Hội An:

Kỷ niệm 400 năm đám cưới lịch sử của Công nữ Ngọc Hoa

(Dân trí) - Chiều 11/8, tại TP Hội An đã diễn ra lễ kỷ niệm 400 đám cưới của Công nữ Ngọc Hoa và thương nhân Nhật Bản Araki Sotaro, là khởi đầu của một chuyện tình đẹp, và thắt chặt hơn mối quan hệ bang giao giữa hai quốc gia Việt Nam - Nhật Bản.

Công nữ Ngọc Hoa được xem như là nàng dâu đầu tiên là người Việt lấy chồng Nhật. Thậm chí người Nhật còn khẳng định bà là người nước ngoài đầu tiên lấy chồng Nhật và định cư tại đây.

Đám cưới Công nữ Ngọc Hoa

Kỷ niệm 400 năm đám cưới lịch sử của Công nữ Ngọc Hoa và thương nhân Nhật Araki Sotaro

Đầu thế kỷ 17, trong số thương nhân nước ngoài đến buôn bán ở Hội An có một thương gia người Nhật tên Araki Sotaro. Ông vốn là một samurai (võ sĩ đạo) rồi sau chuyển qua nghề buôn. Lúc này Nhật Bản bắt đầu mở cửa cho phép thương buôn ra nước ngoài, ông dẫn đầu các thương gia Nhật đến Việt Nam buôn bán.

Đám cưới Công nữ Ngọc Hoa

Bà được xem là nàng dâu ngoại quốc đầu tiên của Nhật Bản, thế kỷ 17. Đã có nhiều đóng góp cho mối quan hệ giao thương, buôn bán giữa hai nước

Ông được chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên tin cậy, cho đặt họ theo chúa, tên tiếng Việt là Nguyễn Thái Lang. Rồi tại Huế, năm 1619, ông gặp Công nữ Ngọc Hoa, một người con gái đẹp, là con gái nuôi của chúa Sãi. Tình cảm hai bên mặn nồng, Araki được chúa Sãi gả con gái cho.

Đám cưới Công nữ Ngọc Hoa

Câu chuyện tình yêu của ông bà đã trở thành truyền kỳ nổi tiếng tại Nagasaki, là một phần cảm hứng để người Nhật xây dựng lễ hội Kunchi

Năm 1620, ông đưa vợ về Nhật. Tại quê nhà Nagasaki, bà được mọi người chào đón vì vẻ xinh đẹp kiều diễm, tính tình hiền hòa dễ thương.

Đám cưới Công nữ Ngọc Hoa

Lần giao lưu thứ 17 năm 2019, TP Hội An đã tái hiện đám rước Công nữ Ngọc Hoa lên thuyền về nhà chồng Nagasaki và cảnh lênh đênh trên biển Đông

Tên của bà được đặt theo tiếng Nhật là Wukaku (Vương Gia Cửu) nhưng do bà thường gọi chồng bằng tiếng Việt “anh ơi, anh ơi” nên người Nhật đã gọi bà bằng tên thân mật là Anio-san, từ “Anio” phát âm giống như câu nói cửa miệng của bà khi gọi chồng. Sau này các cô gái xinh đẹp, dễ thương cũng đều được gọi là Anio-san.

Đám cưới Công nữ Ngọc Hoa

Cảnh Công nữ Ngọc Hoa ngắm nhìn quê hương Đàng Trong lần cuối trước khi về quê chồng

Khi về nước, ông Araki đã gây dựng nên một trung tâm thương mại tại Motoshikhui - Machi ở Nagasaki. Công nữ Ngọc Hoa cũng tham gia giúp chồng quản lý công việc.

Đám cưới Công nữ Ngọc Hoa

Đám cưới mở ra mối quan hệ thông thương, hữu nghị càng thêm bền chặt giữa Nhật Bản và An Nam xưa. Công nữ Ngọc Hoa rất được người dân Nhật Bản yêu mến, kính trọng

15 năm sau, ông Araki mất, Ngọc Hoa vẫn tiếp tục làm công việc sổ sách kế toán ở cơ sở kinh doanh của chồng. Bà cũng đã làm hết sức để hỗ trợ cho các thương nhân tại vùng Nagasaki, chủ yếu ở việc thúc đẩy mối quan hệ buôn bán với triều đình nhà Nguyễn.

Đám cưới Công nữ Ngọc Hoa

Trong đoàn rước dâu còn có thuyền của nhà gái với trang phục truyền thống Việt Nam đưa tiễn Công nữ Ngọc Hoa

Vai trò của công nữ Ngọc Hoa quan trọng đến mức sau thời điểm 1645, khi bà mất, việc giao thương buôn bán giữa hai quốc gia đã bị gián đoạn suốt một thời gian rất dài mới được nối lại.

Chuyện tình của Công nữ Ngọc Hoa và thương nhân Araki Satora là một truyền kỳ nổi tiếng tại Nagasaki (Nhật Bản).

Đám rước Công nữ Ngọc Hoa về nhà chồng

Hằng năm, ở Nagasaki có nhiều lễ hội tôn vinh sự giao thương của người Nhật với nước ngoài, lễ hội Kunchi diễn ra từ ngày 7-9/10 hằng năm có phục dựng lại mối tình đẹp của Araki Sotaro với Ngọc Hoa.

Tại lễ hội người ta tạo hình một chiếc thuyền buôn với bé trai đóng vai Araki và bé gái đóng vai Ngọc Hoa, bé trai mặc trang phục truyền thống Yukata, còn bé gái mặc áo dài Việt Nam, con thuyền vượt trùng khơi rồi trở về với một cặp uyên ương. 

Là một người vợ xinh đẹp, thủy chung, có đủ “công, dung, ngôn, hạnh”, lại thường xuyên đứng ra giúp đỡ cho dân bản địa trong việc buôn bán với Việt Nam nên Ngọc Hoa được người dân Nhật yêu quý và ngưỡng mộ.

Hiện Bảo tàng Nagasaki còn lưu giữ chiếc gương bà vẫn thường sử dụng. Có người cho rằng người dân Nagasaki ảnh hưởng văn hóa Việt Nam do chính Ngọc Hoa đã truyền lại cho họ, ví dụ như người dân ở đây thường ăn trên bàn tròn trải vải đỏ, trong khi truyền thống Nhật ăn trên bàn chữ nhật màu nâu.

Người Nhật thường ăn uống theo khẩu phần riêng mỗi bữa ăn, mỗi người một khay nhỏ với nhiều đĩa thức ăn nhỏ, trong khi dân ở đây thường bày thức ăn trong đĩa lớn để mọi người cùng gắp ăn chung như người Việt.

C.Bính-N.Linh