Làng Thái cổ nơi thượng nguồn sông Hiếu

(Dân trí) - Ngược Miền Tây xứ Nghệ men theo dòng sông Hiếu quanh năm hiền hòa, chúng tôi về với vùng đất Hoa Tiến, xã Châu Tiến (huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) - nơi được coi là cái nôi văn hóa của người Thái cổ.

Đây là vùng đất còn lưu giữ được những nét văn hóa riêng có của dân tộc Thái ngày xưa với đặc trưng là những nếp nhà sàn kiên cố, ché rượu cần nồng nàn và một làng nghề thổ cẩm vốn đã nổi tiếng với du khách thập phương,...

Nhà sàn - nét cổ xưa

Làng Thái cổ nơi thượng nguồn sông Hiếu

''Chinh phục'' dòng sông Hiếu rồi vượt cánh đồng Tả Chum qua con đường lởm chởm đá, chúng tôi như lạc vào một không gian văn hóa cổ xưa với hàng trăm ngôi nhà sàn cổ san sát của đồng bào Thái ở bản Hoa Tiến. Hồ hởi tiếp khách, ông Sầm Văn Duẩn, Trưởng bản Hoa Tiến khoe: ''Bản ta vẫn lưu giữ được những nét văn hóa cổ xưa cho đến tận ngày hôm nay quả thật rất đáng tự hào. Nhà sàn cổ ở làng chúng tôi là nét đặc trưng nhất mà hiếm có nơi nào còn lưu giữ được như vậy''.

Nhà sàn của người Thái làm rất tốn gỗ, những cây gỗ tốt nhất, to nhất được dùng để làm cột. Cột nhà phải to và chắc rồi được chôn xuống dưới đất rất sâu thì mới có thể chống chọi được với thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là gió lốc vào mùa mưa. Và, cột nhà chôn xuống đất là nét đặc trưng để phân biệt nhà sàn cổ và nhà sàn thời nay. ''Nhà ta tất cả đều làm bằng gỗ táu từ mấy chục năm trước mà ông nội ta để lại, kết cấu hoàn toàn theo kiểu nhà cổ thời xưa nên đến thời điểm hiện tại ngôi nhà này vẫn rất chắc chắn'' - Ông Lữ Văn Thân, chủ nhân của một trong hàng trăm ngôi nhà sàn cổ ở bản Hoa Tiến cho biết.

Sắc màu thổ cẩm

Hoa Tiến - vùng đất của những ngôi nhà sàn cổ san sát, vùng đặc trưng với những ché rượu cần nồng nàn cùng những cô gái Thái xinh đẹp trong điệu múa xòe của miền sơn cước... là mảnh đất của nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng mà ở đó chúng ta không khó nhận ra màu xanh của cây rừng, màu hồng, màu đỏ của những cánh hoa rừng, màu vàng rực rỡ của ánh nắng mặt trời... trên từng khuông vải.

''Đã là cô gái Thái thì ai cũng phải biết dệt thổ cẩm và thêu thùa, họ thường tự tay làm những chiếc váy, bộ chăn, đệm, những chiếc khăn Piêu... và thổ cẩm đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống vật chất và tinh thần của chị em dân tộc Thái'' – Bà Sầm Thị Bích, thành viên HTX dệt thổ cẩm Hoa Tiến cho biết.

Gian hàng trưng bày sản phẩm thổ cẩm của HTX dệt thổ cẩm Hoa Tiến.
Gian hàng trưng bày sản phẩm thổ cẩm của HTX dệt thổ cẩm Hoa Tiến.

Con gái Thái từ năm 7 đến 8 tuổi phải làm quen với bông, sợi, dệt vải; khi lên mười hai, mười ba tuổi bắt đầu làm quen với công việc thêu thùa. Mặc dù vất vả với việc làm nương rẫy, nhưng mỗi khi có thời gian là người phụ nữ Thái lại miệt mài bên khung cửi.

Tính cách và tuổi tác được thể hiện rất rõ trên những sản phẩm thổ cẩm của người Thái. Với những cô gái Thái đang yêu thì không thể giấu nổi tình cảm của mình bằng những gam màu sáng chủ đạo. Còn những người phụ nữ lớn tuổi thì thiên về những gam màu trầm, về những đường nét rắn rỏi và đậm nét suy tư.

Chị Lô Thị Nga, xã viên HTX dệt thổ cẩm Hoa Tiến cho biết: ''HTX đã hình thành từ hơn 10 năm trước và đến năm 2007 được huyện công nhận là ''Làng có nghề'', sau biết bao cố gắng đến năm 2009 được UBND tỉnh công nhận là ''Làng nghề dệt thổ cẩm''. Nghề dệt thổ cẩm ở bản ta phát triển không ngừng, đến nay đã có 150 xã viên HTX và trên 50 thành viên trồng dâu nuôi tằm đem lại thu nhập cao, góp phần xóa đói giảm nghèo cho bản làng''.

Du khách bên khung cửi dệt vải thổ cẩm.
Du khách bên khung cửi dệt vải thổ cẩm.

Hàng dệt thổ cẩm của người Thái ở Hoa Tiến với những họa tiết hoa văn phong phú, nhã nhặn đã thực sự chiếm được cảm tình của nhiều khách hàng trong nước và quốc tế. Những chiếc khăn Piêu truyền thống, kết hợp với những nét hiện đại hay những chiếc túi xách xinh xắn được dệt bằng chất liệu tơ tằm đã có mặt không chỉ ở nhiều thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP HCM mà cũng đã được xuất khẩu sang Nhật Bản và nhiều quốc ở châu Âu như Tây Ban Nha, Pháp, Bỉ, Ý...

Ông Sầm Văn Nhị, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Tiến, cho biết: ''Chúng tôi rất tự hào vì đồng bào ta vẫn giữ được những nếp truyền thống văn hóa từ thủa xa xưa của dân tộc. Chính quyền địa phương cũng luôn quan tâm để tuyên truyền, vận động bà con giữ gìn và phát huy hơn nữa giá trị truyền thống của văn hóa dân tộc mình''.

Làng Thái cổ Hoa Tiến, xã Châu Tiến là một trong những nơi được huyện Quỳ Châu chọn làm điểm xây dựng du lịch cộng đồng. Đến đây khách tham quan sẽ được tự mình trải nghiệm trên khung cửi để dệt vải, xe tơ qua sự hướng dẫn của các bà, các mẹ. Ngoài ra du khách còn được giã gạo bằng tay, được tự mình vào bếp để chế biến các món ăn dân giã của đồng bào Thái, đặc biệt, được hoà mình trong điệu nhảy sạp, khắc luống rộn ràng và ngây ngất trong men rượu cần nồng nàn.

Nguyễn Duy