Lạ mà quen với đặc sản chịn xồm xứ Nghệ

(Dân trí) - Vị chua chua, bùi bùi của đặc sản chịn xồm ở Con Cuông (Nghệ An) đã làm không ít thực khách phải mê mẩn. Tuy nhiên ít ai biết rằng, món ăn thơm ngon hấp dẫn ấy lại được làm từ thịt thú rừng sống lên men.

Chịn xồm (còn gọi là thịt chua) là món ăn truyền thống của đồng bào Thái ở Nghệ An. Đây là món ăn đặc trưng, điển hình cho sự kết hợp giữa thịt tươi, lá cây rừng và gia vị, tạo nên nét ẩm thực rất riêng, không lẫn với bất cứ nơi nào.

Thịt làm chua phải được chọn lọc kĩ càng.
Thịt làm chua phải được chọn lọc kĩ càng.

Trước kia, khi cuộc sống của người Thái chủ yếu phụ thuộc vào săn bắn thú rừng và lên nương làm rẫy, nguồn thịt nai, thịt hoẵng họ kiếm được rất dồi dào. Ăn một lần không hết, người dân mới nghĩ ra cách ướp thịt với muối rồi cho vào ống để bảo quản làm nguồn thức ăn dự trữ lâu dài. Chịn xồm ra đời như vậy và được các thế hệ sau lưu giữ cho đến ngày nay.

Để làm ra món chịn xồm “chuẩn” phong cách ẩm thực của người Thái phải mất rất nhiều công đoạn và cần đến sự tỉ mỉ từ những điều nhỏ nhất. Trước hết, người bản địa lên rừng chặt những thân nứa đem về làm ống đựng. Ống nứa không được quá già bởi dễ bị nứt, làm nước chảy ra khiến thịt bị hôi. Ống nứa non quá cũng không đạt chất lượng vì khi bịt lá vào ống, để lâu sẽ bị teo vào, tạo thành vết hở, thịt cũng sẽ bị hỏng.

Món ăn được lên men trong các ống nứa.
Món ăn được lên men trong các ống nứa.

Thịt chua muốn thơm ngon, đạt yêu cầu là cả một nghệ thuật. Xưa kia, món ăn được làm từ thịt thú rừng như nai, hoẵng… còn nay được làm từ thịt lợn, thịt bò. Đối với thịt lợn, phải chọn mông sấn, nạc vai, nạc thăn. Nếu lựa chọn thịt bò, đầu bếp phải lọc sạch mỡ và gân. Thịt sau khi pha được làm sạch, thái miếng nhỏ và đều thì đem lọc bỏ hết mỡ màng bạc nhạc...

Sau đó, đem nhúng thịt qua nước sôi chừng nửa phút cho săn tái mặt ngoài rồi ướp sơ qua với muối trắng ngon. Khoảng một tiếng sau, đợi cho muối ngấm đều rồi người ta lại lấy một ít cơm tẻ nguội trộn cùng.

Tùy điều kiện thời tiết mà thời gian ủ thịt sẽ dài hay ngắn. Thông thường, khoảng ba ngày sau khi ủ, người ta lại mở nút đổ thịt ra, đổ thính gạo đã chuẩn bị sẵn vào trộn cho thơm rồi buộc lại, để lên gác bếp như cũ, đợi tiếp ba hôm nữa mới mang ra ăn.

Thính cũng góp phần tạo nên hương vị riêng có cho món ăn. Thính phải làm từ các loại ngô, gạo, đậu xanh, đỗ tương rang vàng, xay nhỏ. Bí quyết tạo nên thành công cho món thịt chua chính là ở khâu rang thính. Thính phải chín kĩ, vàng ươm, thơm dậy mà không cháy. Thịt trộn thính bóp thật kĩ, càng kĩ càng lại càng dậy vị.

Sau quá trình lên men, thịt chín, có mùi chua và thơm ngon tự nhiên. Chịn xồm thường được dùng trong bữa cơm đãi khách quý. Khi ăn, chịn xồm được cuốn với các loại lá sung, ổi, đinh lăng, rau thơm và chấm cùng nước mắm nguyên chất, thêm vài lát ớt cay. Nhìn miếng thịt vẫn đỏ hồng nhưng thực ra đã chín bởi quá trình lên men.

Thực khách sẽ cảm nhận được hương vị độc đáo khó quên của món ăn.
Thực khách sẽ cảm nhận được hương vị độc đáo khó quên của món ăn.

Ngoài làm để phục vụ bữa ăn trong gia đình thì hiện nay, nhiều hộ đồng bào trên địa bàn huyện Con Cuông còn làm thịt chua để bán. 1 gói thịt chua được bán với giá khoảng 60.000 đồng. Tuy lãi không cao, nhưng đây cũng là một hình thức lưu giữ món ăn truyền thống của ông cha và giới thiệu văn hóa ẩm thực của mảnh đất Nghệ An đến với bè bạn phương xa.

Nếu có dịp đến thăm đồng bào Thái ở Nghệ An vào các dịp lễ Tết, hội hè, ngoài chịn xồm, bạn sẽ được chủ nhà thiết đãi những món ăn đặc trưng, đậm chất núi rừng khác như pà pinh, bánh sừng trâu, cơm lam, canh nhọoc, canh ột, pắc chụp, chẻo măng đắng, pá nạp…

Hoàng Ngọc

Tổng hợp