Kiến nghị ưu đãi thuế cho doanh nghiệp du lịch

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Sau những ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành du lịch nói chung và hoạt động của các cơ sở lưu trú nói riêng, chịu nhiều tổn thất nặng nề.

Tăng về lượng, thiếu về chất

Kiến nghị ưu đãi thuế cho doanh nghiệp du lịch - 1

Ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề sau đại dịch Covid-19 (Ảnh: Nguyễn Vy).

Tại Hội thảo "Kinh doanh khách sạn tại Việt Nam - thực trạng và giải pháp" sáng ngày 7/`12 tại TPHCM, bà Đỗ Hồng Xoan (Chủ tịch Liên chi hội Khách sạn Việt Nam) cho biết, sau những ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách du lịch nội địa tăng nhanh, đặc biệt vào các tháng hè.

Tuy nhiên, các cơ sở lưu trú du lịch còn phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn. Mặc dù đạt tốc độ tăng trưởng nhanh, nhưng mới chỉ chú trọng tăng trưởng về lượng, chưa chú trọng đến chất lượng tăng trưởng.

Cụ thể, đến nay vẫn còn khoảng 30-40% cơ sở lưu trú du lịch (CSLTDL) chưa mở cửa hoặc dịch vụ tại nhiều đơn vị vẫn chưa hoạt động trở lại. Ngoài ra, cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhiều CSLTDL (đặc biệt là các cơ sở từ 2 sao trở xuống) bị xuống cấp nghiêm trọng. Nguyên nhân là do không có điều kiện để đầu tư, duy tu bảo dưỡng.

Đáng chú ý, kể cả khi được hoạt động trở lại, từ tháng 3/2022, nhiều lao động đã nghỉ việc trong năm 2020 và 2021 không quay trở lại làm việc. Điều này dẫn tới thực trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng.

Cụ thể, đối với CSLTDL hạng 1, 2 sao bình quân đạt 0,3 lao động/1 phòng, có nghĩa là 1 nhân sự phải phục vụ từ 3-4 phòng. Hạng 3 sao bình quân đạt 0,5 lao động/phòng; hạng 4 bình quân đạt 0,8 lao động/phòng; hạng 5 sao bình quân đạt 1 lao động/phòng.

Nhìn chung, các CSLTDL chủ yếu còn thiếu nhân lực ở các vị trí giám sát, quản lý cấp trung và cấp cao. Không dừng lại ở đó, chất lượng lao động cũng giảm sút do các đơn vị phải liên tục tuyển dụng người mới. Tỷ lệ nhân lực được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. 

Chủ tịch Liên chi hội đánh giá, sau dịch Covid-19, nhiều lao động giỏi, làm việc lâu năm bị giảm thu nhập hoặc mất việc. Người có khả năng điều hành, quản lý cũng đã chuyển sang lĩnh vực khác, không còn mặn mà với các CSLTDL nữa. 

"Thách thức của chúng tôi chính là tuyển lao động có kinh nghiệm, chuyên môn tốt. Hầu hết phải tuyển gấp nhân sự tại địa phương chưa qua đào tạo, sau đó vừa đào tạo vừa phục vụ khách nên còn nhiều lúng túng. Một số nơi sử dụng sinh viên bán thời gian nhưng bị hạn chế thời gian đi làm", bà Xoan nói.

Hơn hết, thực trạng này dẫn tới những rào cản về kinh nghiệm, trình độ và nhận thức của chủ đầu tư. Thực tế, có những người thành công ở lĩnh vực khác chuyển sang đầu tư khách sạn. Họ can thiệp sâu vào công tác điều hành trong khi thiếu kiến thức quản lý, chưa có định hướng phù hợp.

Theo bà Lưu Hương Hoài - Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch, vẫn còn nhiều CSLTDL chưa thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật. Cá biệt có những nơi còn quảng cáo về hạng cơ sở lưu trú khi chưa xếp hạng, khiến khách hiểu nhầm và ảnh hưởng đến uy tín chung của ngành. Không những vậy, rào cản do tính thời vụ cũng ảnh hưởng lớn đến chất lượng, uy tín của nhiều đơn vị. 

