!" - 5

Đó là với khách đoàn có xe đưa rước. Đối với khách nội địa hay khách đi xe máy đến đây, chúng tôi phải chịu chi phí taxi chở khách quay trở lại bến xuất phát.

Làm rồi mới thấy là phục vụ khách quốc tế và nội địa, phục vụ ban ngày và ban đêm… là những điều làm nhà đầu tư chúng tôi có những lúc rất bối rối.

Vậy tại sao đơn vị không đầu tư phương tiện trả khách về bến xuất phát? ví dụ như xe điện...

Đậu xe ở đâu đây, rồi chi phí bảo trì, bảo quản… nhiều thứ lắm.

Khó khăn là thế, nhưng điều gì khiến ông tâm huyết và có niềm tin vào sản phẩm này khi mà nhiều quan điểm cho rằng nó sẽ… “không thành công”?

Anh (PV) phải đồng ý với tôi một điều là con kênh chúng ta bây giờ quá đẹp với hai bờ là hai con đường có tên gọi mang ý nghĩa chính trị đặc biệt là Hoàng Sa-Trường Sa.

Cơ sở hạ tầng khang trang tác động đến ý thức người dân, hiện nay, hiện tượng xả rác, phóng uế… xuống dòng kênh là có nhưng rất ít, không đáng kể.

Tôi chỉ còn băn khoăn về câu chuyện rác từ một số kênh nhỏ đổ ra, rồi chuyện câu cá, ánh sáng dưới gầm cầu.

Nếu được, thì thành phố nên tổ chức lễ hội… câu cá định kỳ để dân câu cá thỏa đam mê và cũng để giải quyết lượng cá sinh sản lớn dưới lòng kênh.

Gầm cầu thì bố trí thêm ánh sáng hoặc các bức tranh nghệ thuật thì quá hay. Còn thủy triều thì đó là tự nhiên, không thể thay đổi. Thủy triều xuống thì chúng tôi không thể phục vụ!

Xin cám ơn ông!

Ông Xuân Anh mong cơ quan quản lý bố trí thêm ánh sáng cho gầm cầu và nếu được thì trang trí gầm cầu bằng hội họa...
Ông Xuân Anh mong cơ quan quản lý bố trí thêm ánh sáng cho gầm cầu và nếu được thì trang trí gầm cầu bằng hội họa...
Phần gầm cầu phía trên đường bộ
Phần gầm cầu phía trên đường bộ
"Mỗi năm lỗ 1 tỷ, nhưng không sao!" - 8

Theo ông Võ Văn Cường, trưởng phòng điều hành công ty thuyền Sài Gòn: “Hàng ngày chúng tôi phục vụ từ 8h đến 23h. Nếu chỉ có một khách lẻ có nhu cầu trải nghiệm, chúng tôi thu phí 110.000 đồng di chuyển đến cầu Bông rồi quay lại”.

Theo số liệu từ ông Cường, 3 tháng đầu năm 2016 có khoảng 3000 khách, doanh thu khoảng 600.000.000 đồng thì 3 tháng đầu năm 2017 con số đó là gấp đôi.

"Mỗi năm lỗ 1 tỷ, nhưng không sao!" - 9

Từ tháng 7-9/2017, do yếu tố thời tiết số lượng khách còn khoảng 2500. Nhận định trực quan của ông Cường là số lượng khách quốc tế và nội địa là 50/50. Khách nội địa ngoài mục đích trải nghiệm còn rất nhiều nhu cầu khác như: chụp ảnh cưới, liên hoan, sinh nhật, làm phim...


Phạm Nguyễn