Làng cổ Cự Đà - Điểm du lịch, khám phá lí tưởng

(Dân trí) - Bởi hội tụ nhiều nét đặc trưng của làng quê Việt Nam, Cự Đà đã trở thành điểm du lịch, khám phá lí tưởng.

Không chỉ được biết đến là một làng quê với nhiều ngôi nhà Việt cổ và Từ đường được xây dựng cách đây khoảng một thế kỉ, Cự Đà còn được người ta nhắc đến với nghề truyền thống làm tương và làm miến.

 

Về thăm Cự Đà vào một buổi chiều cuối tuần, sau khi đã vượt qua gần 20 cây số, tính từ trung tâm thành phố Hà Nội, chúng tôi đã có mặt tại làng Cự Đà thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội. 

 

Với không gian đậm chất thơ của làng cổ ven sông bắc bộ, Cự Đà hiện lên dáng vẻ làng quê bình dị, cổ kính đến lạ thường, hứa hẹn sẽ đem đến cho chúng tôi một buổi khám phá đầy thú vị.

 

Cổng làng Cự Đà còn nguyên vẹn kiến trúc từ thời xây dựng

Cổng làng Cự Đà còn nguyên vẹn kiến trúc từ thời xây dựng

 

Chưa biết bắt đầu tìm hiểu từ đâu, thì thật may mắn khi chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Thúy, một người dân làng Cự Đà đã tình nguyện giúp chúng tôi khám phá ngôi làng cổ này. Và địa điểm đầu tiên chị dẫn chúng tôi tìm đến chính là những ngôi nhà, biệt thự cổ trong làng.

 

Được biết, vào những năm 1890 đến năm 1945 là thời kì hưng thịnh, phát đạt nhất của làng Cự Đà. Do vị trí nằm ven sông Nhuệ, thuận lợi cho giao thương nên Cự Đà trở thành trung tâm buôn bán trao đổi, cung cấp hàng hóa cho cả vùng. Chính vì vậy, vào thời điểm đó, nhiều người giàu lên và xây dựng những ngôi biệt thự, kiến trúc pháp hồi với ngói mũi hài, cột gỗ lim, hoa văn chạm trổ cầu kì.

 

Một trong những ngôi nhà cổ còn tồn tại ở làng

Một trong những ngôi nhà cổ còn tồn tại ở làng

 

Hầu hết những ngôi nhà và biệt thự cổ trong làng Cự Đà đều được làm bằng gỗ, không có tường, chỉ có những cách cửa bức bàn, mùa đông hạ xuống, mùa hè dựng lên cho mát. Ngoài ra, làng còn có rất nhiều ngõ và đằng trước là mặt đường nát gạch nghiêng.

 

Sau khi tham quan, tìm hiểu hàng loạt ngôi nhà và biệt thự cổ, ấn tượng nhất đối với tôi chính là ngôi nhà của gia đình ông Trịnh Thế Sủng. Một ngôi nhà được xây dựng cách đây hơn 130 năm và đã qua 4 đời sinh sống. Dù đã trả qua nhiều thăng trầm nhưng ngôi nhà còn khá nguyên vẹn từ viên gạch cho đến hòn ngói . Vì muốn bảo tồn và giữ gìn những nét văn hóa truyền thống nên gia đình ông Sủng không muốn dỡ bỏ xây dựng lại.

 

Hiện nay, làng Cự Đà còn rất nhiều chiếc cổng của các con ngõ, tất cả đều được xây dựng cầu kì


Hiện nay, làng Cự Đà còn rất nhiều chiếc cổng của các con ngõ, tất cả đều được xây dựng cầu kì

Hiện nay, làng Cự Đà còn rất nhiều chiếc cổng của các con ngõ, tất cả đều được xây dựng cầu kì

 

Để tìm hiểu thêm về ngôi làng cổ này, chị Thúy đã dẫn chúng tôi đến gặp ông Vũ Văn Tuấn, trưởng thôn làng Cự Đà và được ông cho biết: Cho tới nay, làng Cự Đà còn tồn tại gần 60 ngôi nhà và biệt thự cổ có niên đại từ 100 đến 130 năm, mang “kiến trúc nhà giàu” rất đặc trưng và thịnh hành thời đó. Phổ biến nhất là biệt thự hai tầng kiểu Pháp, chạm trổ cầu kỳ với những phù điêu, họa tiết theo kiểu phương Tây đắp nổi, có khảm đá hoặc sành sứ.

 

Miến được làm và phơi khắp làng, góp phần tô thêm vẻ đẹp của ngôi làng cổ

Miến được làm và phơi khắp làng, góp phần tô thêm vẻ đẹp của ngôi làng cổ

 

Đến Cự Đà, không chỉ được tìm hiểu khám phá những nét cổ kính của ngôi làng cổ mà chúng tôi còn có dịp tận mắt chứng kiến khung cảnh sản xuất rộn ràng và hương vị đặc trưng của miến và tương, một sản phẩm truyền thống của làng Cự. Hội tụ nhiều thế mạnh về mặt di tích, lại là một làng nghề đang ngày đêm nhộn nhịp, Cự Đà đã nhanh chóng trở thành địa điểm du lịch, khám phá lí tưởng.

 

Kết thúc buổi trải nghiệm tuy không dài tại làng cổ Cự Đà nhưng đã để lại cho chúng tôi bao ấn tượng không chỉ về vẻ đẹp mà cả sự hiếu khách của người dân nơi đây. Rời khỏi ngôi làng cổ, chúng tôi không quên mua cho mình những lọ tương, bó miến, bởi đó đều là những sản phẩm mà người dân Cự Đà làm ra.
 

 

Nhữ Trang