Lạc lối trong thành phố đầy ký ức về những chiến binh Samurai

(Dân trí) - Nằm bên bờ biển của Nhật Bản, vườn quốc gia Hakusan và vườn quốc gia bán đảo Noto, thành phố Kanazawa - một phần của tỉnh Ishikawa - được coi là một trong những nơi phổ biến nhất để tìm hiểu về lịch sử các chiến binh Samurai.

Tên gọi "Kanazawa” nghĩa là "cánh đồng vàng”, được bắt nguồn từ truyền thuyết người nông dân Imohori Togoro trong lúc đào khoai tây đã tìm thấy một miếng vàng.

Kanazawa là một trong những thành phố hiếm hoi ở Nhật Bản từng là nơi sinh sống của toàn võ sĩ samurai. Tất nhiên, tầng lớp samurai đã bị bãi bỏ vào cuối thế kỷ 19 trong suốt quá trình hiện đại hóa đất nước. Do đó, nếu tới thành phố vào thời điểm này, bạn không thể nhìn thấy hình bóng bất kì một võ sĩ samurai nào nữa. Song phần lớn "thế giới cổ” của họ vẫn còn lưu lại nơi đây.

Quận Higashi Chaya
Quận Higashi Chaya.

Từ thủ đô Tokyo của Nhật Bản tới Kanazawa phải vượt qua quãng đường dài 473km trong 5 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, bắt đầu từ ngày 14.3.2015, tuyến tàu cao tốc mở rộng Hokuriku Shinkansen đến Kanazawa vừa hoàn thành đã giảm bớt thời gian đi một nửa, rút 5 tiếng đồng hồ xuống chỉ còn 2 tiếng 30 phút. Và tuyến tàu này dừng ở ga Kanazawa – thường được xếp hạng là một trong những ga tàu đẹp nhất thế giới.

Ga tàu Kanazawa

Ga tàu Kanazawa.

Phóng viên Jenna Scatena của hãng thông tấn BBC (Anh) đã có một chuyến đi đầy trải nghiệm, tìm hiểu ký ức về những huyền thoại chiến binh Samurai tại thành phố Nhật Bản này. ‘Tôi thường bị ám ảnh bởi hình ảnh các samurai – những chiến binh sẵn sàng rút kiếm tự lấy mạng sống của mình để bày tỏ sự trung kiên với người chủ của mình cũng như giết chết những ai bày tỏ sự không tôn trọng họ. Ít nhất là tôi ấn tượng như thế, sau khi xem các bộ phim “Samurai cuối cùng” và “13 kẻ ám sát”. Vì vậy, tôi muốn tìm hiểu thêm về những con người này", Jenna chia sẻ.

Ngay buổi sáng đầu tiên ở Kanazawa, tôi đã đến gặp Kiyoe Nagashima – con cháu thế hệ đời thứ 6 của các võ sĩ samurai sống tại quận Higashi Chaya, đồng thời là hướng dẫn viên của Tổ chức “Những cuộc du ngoạn Kanazawa”. “Kanazawa không phải là một nơi dành cho các công viên giải trí, mà là một nơi để sống”, Nagashima khẳng định với tôi. Quả thực, phần lớn thành phố này không thiếu những cửa hiệu bán đồ xa xỉ như Louis Vuitton nằm san sát nhau.

Thế nhưng, khi theo chân Nagashima tới các cửa tiệm uống trà, đền thờ và nhà cửa mà các chiến binh samurai từng lui tới, sinh sống trong quá khứ, tôi cảm tưởng mình như cô bé Alice lạc vào xứ sở thần tiên. Chúng tôi đi bộ dọc theo những lối đi nằm giữa các khu nhà tuyệt đẹp rồi rẽ lên một con phố nhỏ trồng đầy các cây bạch quả nở hoa vàng ruộm hai bên đường. Kế tiếp, chúng tôi cẩn thận men theo một lối đi trơn trượt và để đến cuối đường là mở ra thêm những con đường nhỏ hẹp và đầy gió khác. Những con phố ở Kanazara dường như được thiết kế để làm rối trí và đánh lạc hướng những người khách phương xa và nếu quả thế thật thì chúng đã thực sự hiệu quả.

