Lần đầu tiên, khách quốc tế đến Việt Nam giảm sau 6 năm

(Dân trí) - Mặc dù so với năm trước, lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm nhẹ, nhưng đây là năm đầu tiên khách đến Việt Nam giảm kể từ năm 2009. Mặc dù trong năm nay, Chính Phủ đã quyết định miễn visa cho một số nước để thu hút khách

Theo số liệu của Tống cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến nước ta năm 2015 ước tính đạt hơn 7,94 triệu lượt người, giảm 0,2% so với năm trước.

Lượng khách đến bằng đường biển trong năm tăng 27,5% và lượng khách đến bằng đường hàng không tăng 0,8% so với năm trước, trong khi đó, khách đến bằng đường bộ giảm 6,5%.

Một số thị trường châu Á có lượng khách đến Việt Nam giảm như Trung Quốc giảm 8,5%, Campuchia giảm 43,8%, Indonesia giảm 9,3%, Thái Lan giảm 13,1%, Lào giảm 16,6%, Philippines giảm 3,5%.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến việc lượng khách tiềm năng này sụt giảm này, các nhà quản lý du lịch cho rằng, đó là do những biến động về tình hình chính trị, kinh tế thế giới, ví dụ như chiến sự ở Ucraina khiến nước Nga gặp khó khăn về tài chính, hay dịch bệnh Mers… vừa qua khiến cho du khách châu Âu đến với châu Á trong đó có Việt Nam giảm sút mạnh…


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch Việt Nam, ngoài những nguyên nhân mang tính thời sự nói trên, du lịch Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn và hạn chế. Cơ sở hạ tầng ở nhiều địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, chưa tạo được sự thuận tiện trong di chuyển cho khách. Ở nhiều nơi, môi trường tự nhiên để xảy ra tình trạng ô nhiễm, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ…

Tuy nhiên, về nội tại, vẫn là những lý do muôn thuở. Đó là do thiếu sản phẩm mang tầm vóc thương hiệu du lịch quốc gia vì cách làm còn thiếu chuyên nghiệp; hạ tầng giao thông, phương tiện vận chuyển còn yếu kém, lạc hậu.

Một trong những nguyên nhân khách quan làm cho công tác quảng bá, xúc tiến của du lịch Việt Nam còn kém hiệu quả là do kinh phí dành cho du lịch còn quá ít. Nếu so với nhiều nước có ngành công nghiệp du lịch phát triển trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan với kinh phí xúc tiến, quảng bá gấp nhiều lần với cách làm chuyên nghiệp thì nguồn kinh phí quảng bá của Việt Nam lại rất hạn chế với những cách làm rất nghiệp dư.

Các địa điểm vui chơi ở Việt Nam chỉ chủ yếu phục vụ cho giới trẻ mặc dù được đầu tư bài bản và có quy mô. Tuy nhiên, những hoạt động thuộc về lĩnh vực đặc thù để thu hút khách quốc tế như văn hóa, nghệ thuật, bảo tàng… tại Việt Nam không được chú trọng đầu tư cũng rất khó đáp ứng nhu cầu du khách quốc tế. Sự nghèo nàn về ý tưởng còn thể hiện ở chỗ có những tour cứ lặp đi lặp lại trong nhiều năm mà không có sự biến tấu nào. Chính sách phân biệt giá tham quan, giá khách sạn, hay dịch vụ giao thông vận chuyển dành cho người Việt Nam và khách quốc tế cũng đem lại sự khó chịu cho du khách.

Bên cạnh đó, ngoài việc thiếu tiền để quảng bá thì còn nguyên nhân chủ quan là cách làm của ngành du lịch Việt Nam hiện nay cũng là một nguyên nhân gây nên sự trì trệ. Chúng ta không thể so sánh với các nước có ngành du lịch phát triển trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, nhưng việc “đi trước, về sau” so với ngành du lịch Campuchia là điều đáng để chúng ta suy ngẫm.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Với chính sách miễn visa cho một số nước nhằm thu hút khách đến Việt Nam, ngành du lịch hy vọng rằng đây là chiếc “đũa thần” để cứu cánh cho ngành du lịch nước nhà trong bối cảnh khó khăn, bần hàn tuy nhiên kết quả lại không được như mong đợi.

Tính từ thời điểm miễn thị thực đến nay khách đến từ thị trường Tây Âu đến Việt Nam vẫn không tăng nhiều. Nguyên nhân là do các tour do công ty thực hiện đa số trên 15 ngày nên thực tế khách vẫn phải làm visa. Khách đến Việt Nam không chỉ vì giảm phí visa hay miễn thị thực và đây không phải là yếu tố quyết định để phát triển du lịch. Hạn chế của du lịch Việt Nam không chỉ ở khâu visa, mà ở nhiều tour, tuyến, điểm du lịch, khách du lịch cũng đánh giá Việt Nam thua Campuchia ở tính chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, mặc dù tổng số khách quốc tế giảm nhưng Trung Quốc và Mỹ vẫn là hai quốc gia có lượng khách đến Việt Nam đông nhất.

Phân tích từ các chuyên gia cho thấy mặc dù có lượng khách đến Việt Nam vượt trội nhưng mức chi tiêu của khách Trung Quốc rất thấp và được xếp trong nhóm các thị trường du khách ở ít ngày và chi tiêu thấp nhất.

Trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp cho biết trong năm 2016 rất khó dự đoán được tổng thị trường có tăng hay không. Tính riêng từng thị trường thì Trung Quốc hiện chưa thấy sự hồi phục, Nhật Bản cũng không hứa hẹn sẽ có sự tăng trưởng đột biến, Nga khó có thể tăng và lượng khách từ Tây Âu cũng khó mà đổ ồ ạt đến Việt Nam dù khách từ một số nước đã được miễn thị thực.

Hữu Thắng