Ninh Bình:

Mãn nhãn trước vườn chim hàng nghìn con bên sông Hoàng Long

(Dân trí) - Chiều đến, hàng nghìn con chim đủ các loại đi kiếm ăn từ khắp nơi đổ về bãi cây ven sông Hoàng Long ở Ninh Bình trú ngụ. Hơn chục năm qua, mỗi ngày đàn chim đổ về đây sinh sống đông hơn, biến khu đất hoang thành vườn chim “khổng lồ” bên bãi sông.

Chúng tôi đi dọc theo đê hữu sông Hoàng Long, đoạn qua xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình vào buổi chiều đông. Một khung cảnh nơi vùng quê bên sông hiện lên tĩnh lặng, thanh bình đến lạ thường với những bãi bồi ven sông dài hun hút, hàng cây xanh ngắt trải dài bên triền đê.

Một vườn chim hàng nghìn con hiện ra trước mắt với một màu trắng toát trên những ngọn cây cao vút nằm ngay sát bờ sông. Chiều muộn, hàng nghìn con chim, cò, vạc, với đủ các loại đổ về bãi bồi này trú ngụ. Đứng trên đê từ nhiều phía có thể phóng tầm mắt thỏa sức ngắm nhìn vườn chim đặc biệt này.

Vườn chim hàng nghìn con bên sông Hoàng Long ở xã Gia Lạc, Gia Viễn, Ninh Bình.
Vườn chim hàng nghìn con bên sông Hoàng Long ở xã Gia Lạc, Gia Viễn, Ninh Bình.

Anh Hà Văn Lâm – người trông coi giữ gìn vườn chim chia sẻ, trước kia nơi đây chỉ là vùng đất sình lầy, quanh năm cây cỏ dại mọc um tùm. Mùa mưa lũ thì nước ngập đến sát chân đê, còn lại quanh năm bỏ hoang. Thấy vậy, cách đây hơn chục năm, anh Lâm thuê lại bãi đất để cải tạo làm nông nghiệp. Toàn khu đất gồm cả mặt nước khoảng 10ha, vườn cây khoảng 2ha.

Từ khi làm chủ khu đất hoang, anh Lâm thấy hàng ngày chim đổ về đây ngày một đông hơn. Nhiều nhất là các loại cò, vạc. Theo dõi từng ngày, anh Lâm nghiệm ra một điều, vùng đất lành nên chim về đậu nhiều. Kể từ đó, anh quyết không khai hoang, phá bỏ vườn cây dại đi mà giữ nguyên làm nơi trú ngụ cho đàn “chim lạ”.

Chim cò đậu trắng xóa trên các ngọn cây.
Chim cò đậu trắng xóa trên các ngọn cây.

Từng năm qua đi, đàn chim đổ về ngày càng đông hơn, đến nay lên đến hàng nghìn con, có thời điểm đậu chật kín cả vườn cây rộng 2ha. Để đàn chim sinh sôi phát triển ở đảo chim ven sông, anh Lâm từng ngày ra sức bảo vệ chúng, ngăn cấm không cho những thợ săn đến săn bắn. Bên cạnh đó, anh cùng gia đình cũng trồng thêm nhiều cây nữa để cho chim cò có chỗ đậu sinh sống.

Anh Lâm cho biết, chim đổ về vườn cây sinh sống có nhiều loài khác nhau như: các loại cò, vạc, le le, bìm bịp, chim dẻ quạt, chim tranh, vịt trời... Đông đúc hơn cả là đàn cò với số lượng lớn, chiếm đa số là loài cò trắng, cò bợ. Chiều đến, khi đàn chim đi ăn trở về, khung cảnh lạ thường xuất hiện trên bầu trời xung quanh đảo chim. Từ khoảng 16h chiều, đến chập tối, hàng nghìn con cò chao đảo trên không trung sau đó hạ cánh xuống vườn cây đậu trú ngụ qua đêm. Cò đậu trắng toát cả một vườn cây rộng hàng nghìn mét vuông.

