Làm "bản sao" ngai vàng để phục vụ khách tham quan Hoàng cung Huế

An Thường

(Dân trí) - Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đang cho "phục dựng" một ngai vàng tương tự như ngai vàng đặt bên trong điện Thái Hòa để trưng bày, phục vụ khách tham quan Hoàng cung.

Thông tin trên được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết chiều 16/12, sau khi có thông tin một số đoàn khách Thái Lan khi đến Huế không mua vé tham quan Đại nội vì cho rằng không thể tham quan ngai vàng bên trong điện Thái Hòa, do ngôi điện này đang được hạ giải để tu bổ.

Dự kiến đầu năm 2023, "bản sao" của ngai vàng trong điện Thái Hòa sẽ hoàn tất và trưng bày ở lầu Ngũ Phụng bên trên Ngọ Môn để phục vụ du khách thưởng lãm.

Làm bản sao ngai vàng để phục vụ khách tham quan Hoàng cung Huế - 1

Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế sẽ cho "phục dựng" ngai vàng tương tự như ngai vàng bên trong điện Thái Hòa (ảnh) để trưng bày phục vụ khách tham quan trong thời gian ngôi điện này được hạ giải để tu bổ. (Ảnh: An Thường)

Trước đó, do phục vụ cho quá trình hạ giải, tu sửa điện Thái Hòa nên ngai vàng được di chuyển đến nơi an toàn để bảo quản.

Ngai vàng là biểu tượng quyền lực của triều đại, được truyền qua 13 vua triều Nguyễn. Ngai vàng được đặt trong ngôi điện Thái Hòa - ngôi điện quan trọng nhất nằm trong khu vực Đại nội Huế, là nơi đăng quang của 13 vị vua triều Nguyễn.

Ngai vàng cao 101cm, rộng 72cm, dài 87cm. Phía trên ngai vàng có bửu tán bằng gỗ thếp vàng và trang trí pháp lam lộng lẫy. Bên dưới là bệ ngai vàng với ba tầng bệ bằng gỗ sơn son thép vàng. Tất cả đều được làm bằng gỗ với nhiều hình con rồng mang ý nghĩa cầu phúc, cầu thọ, cầu may mắn.

Năm 2015, ngai vàng triều Nguyễn được công nhận là Bảo vật quốc gia Việt Nam.

Liên quan đến việc một số đoàn khách Thái Lan không vào thăm Đại nội Huế mà chỉ chụp ảnh ở bên ngoài Ngọ Môn với lý do không chiêm ngưỡng được ngai vàng như đã nói trên, đại diện Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho rằng, đó là chỉ một lượng khách nhỏ.

Theo tìm hiểu của đơn vị này, lý do khách không mua vé vào bên trong Đại nội Huế có thể do kinh tế khó khăn, chi phí du lịch của họ bỏ ra so với trước dịch Covid-19 eo hẹp hơn, dẫn đến các hãng lữ hành khi đưa khách đến miền Trung phải bỏ bớt một vài điểm tham quan để giảm chi phí.