"Nhiều nơi không dám tuyển đủ nhân lực vì sợ không đủ chi phí cho quỹ lương sau thời gian dài cạn kiệt nguồn vốn dự phòng. Những thời gian cao điểm như lễ hội, nghỉ hè, nghỉ tết... do cung thấp hơn cầu dễ gây đến tình trạng nâng giá, ép giá, cung ứng dịch vụ không đảm bảo chất lượng", bà Hương Hoài cho hay.

Cần có ưu đãi thuế cho doanh nghiệp vùng sâu, vùng xa

Kiến nghị ưu đãi thuế cho doanh nghiệp du lịch - 2

Kiến nghị ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp du lịch ở vùng sâu, vùng xa (Ảnh: Kỳ Sơn).

Để tạo ra "lối mở" cho các CSLTDL Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tuấn (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch) cho biết, cần phải thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp. 

"Nên tiếp tục có các chính sách ưu đãi về thuế, lãi suất tín dụng, giá điện, nước cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch. Đặc biệt là các doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư phát triển du lịch tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn nhưng có tài nguyên du lịch chưa được khai thác", ông Tuấn nói.

Bên cạnh đó, Viện trưởng cho rằng, CSLTDL Việt Nam phải được hưởng cơ chế ưu tiên nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, trong việc đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật. Đồng thời, ông Tuấn chia sẻ, cần ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch xanh, du lịch sinh thái, gắn với tự nhiên, nông nghiệp công nghệ cao,…

Đáng chú ý, Việt Nam nên rà soát, hoàn thiện chính sách về miễn thị thực, cấp thị thực điện tử, kéo dài thời gian lưu trú đối với khách được thị thực ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ. Ngoài ra, điều quan trọng là nghiên cứu chính sách cạnh tranh về phí và giảm phí thị thực hợp lý; đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh và đi lại cho khách du lịch quốc tế,…

"Để giải quyết vấn đề lao động, tôi nghĩ các CSLTDL nên có cơ chế đãi ngộ tốt và cơ chế thu hút nhân tài cho ngành du lịch. Chúng ta phải đảm bảo hài hòa giữa chính sách tinh giản biên chế với chính sách tuyển mộ nguồn nhân lực chất lượng cao cho các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch các cấp", ông Tuấn nói.

Hơn hết, Viện trưởng Viện nghiên cứu nhấn mạnh, ngành du lịch phải có cơ chế thích hợp thu hút các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư lớn trong nước; cộng đồng doanh nghiệp là người Việt Nam ở nước ngoài. Từ đó, du lịch nội địa có thể thu hút các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới, có công nghệ nguồn hiện đại, thân thiện với môi trường, có kinh nghiệm và trình độ quản lý tiên tiến trong lĩnh vực du lịch.

Đến hết tháng 10/2022, lượng khách du lịch nội địa đã đạt 91,8 triệu lượt (vượt lượng khách du lịch nội địa cả năm 2019 là 8%); lượng khách quốc tế đạt 2,35 triệu lượt (chỉ đạt 13% so với cả năm 2019). Ngoài ra, công suất phòng bình quân năm 2022 ước đạt 35%. Giá phòng bình quân năm 2022 giảm 30 - 40% so với năm 2019. Tổng thu đến hết tháng 10/2022 của cơ sở lưu trú du lịch toàn ngành ước đạt 425 nghìn tỷ đồng (đạt 60% so với tổng thu cả năm 2019).

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, mục tiêu năm 2025 sẽ phấn đấu đón ít nhất 18 triệu lượt khách quốc tế và 90 triệu lượt khách nội địa; duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 37%/năm và khách nội địa khoảng 6,3%/năm; phát triển du lịch góp phần tạo ra khoảng 3 - 4 triệu việc làm, trong đó có khoảng 1-1,5 triệu việc làm trực tiếp.