Lý Quang Diệu và những quyết sách đưa Singapore trở thành "quốc đảo xanh"

(Dân trí) - Nhờ tầm nhìn và những chính sách cứng rắn của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, từ một quốc gia nhỏ bé, nghèo tài nguyên, đến nay, Singapore đã trở thành quốc đảo Xanh - Sạch - Đẹp và là điểm đến hút khách du lịch hàng đầu châu Á.

Phủ xanh toàn thành phố

Lý Quang Diệu và những quyết sách đưa Singapore trở thành quốc đảo xanh
Sân bay quốc tế Changi là sân bay tốt nhất thế giới năm 2015. Hệ sinh thái tự nhiên phong phú được xây dựng ngay trong lòng sân bay.
Singapore - quốc đảo xanh
Singapore - quốc đảo xanh

Đặt chân tới Singapore, du khách luôn bị choáng ngợp bởi màu xanh phủ khắp thành phố bên cạnh những tòa nhà cao tầng mọc nhau san sát. Ngay giữa trung tâm hiện đại, du khách vẫn thấy được những cánh rừng xanh nho nhỏ như nét đẹp riêng của quốc gia này. Với môi trường trong lành, sạch sẽ hàng đầu thế giới, quốc đảo sư tử thu hút hàng triệu lượt khách ghé thăm mỗi năm để thưởng ngoạn vẻ đẹp và mua sắm.

 Đường phố Singapore rợp bóng cây
 Đường phố Singapore rợp bóng cây

Để có được môi trường xanh như hiện tại, người ta không thể quên chiến dịch trồng cây của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu. Ngay từ khi lên nắm quyền, ông đã coi trọng việc mở rộng phủ xanh, giảm thiểu tiêu cực trong quá trình đô thị hóa, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu trong chiến dịch trồng cây năm 2014
Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu trong chiến dịch trồng cây năm 2014

Tháng 6/1963 đánh dấu mốc quan trọng trong chiến dịch. Chính tay vị lãnh đạo kiệt xuất của Singapore đã tự tay cuốc đất trồng cây Mempat và duy trì truyền thống đó mỗi năm. Ông đã nói về điều này trong cuốn hồi ký viết năm 2000: "Sau độc lập, tôi tìm kiếm con đường ấn tượng để phân biệt chúng tôi với các nước thế giới thứ ba khác. Và đó là một Singapore xanh và sạch". Đến nay, mật độ cây xanh tại đảo quốc này đã tăng lên ấn tượng, từ 36% năm 1986 lên tới 47% trong năm 2007 và con số vẫn đang tiếp tục được nhân rộng.

Ban hành luật cấm cứng rắn tại các khu công cộng

Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã đưa ra nhiều quy định nghiêm khắc trong vấn đề vệ sinh môi trường để biến "đảo quốc sư tử" thành quốc gia đặc biệt sạch sẽ. Một trong những quyết sách quyết liệt nhất phải kể tới lệnh cấm bán và nhập khẩu kẹo cao su, bắt đầu thực thi từ năm 1992. Ông đã từng nói một câu rất nổi tiếng khi ban hành lệnh cấm này: "Bạn không thể suy nghĩ được nếu không nhai thứ gì đó, hãy thử ăn chuối."

 Một biển hiệu cấm kẹo cao su trên đường phố Singapore
 Một biển hiệu cấm kẹo cao su trên đường phố Singapore

Quy định nằm trong chiến dịch làm sạch thành phố, ngăn chặn hành vi khạc nhổ bã kẹo bừa bãi tại các hệ thống tàu điện ngầm, nơi công cộng. Hình phạt với việc buôn kẹo cao su trái phép có thể lên tới 2 năm tù và hơn 70.000 USD.

Đường phố Singapore không bóng dáng của rác thải
Đường phố Singapore không bóng dáng của rác thải

Bên cạnh đó, vị lãnh đạo họ Lý cho tiến hành loại bỏ hàng rong trên phố, tái định cư thành nơi bán hàng cố định có quản lý nghiêm ngặt với các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh. Những vấn đề làm sạch môi trường được đặt lên hàng đầu với nhiều hình phạt nặng dành cho các hành vi vô ý thức. Khạc nhổ, xả rác bừa bãi có thể bị phạt tối đa 1.000 đô la Singapore, nếu tái phạm, mức phạt sẽ gia tăng…

 Bãi rác nhân tạo Semakau Landfill.
 Bãi rác nhân tạo Semakau Landfill.

Đặc biệt, Singapore là quốc gia đầu tiên cho xây dựng đảo chôn rác nhân tạo lớn nhất trên thế giới. Semakau Landfill bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1999, thu nhận và xử lý khoảng 16.000 tấn rác thải mỗi ngày. Khác với tên gọi "đảo rác", Semakau Landfill còn được biết tới là khu sinh thái đa dạng với hệ động vật phong phú.

Ngày 23/3 vừa qua, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã từ trần nhưng những tư tưởng và chính sách của ông vẫn có tầm ảnh hưởng lớn tại Singapore.

Hoàng Hà
(Tổng hợp)