DMagazine

Liên kết vùng để phát triển du lịch không thể làm “tự phát”

(Dân trí) - Những người làm du lịch vùng Đông Nam Bộ và TPHCM vừa qua đã có buổi “ngồi lại với nhau” tại Tây Ninh cùng ký kết hợp tác, phát triển, thúc đẩy các sản phẩm du lịch đặc trưng từng địa phương.

Liên kết vùng để phát triển du lịch không thể làm “tự phát”

Những người làm du lịch vùng Đông Nam Bộ và TPHCM vừa qua đã có buổi “ngồi lại với nhau” tại Tây Ninh cùng ký kết hợp tác, phát triển, thúc đẩy các sản phẩm du lịch đặc trưng từng địa phương.

Đoàn Caravan từ TPHCM khám phá Tây Ninh
Liên kết vùng để phát triển du lịch không thể làm “tự phát” - 1
Lãnh đạo TPHCM và các tỉnh ký kết tại hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ

Tham dự hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ có Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tây Ninh Phạm Viết Thanh và lãnh đạo sở ngành, doanh nghiệp các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ.

Chung tay giúp bản sắc địa phương đậm nét

Theo các doanh nghiệp lữ hành, các tỉnh Đông Nam Bộ đang sở hữu những sản phẩm du lịch riêng lẻ hấp dẫn, độc đáo nên khi liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh phải gắn với thế mạnh từng địa phương, tạo điểm nhấn cho từng tỉnh khi giới thiệu các chương trình kích cầu du lịch đến du khách. 

Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Group, cho biết trong hợp tác phát triển du lịch, giữa các tỉnh phải có sự liên kết để phục vụ cả khách du lịch thuần túy lẫn khách đi công vụ.

Liên kết vùng để phát triển du lịch không thể làm “tự phát” - 2

Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Group

"Sau một thời gian nghiên cứu, khảo sát các điểm đến du lịch tại 6 tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ, Saigontourist nhận thấy có 4 nội dung cần liên kết giữa các tỉnh là phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá, xúc tiến, đầu tư phát triển hạ tầng; tuyến điểm dịch vụ du lịch và liên kết đào tạo du lịch giữa các tỉnh Đông Nam Bộ", ông Võ Anh Tài cho biết.

Là đơn vị vừa làm mới và đẩy mạnh khai tuyến điểm TPHCM đi Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông Công ty TST Tourist, cho biết mỗi địa phương trong vùng Đông Nam Bộ đều có những điểm đến mới, có thể đưa vào khai thác đón khách, thậm chí tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn.Tuy nhiên, theo ông Mẫn, từng tỉnh phải biết tạo điểm nhấn để có sản phẩm đặc trưng của tỉnh mình trong chuỗi liên kết với các tỉnh thành khác.

Ngoài ra, các tỉnh cũng phải làm mới sản phẩm du lịch của tỉnh, cải thiện về dịch vụ, cơ sở hạ tầng du lịch... để liên kết cùng các tỉnh, thành khác triển khai hiệu quả các tour kích cầu du lịch sau mùa dịch bệnh. Nhân viên khách sạn Imperial Vũng tàu xếp hàng chào tiễn biệt những đoàn khách đầu tiên đến sau thời gian giãn cách xã hội.

Liên kết vùng để phát triển du lịch không thể làm “tự phát” - 3

Du khách đang tham quan bảo tàng vũ khí cổ ở Vũng Tàu.

Liên kết vùng để phát triển du lịch không thể làm “tự phát” - 4

 Nhân viên khách sạn Imperial Vũng Tàu xếp hàng chào tiễn biệt những đoàn khách đầu tiên đến sau thời gian giãn cách xã hội. 

Khẳng định vai trò “đầu tàu” trong việc liên kết du lịch với các tỉnh của TPHCM, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Vietravel, cho biết lâu nay TPHCM luôn là địa phương dẫn đầu và là tỉnh “gửi khách” lớn nhất đi các tỉnh thành trong vùng Đông Nam Bộ.

Tuy nhiên, việc liên kết và xúc tiến phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ lại chưa được chú trọng, chẳng hạn như du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu chưa xúc tiến vào TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương... Vì vậy, việc kết nối trong hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ vẫn còn thiếu các sản phẩm liên tuyến, liên vùng có giá tốt dành cho du khách.

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, thời gian tới đây, các tỉnh cần đẩy mạnh khai thác các thế mạnh của mỗi tỉnh để tạo ra sản phẩm liên tuyến mang nét đặc trưng của vùng.

Cụ thể như, TPHCM có thế mạnh phát triển du lịch kết hợp với hội thảo (MICE), du lịch mua sắm... tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có lợi thế về du lịch biển đảo; tỉnh Đồng Nai có lợi thế phát triển du lịch sinh thái, du lịch khám phá; các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương có thế mạnh du lịch tâm linh, lễ hội, du lịch sinh thái văn hóa, cộng đồng…

Đưa vào khai thác 3 sản phẩm liên vùng mới

Đồng tình với quan điểm của các doanh nghiệp lữ hành là cần phải đẩy mạnh liên kết trong phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ, ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, lợi thế liên kết giữa TPHCM và năm tỉnh vùng Đông Nam Bộ chính là có sự khác biệt, có tính bổ trợ cho nhau.

Vì vậy, nếu khai thác đúng lợi thế của mỗi điểm đến thì sự liên kết du lịch của sáu tỉnh, thành không những không làm giảm đi lợi thế cạnh tranh của từng điểm đến mà ngược lại còn phát huy lợi thế của nhau, giúp nhau mở rộng thị trường, thị phần khách hàng nội địa một cách dễ dàng hơn.

