Kinh phí xúc tiến hạn hẹp, nhiều doanh nghiệp đề xuất thu phí khách du lịch

(Dân trí) - Hàng năm kinh phí dành cho hoạt động xúc tiến du lịch của Việt Nam trung bình là 2 triệu USD, đây là một con số rất thấp chỉ bằng 2,9% của Thái Lan, 2,5% của Singapore và 1,9% của Malaysia…

Thông tin này được ông Phạm Mạnh Cương - Hiệp hội Lữ hành Việt Nam đưa ra trong tọa đàm “Luật Du lịch, động lực thúc đẩy Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, tổ chức ngày 9/6 tại Hà Nội.

Ông Cương phân tích, quảng bá, xúc tiến là một trong những hoạt động rất quan trọng của nghành du lịch. Tuy nhiên, ngân sách dành cho việc xúc tiến du lịch của Việt Nam hiện nay rất thấp và kém xa so với các nước trong khu vực. Để tái đầu tư, tạo nguồn lực cho du lịch, nhiều nước đã áp dụng mức thu phí/ thuế đối với khách du lịch.

Tại buổi tọa đàm, nhiều doanh nghiệp cho rằng đối với các nguồn hình thành Quỹ có thể bổ sung thêm “nguồn thu từ khách du lịch”.
Tại buổi tọa đàm, nhiều doanh nghiệp cho rằng đối với các nguồn hình thành Quỹ có thể bổ sung thêm “nguồn thu từ khách du lịch”.

Ví dụ, tại Hoa Kỳ theo đạo luật Xúc tiến Du lịch năm 2009 thì công dân đến từ 36 quốc gia nằm trong diện miễn thị thực của Hoa Kỳ sẽ phải nộp lệ phí xét duyệt miễn thị thực là 14USD khi đăng ký thông qua hệ thống điện tử cấp phép du lịch (ESTA) (trong đó sẽ trích ra 10USD để dành cho hoạt động xúc tiến du lịch của Hoa Kỳ). Hay tại Malaysia, từ 1/8/2017, nước này sẽ tiến hành thu thuế du lịch đối với các du khách trong nước và quốc tế. Thuế du lịch sẽ căn cứ vào thời gian địa điểm du khách nghỉ qua đêm. Nguồn thu này sẽ được sử dụng để phát triển du lịch Malaysia.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam phát biểu trong tọa đàm.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam phát biểu trong tọa đàm.

Từ dẫn chứng này, ông Cương đề xuất, đối với các nguồn hình thành Quỹ trong Dự thảo Luật du lịch sửa đổi, có thể bổ sung thêm “nguồn thu từ khách du lịch”, giống như các nước trên thế giới đang làm.

Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cho rằng, du lịch Việt Nam thời gian qua có những bước tăng trưởng mạnh mẽ. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2017 đạt hơn 5 triệu lượt khách, tăng 29.6% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là con số đáng mơ ước của nhiều nước, nhưng du lịch Việt Nam vẫn có thể đạt được mức tăng trưởng cao hơn nữa nếu chúng ta có nguồn lực đủ mạnh.

“Việc áp dụng visa điện tử thời gian qua cũng được thực hiện rất tốt nhưng mới chỉ thu hút được 2.000 lượt, mục tiêu của chúng ta lên tới 13 triệu khách. Vì thế cần phải có điểm nhấn để tạo nên sức bật, việc đưa Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch vào hoạt động là điều cần thiết giúp du lịch phát triển bền vững”, ông Bình nói.

Liên quan đến việc xếp hạng cơ sở lưu trú, hiện nay, bản dự thảo của Luật Du lịch trình Quốc hội bỏ phiếu đang đề xuất 2 phương án: để doanh nghiệp tình nguyện đăng ký xếp hạng hay bắt buộc phải đăng ký xếp hạng sau 6 tháng bắt đầu hoạt động?

Trước phương án này, đa số các ý kiến cho rằng, không nên bắt buộc đăng ký xếp hạng sao mà nên để các doanh nghiệp tự nguyện. Điều này không chỉ phù hợp với xu hướng chung của thế giới mà còn giúp khách du lịch có quyền tự lựa chọn, đánh giá.

Ông Đinh Mạnh Thắng (Chủ tịch hiệp hội du lịch Thừa Thiên Huế) dẫn chứng, ở các nước phát triển trên thế giới họ đã bỏ quy định xếp hạng khách sạn. Ngay như ở Thụy Sỹ, cái nôi của ngành đào tạo khách sạn vẫn có những khách sạn “0 sao” nhưng luôn đạt công suất hoạt động phòng rất tốt. “Chúng ta nên để thị trường quyết định, không nên áp đặt. Điều quan trọng là doanh nghiệp làm thế nào để đảm bảo tiêu chí phục vụ khách chứ không phải là việc xếp hạng sao”, ông Thắng nhấn mạnh.

Các đại biểu chia sẻ trong tọa đàm
Các đại biểu chia sẻ trong tọa đàm

Việc đăng ký xếp hạng tự nguyện không chỉ thể hiện quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo hoạt động kinh doanh được vận hành theo quy luật thị trường mà còn giảm thủ tục hành chính. Tuy nhiên, để tránh tình trạng doanh nghiệp tự mạo nhận xếp hạng và tự quảng cáo sai với thứ hạng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của khách du lịch thì cần phải có cơ chế xử lý, quy định cụ thể.

“Nhiều cơ sở đăng ký là 3 sao hay 5 sao nhưng chất lượng thì không được như thế, điều này dễ tạo ra sự bức xúc, ấn tượng không tốt đối với du khách. Chính vì thế Luật phải có cơ chế xử lý những doanh nghiệp quảng cáo không đúng với chất lượng”, đại diện một doanh nghiệp nêu vấn đề.

Theo đánh giá của các đại biểu, doanh nghiệp, nhìn chung Dự thảo Luật lần này có nội dung ngắn gọn, rõ ràng lộ trình và có tính khả thi cao. Trong đó, vẫn giữ được các nội dung cơ bản của Luật Du lịch 2005, đồng thời cập nhật, bổ sung một số nội dung mới, phù hợp với điều kiện đất nước hiện nay. Luật Du lịch sẽ được Quốc hội bấm nút thông qua vào ngày 19-6 tới đây. Nhiều người kỳ vọng, khi được triển khai trong thực tế Luật sẽ góp phần thúc đẩy du lịch phát triển nhanh, thực sự trở thành nghành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Hà Trang