Mãn nhãn trước vườn chim hàng nghìn con bên sông Hoàng Long - 3
Đàn chim hàng nghìn con chao đảo trên bầu trời vào mỗi buổi chiều đổ về vườn chim sau một ngày đi kiếm ăn về.
Đàn chim hàng nghìn con chao đảo trên bầu trời vào mỗi buổi chiều đổ về vườn chim sau một ngày đi kiếm ăn về.

“Vào tháng 3, tháng 4 hàng năm là mùa chim cò đẻ trứng. Nơi đây có hàng ngàn tổ chim, kín trên các cành cây. Vì được bảo vệ nên các tổ chim cứ vậy sinh sôi nảy nở ngày một nhiều hơn. Cứ hết thế hệ chim con này ra đời, đến thế hệ nối tiếp sinh sản làm cho đàn chim ở vườn cây ngày một phong phú và đa dạng hơn” – anh Lâm cho hay.

Chia sẻ về những khó khăn khi ra sức bảo vệ chim trời, anh Lâm kể, có hôm nửa đêm còn phải thức giấc từ nhà ra đảo chim để xua đuổi những tay thợ săn bắn. Kể từ khi thấy chim đổ về đây đông, những tay thợ săn chuyên rình mò tìm cơ hội tiếp cận để đến bắn chim. Mỗi lần như vậy, anh Lâm và người dân địa phương lại đuổi đi và ra sức bảo vệ những “báu vật trời cho”.

Mỗi khi có người lạ đến, đàn chim lại tung cánh bay lên bầu trời, phát ra tiếng gọi bầy để tránh gặp nguy hiểm.
Mỗi khi có người lạ đến, đàn chim lại tung cánh bay lên bầu trời, phát ra tiếng gọi bầy để tránh gặp nguy hiểm.

Anh Lâm gọi bầy chim trời mình đang bảo vệ là “giống quỷ”. Bởi, đàn chim tinh nhanh đến mức, chỉ cần thấy người lạ hoặc vật lạ, tiếng động lớn xuất hiện gần nơi chúng ở là cả đàn cất cánh lên không trung và phát ra những tiếng gọi bầy báo hiệu gặp nguy hiểm. “Có hôm, đang ở nhà, thấy chim bay lên cao và kêu to, tôi dù có đang làm gì thì cũng phải chạy ra đảo chim liền, vì biết chúng đang gặp nguy hiểm. Ra vườn chim, đúng là có người lạ đến thật” – anh Lâm nói.

Kể từ khi gắn bó với đàn chim, hàng ngày anh Lâm làm ruộng xung quanh khu vực chim sinh sống để thường xuyên bảo vệ che chở cho chúng. Mỗi lúc có người đến muốn được chiêm ngắm, tìm hiểu về đời sống của các loại chim, anh Lâm lại tận tình giúp đỡ và hướng dẫn. Nhiều khách du lịch khi đến đây cũng rất thích thú chụp ảnh và ngắm đàn chim có một không hai ở Ninh Bình.

Sau hơn 10 năm, đảo chim bên sông Hoàng Long đã trở thành nơi trú ngụ ổn định của đàn chim trời hàng nghìn con.
Sau hơn 10 năm, đảo chim bên sông Hoàng Long đã trở thành nơi trú ngụ ổn định của đàn chim trời hàng nghìn con.

Số lượng chim ở vườn cây bên bãi sông Hoàng Long này được ví như những vườn chim nổi tiếng ở Ninh Bình như: vườn chim Thung Nham (xã Ninh Hải), đầm Vân Long (xã Gia Vân), Đầm Cút (xã Gia Hòa).

Mãn nhãn trước vườn chim hàng nghìn con bên sông Hoàng Long - 7
Mãn nhãn trước vườn chim hàng nghìn con bên sông Hoàng Long - 8
Mãn nhãn trước vườn chim hàng nghìn con bên sông Hoàng Long - 9
Mãn nhãn trước vườn chim hàng nghìn con bên sông Hoàng Long - 10
Mãn nhãn trước vườn chim hàng nghìn con bên sông Hoàng Long - 11
Mãn nhãn trước vườn chim hàng nghìn con bên sông Hoàng Long - 12
Mãn nhãn trước vườn chim hàng nghìn con bên sông Hoàng Long - 13

Thái Bá