“Lãnh đạo 6 tỉnh Đông Nam Bộ cũng đang đặt kỳ vọng du lịch Đông Nam Bộ sẽ khởi sắc mạnh mẽ, tuy nhiên muốn làm được điều này phải nhờ vào các doanh nghiệp lữ hành. Bởi, chúng tôi ý thức rõ việc bán sản phẩm là của doanh nghiệp lữ hành, vì vậy Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch của các địa phương cam kết đồng hành với các doanh nghiệp. Sáu tỉnh cũng luôn khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh trong phát triển sản phẩm liên kết kích cầu, tạo ra nhiều trải nghiệm mới hơn, độc đáo hơn cho du khách”, ông Trần Văn Chiến nói.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng cho biết, hiện nay TPHCM là địa phương đi đầu cả nước thực hiện hiệu quả việc kết nối, liên kết vùng trong phát triển du lịch. 

"TPHCM đã đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành miền Trung và các tỉnh thành miền Bắc, 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để có những tour kích cầu nội địa hấp dẫn với chất lượng và giá cả hợp lý. Vì vậy, muốn phát huy thế mạnh tiềm năng du lịch của các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ, sắp tới, các tỉnh cần tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm đã hình thành và phát triển thêm sản phẩm mới; đẩy mạnh, mở rộng số lượng doanh nghiệp du lịch trong vùng tham gia các chương trình kích cầu liên vùng, liên tuyến; tăng cường liên kết với các tỉnh, thành khác để cùng nhau giảm giá sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng", ông Lê Thanh Liêm cho biết. 

Liên kết vùng để phát triển du lịch không thể làm “tự phát” - 5
Chia sẻ thông tin về việc xây dựng các sản phẩm liên kết du lịch mới khi kết hợp du lịch các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho biết doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương đã nhìn thấy nhiều sản phẩm tiềm năng để chào bán cho du khách trong nước.   

“Trước mắt sẽ có 3 sản phẩm liên vùng mới được các tỉnh đẩy mạnh khai thác bao gồm: TPHCM - Tây Ninh - Bình Dương với chủ đề "Sắc xanh ngày mới", "Chinh phục nóc nhà Nam Bộ"; TPHCM - Bình Dương - Bình Phước với chủ đề "Tình đất đỏ miền Đông" và TPHCM - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu với chủ đề "Thiên nhiên xanh mát, sắc biển hòa ca"… Đây là những sản phẩm kết hợp các điểm đến du lịch đặc trưng của từng tỉnh thành Đông Nam Bộ”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ nói.

Liên kết vùng để phát triển du lịch không thể làm “tự phát” - 6
Dịp này, chín doanh nghiệp lữ hành TPHCM như: Công ty lữ hành Saigontourist, Vietravel, Bến Thành Tourist, TST tourist... đã kí kết hợp tác với 20 doanh nghiệp của năm tỉnh, thành Đông Nam Bộ để cùng hợp tác phát triển sản phẩm du lịch liên vùng, liên tuyến.  
Liên kết vùng để phát triển du lịch không thể làm “tự phát” - 7

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết TPHCM sẽ nỗ lực hết mình để cùng các địa phương vùng Đông Nam Bộ đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và trở thành cầu nối quan trọng, góp phần đưa du lịch Việt Nam đến với bạn bè thế giới.


Trước mắt, để việc liên kết du lịch vùng Đông Nam Bộ đạt hiệu quả cao, các tỉnh vùng Đông Nam Bộ cần cùng nhau cải thiện mạnh mẽ môi trường du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng dịch vụ du lịch thông minh, đẩy mạnh quảng bá du lịch các sản phẩm du lịch đặc thù… 

Liên kết vùng để phát triển du lịch không thể làm “tự phát” - 8
Mỗi địa phương đều mang trong mình một bản sắc riêng, đa dạng, phong phú…
Liên kết vùng để phát triển du lịch không thể làm “tự phát” - 9
Tòa thánh Tây Ninh là công trình tôn giáo của đạo Cao Đài, tọa lạc tại huyện Hòa Thành, cách thành phố Tây Ninh khoảng 4 km, một điểm đến tâm linh không thể thiếu khi đến vùng đất này.
Liên kết vùng để phát triển du lịch không thể làm “tự phát” - 10
Du khách tham quan bên trong Toà thánh Tây Ninh
Liên kết vùng để phát triển du lịch không thể làm “tự phát” - 11

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nghe giới thiệu về các sản vật địa phương vùng Đông Nam Bộ sản vật địa phương vùng Đông Nam Bộ

Liên kết vùng để phát triển du lịch không thể làm “tự phát” - 12
5 loại trái cây mùa Hè phổ biến ở Tây Ninh: dưa lưới, xoài, mảng cầu, bưởi, ổi... được trưng bày tại hội nghị
Liên kết vùng để phát triển du lịch không thể làm “tự phát” - 13
Loại hình Caravan là một trong những cách độc đáo trải nghiệm cung đường TPHCM đi các tỉnh Đông Nam Bộ.  

Ngoài ra, mỗi địa phương cần chủ động bố trí kinh phí cho các hoạt động được cụ thể hoá tại Thỏa thuận hợp tác 5 năm ( từ năm 2020 - 2025) và kế hoạch triển khai với lộ trình thực hiện trong 2 năm (từ năm 2020-2021); tăng cường kêu gọi và đa dạng các hình thức đầu tư cho vùng, trong đó sẽ tập trung nguồn vốn ngân sách cho đầu tư hạ tầng giao thông để đẩy mạnh liên kết vùng nhanh hơn, hấp dẫn hơn đối với du khách.

Bài: Phạm Nguyễn       -      Ảnh: Hữu Long