Kỳ lạ loài cây biết "chảy máu"

(Dân trí) - Một loài cây có xuất xứ từ Nam Phi được gọi là "cây đổ máu" bởi trong thân của loại cây này chứa một loại sáp màu đỏ tươi như máu.

Kỳ lạ loài cây tự chảy máu


Pterocarpus angolensis là một loại cây thân gỗ có nguồn gốc ở Nam Phi. Chúng được biết đến với các tên gọi khác như Kiaat, Mukwa hay Muninga.
 
Cây Pterocarpus angolensis khi trưởng thành có chiều khoảng cao từ 12-18 m. Thân cây có vỏ màu nâu sần sùi, hoa màu vàng, tán cây hình chiếc dù tỏa ra rất đẹp.  

Khi cắt ngang một thân cây hoặc cành cây, tại vị trí cắt ứa ra loại chất lỏng màu đỏ hơi sánh, sau khi khô chất lỏng chuyển sang màu thẫm, đó chính là chất nhựa giúp cây có thể gắn liền các vết thương trên thân và vỏ.

Kỳ lạ loài cây tự chảy máu


Chất lỏng màu đỏ chảy ra từ thân cây được người dân tại một số khu vực ở Nam Phi sử dụng làm thuốc nhuộm, ngoài ra chúng còn được trộn lẫn cùng với mỡ động vật làm hỗn hợp đắp lên mặt hoặc toàn thân để làm đẹp da.

Nhựa cây được cho là có tác dụng kỳ diệu trong việc điều trị một số vấn đề liên quan đến máu. Ngoài ra cây Pterocarpus angolensis còn được dùng để làm thuốc điều trị nhiều chứng bệnh như bệnh ecpet mảng tròn (ringworm), các vết thương, bệnh về mắt, sốt rét, dạ dày và đặc biệt là tăng lượng sữa ở các sản phụ.  

Gỗ của cây


Gỗ của cây Pterocarpus angolensis được dùng để làm các vật dụng có giá trị và chất lượng cao, do đặc trưng gỗ mềm nên chúng rất dễ chạm khắc, dễ vít đinh cũng như đánh bóng. Ngoài ra chất lượng cùng với độ bền cao cộng thêm độ co rút của gỗ thấp nên chúng rất phù hợp để đóng thuyền, ca-nô hay lát sàn nhà tắm…

Gỗ của cây


Đối với những người thổ dân ở miền Trung và Nam Phi loại gỗ cây này có giá trị rất lớn trong đời sống của họ, do đó những cây Pterocarpus angolensis thường bị khai thác một cách quá mức, trong vài thập niên trở lại đây số lượng cây Pterocarpus angolensis đã giảm đi rất nhiều.  

Đình Huế
Theo A.P