“Mỏ vàng” chờ khai phá của du lịch Việt Nam

Theo đánh giá của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển du lịch tâm linh nhờ nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, đức tin, tín ngưỡng và tôn giáo.

Du lịch tâm linh: Xu hướng mạnh mẽ của du lịch hiện đại

 

Du lịch tâm linh (DLTL) là sản phẩm của sự kết hợp giữa cơ sở tín ngưỡng, văn hóa, di sản, doanh nghiệp và cộng đồng. Càng ngày, loại hình du lịch này càng phổ biến, góp phần quan trọng gắn kết các nền văn hóa trong thế giới tinh thần, làm nên bức tranh đa dạng trong đời sống văn hóa nhân loại.

 

Theo phân tích của Giám đốc điều hành phụ trách Ban Hỗ trợ và quan hệ các nước thành viên của UNWTO Zoltan Somongyi, không chỉ ở Việt Nam, loại hình du lịch trải nghiệm khám phá đời sống tinh thần, phong tục tập quán, di sản, tôn giáo… xuyên biên giới cũng đang trở thành xu hướng phát triển mạnh mẽ của du lịch thế giới.

 

Phương Đông huyền bí với đời sống tinh thần độc đáo, đậm đà bản sắc đang trở thành điểm đến hàng đầu của du khách phương Tây. Mỗi năm trên thế giới có hơn 1,2 tỷ người đi du lịch, trong đó số người đi du lịch tâm linh ngày càng chiếm thị phần lớn hơn.

 

Yên Tử là địa điểm luôn thu hút rất đông khách du lịch
Yên Tử là địa điểm luôn thu hút rất đông khách du lịch



Các trang web du lịch nổi tiếng thế giới như Tripadvisor, Discovery… đều đưa ra nhận định sự phát triển của du lịch tôn giáo và tâm linh đã gia tăng đáng kể trong thời gian gần đây.

 

Ở Việt Nam ngày càng nhiều các điểm du lịch tâm linh ra đời và phát triển tại khắp các địa phương như Đền Hùng (Phú Thọ), Yên Tử (Quảng Ninh), Chùa Hương (Hà Nội), Núi Bà Đen, Thánh thất Cao Đài (Tây Ninh), Đền Trần-Phủ Dầy (Nam Định)…

 

Theo thống kê của Tổng Cục Du lịch (TCDL), số lượng khách DLTL Việt Nam chiếm tỷ trọng khá lớn. Trong số 32,5 triệu lượt khách du lịch nội địa năm 2012, riêng khách đến các điểm tâm linh có khoảng 13,5 triệu lượt.

 

Một số điểm du lịch tâm linh đón lượng khách lớn như Miếu Bà Chúa Xứ (An Giang) 3,6 triệu lượt khách; Chùa Hương 1,5 triệu lượt khách; Chùa Bái Đính 2,1 triệu lượt khách; Yên Tử 2,3 triệu lượt khách…

 

Tuy nhiên, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đi DLTL chưa nhiều, trong số 6,8 triệu khách năm 2012 chỉ có khoảng 12% khách đến điểm DLTL.

 

Tổng Cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, do chúng ta chưa chú trọng xúc tiến quảng bá loại hình DLTL này với bạn bè quốc tế, cộng với sản phẩm du lịch, dịch vụ đi kèm chưa phong phú hấp dẫn, nên DLTL Việt Nam chưa đến được với khách quốc tế. Do đó, DLTL Việt Nam lâu nay như kho vàng bị bỏ quên.

 

Mở thêm nhiều tour, tuyến DLTL liên tỉnh

 

Nhìn nhận DLTL là một sản phẩm du lịch hấp dẫn và có tiềm năng phát triển, trong thời gian tới ngành du lịch dự kiến tập trung phát triển có trọng tâm trọng điểm về du lịch tâm linh có chất lượng, chiều sâu và hiệu quả.

 

Côn Sơn - Kiếp Bạc
Côn Sơn - Kiếp Bạc



TCDL đang tập trung phát triển tam giác du lịch phía Bắc gồm: Hà Nội-Ninh Bình-Hạ Long để kết nối 1 tuyến hành trình thú vị với nhiều trải nghiệm khác nhau kéo dài trong 1 tuần.

 

Đặc biệt trong đó TCDL đang xúc tiến quảng bá du lịch tâm linh Ninh Bình như một điểm đến trọng điểm của du lịch phía Bắc. “Hầu như đoàn Farm trip nào cũng được TCDL đưa đến khảo sát Ninh Bình và đoàn nào cũng rất ấn tượng với tiềm năng du lịch nơi đây”, ông Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ.

 

Đồng thời, hình thành và xây dựng một số tuyến cơ bản về DLTL. Đó là Hà Nội-Hạ Long (qua Côn Sơn Kiếp Bạc, Đông Triều, Đền An Sinh, Khu lăng mộ 8 vua Trần, Chùa Quỳnh Lâm, Núi Bài Thơ, Đền Cửa Ông)-Ninh Bình; tuyến Hà Nội-Chùa Hương-Chùa Tam Trúc Ba Sao (Hà Nam); tuyến Hành trình qua kinh đô Việt cổ bắt đầu từ Đền Hùng (Phú Thọ) tới Thăng Long (Hà Nội)-Tràng An (Ninh Bình)-Lam Kinh (Thanh Hóa)-Huế.

 

Riêng Ninh Bình là địa phương có tốc độ phát triển du lịch rất tốt. Tuy nhiên, doanh thu từ du lịch chưa cao, do đó TCDL sẽ có nhiều hoạt động hỗ trợ tỉnh phát triển sản phẩm du lịch, tạo ra dịch vụ giá trị gia tăng để thu hút khách lưu trú nhiều hơn, chi tiêu nhiều hơn.

 

Khu vực phía Duyên hải miền Trung và phía Nam cũng có nhiều tiềm năng phát triển DLTL, song ngành Du lịch mới chỉ dừng lại ở khai thác theo điểm như Chùa Bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang), Núi Bà Đen (Tây Ninh), Côn Đảo, Phú Quốc, tháp Chàm (Phan Rang), Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Ngãi)…

 

TCDL và các địa phương cũng sẽ tập trung nguồn lực đầu tư vào các khu, điểm đến DLTL. Đặc biệt đầu tư cho bảo tồn phát huy giá trị tâm linh, tín ngưỡng tôn giáo và những giá trị văn hóa di sản phi vật thể và vật thể gắn với điểm DLTL trở thành yếu tố đặc trưng của Việt Nam để thu hút khách.

 

Tăng cường nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá DLTL trong mối liên kết phát triển các loại hình du lịch đi liền với quản lý điểm đến trở thành thương hiệu nổi bật như Yên Tử, Chùa Hương, Bái Đính…

 

Đồng thời, thực hiện chương trình liên kết phát triển DLTL giữa các điểm đến trong nước như Yên Tử-Côn Sơn Kiếp Bạc-Hương Tích-Đền Trần Phủ Dầy-Tam Trúc Ba Sao… và ngoài nước như với Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Myanmar, Nepal, Bhutan, Trung Đông… trong khuôn khổ hợp tác đa phương và song phương.

 

Đặc biệt, tiếp tục phát huy vai trò của cộng đồng dân cư, mang lại sự hưởng lợi tối đa cho người dân tại điểm DLTL.

 

Theo Nguyệt Hà

Chinhphu.vn