Lên tới khu vực đỉnh đồi, chúng tôi đến quận Utatsuyama liền kề. Những chiến binh samurai từng sống tại các ngôi chùa Phật giáo nơi đây với tư cách như những người canh gác an ninh được gọi là boukan. Trần nhà của các ngôi chùa này được trang trí bởi những bức điêu khắc tỉ mỉ từ gỗ bạch quả và cây thích.

Nagashima cho tôi biết rằng các chiến binh samurai đến sống tại thành phố Kanazawa vào thời kỳ Edo (1603 – 1868) không hề hung bạo như những gì tôi tưởng tượng. Trong thời kỳ yên bình hưng thịnh, tầng lớp sự này cũng tập trung "học tập và lao động”. Khi đạt địa vị xã hội cao nhất vào thời đó, các samurai đã xây dựng các khu nhà ở và các khu vườn lộng lẫy sang trọng phía sau các bưc tường dày mà các công trình này vẫn lưu lại đến ngày nay. Song phần lớn các samurai ở Nhật Bản chưa bao giờ sống xa hoa, sang trọng mà họ chỉ sống một cách "thanh bình”.

Công trình kiến trúc lớn nhất ghi dấu ấn samurai ở Kanazawa hiện nay là Lâu đài trắng Kanazawa, nằm ở ngọn đồi có thể nhìn được toàn cảnh thành phố Kanazawa. Lâu đài này được xây dựng từ thế kỷ 16 bởi dòng họ Maeda – những người cai quản Kanazawa từ năm 1868. Dười thời kỳ cai quản của Maeda, lâu đài này là pháo đài của họ, được bao quanh bởi một bức tường đá và hệ thống hào xung quanh. Ngày nay, công trình này gần như vẫn còn được giữ nguyên vẹn. Bên trong lâu đài có khu vườn Kenroku-en trồng vô vàn cây mận, anh đào và gỗ thích. Đây được coi là một trong những khu vườn đẹp nhất tại Nhật Bản.

Lâu đài trắng Kanazawa.
Lâu đài trắng Kanazawa.

Chúng tôi lại đến quận Nagamachi – từng là nơi sinh sống của các samurai thượng lưu và trung lưu. Rất nhiều ngôi nhà của samurai đã bị phá đổ trong thời cải cách công nghiệp Nhật Bản. Thế nhưng, những con phố bằng đá cuội, bức tường bằng bùn ướt, con kênh yên bình và đôi ba ngôi nhà samurai được trùng tu lại để mở cửa cho công chúng tham quan cũng đủ để ta hồi tưởng được lại một thời samurai hưng thịnh.

Hoa anh đào nở tại khu vườn 

Hoa anh đào nở tại khu vườn Kenroku-en.

Tôi đến ngôi nhà Nomura nổi tiếng với hy vọng có thể nhìn thấy những thanh kiếm samurai sắc lạnh, những tấm áo giáp hoặc thậm chí còn mơ mộng sẽ có ký ức để hồi tượng lại những trận chiến huy hoàng của họ. Thế nhưng, bước chân vào ngôi nhà, tôi lại được chào đón bởi một hồ nước koi và một zen fusuma – những tấm giấy gạo được phết màu mà những nghệ sĩ được dòng hò Maeda nuôi dưỡng thời đó tạo nên.

Và tôi bỗng nhớ lại những lời nói của Nagashima: “Để bảo vệ Kanazawa, dòng họ Maeda đã khuyến khích các samurai tập trung vào sáng tác nghệ thuật và thủ công mỹ nghệ, thay vì chiến đấu. Cách sống này khiến họ không thể hiện sự đe dọa đối với quyền lực cao nhất và không bị xâm lăng. Kết quả, không hề có cuộc chiến nào xảy ra tại Kanazawa trong suốt 400 năm”.

Ngôi nhà samurai Nomura nổi tiếng

Ngôi nhà samurai Nomura nổi tiếng.

Và tôi nhận ra rằng sức mạnh lớn nhất của các samurai ở Kanazawa không nằm ở cây kiếm của họ mà nằm ở việc họ hướng tới nghệ thuật. Đó là một kỹ năng phòng vệ quân sự vô cùng tinh khôn.

Hà Anh
(Theo BBC)