Không thể bàn mãi chuyện thương hiệu du lịch

Các chuyên gia du lịch cho rằng, nếu cứ bàn mãi mà không hành động thì đến 10 năm sau, Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu du lịch của riêng mình.

Thương hiệu du lịch cần sự nhất quán

 

Tổng cục Du lịch vừa tổ chức tiếp buổi tọa đàm bàn về giải pháp nâng cao hiệu quả truyền thông thương hiệu du lịch Việt Nam, nhằm tìm kiếm tiếng nói đồng thuận, từ đó lên kế hoạch hành động, tiếp thị và xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam đủ sức cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới.

 

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường: “Trong một thời gian dài, việc tuyên truyền, quảng bá du lịch Việt Nam mới dừng lại ở việc thông tin, đề cao hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam nói chung. Những hoạt động này không được tiến hành một cách có bài bản, chuyên nghiệp. Đã đến lúc việc tiếp thị du lịch phải có bước đột phá, chuyên nghiệp hơn, ở tầm cao hơn để xây dựng và vun đắp cho một thương hiệu du lịch Việt Nam có sức cạnh tranh rõ rệt trong khu vực và quốc tế”.

 

Đã đến lúc việc tiếp thị du lịch phải có bước đột phá để xây dựng và vun đắp cho một thương hiệu du lịch Việt Nam có sức cạnh tranh rõ rệt trong khu vực và quốc tế

 

“Hiện nay chúng ta đã có thương hiệu du lịch hay chưa? Nếu nói một cách khách quan thì du lịch của chúng ta vừa có vừa chưa có thương hiệu. Có là thương hiệu của từng vùng miền, từng địa phương và của từng đơn vị. Còn chưa có thương hiệu du lịch tổng thể, mang tính xuyên suốt, thống nhất”- ông Cường nhận định.

 

Không thể bàn mãi chuyện thương hiệu du lịch
Đã đến lúc việc tiếp thị du lịch phải có bước đột phá để xây dựng và vun đắp cho một thương hiệu du lịch Việt Nam có sức cạnh tranh rõ rệt trong khu vực và quốc tế



Trong khi đó, ông Lê Vũ Nam, Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch (Tổng cục Du lịch) cho biết, thương hiệu du lịch là một trong 6 yếu tố quan trọng tạo dựng nên thương hiệu quốc gia. Theo kế hoạch xây dựng và truyền thông thương hiệu du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch (TCDL) xác định có 3 yếu tố cấu thành nên thương hiệu du lịch Việt Nam, bao gồm: Thương hiệu du lịch vùng, địa phương (7 vùng); Thương hiệu sản phẩm, dịch vụ du lịch (7 loại sản phẩm chính) và Thương hiệu doanh nghiệp. Do vậy, Tổng cục Du lịch đã lên kế hoạch cho các hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch như: Xây dựng và phát triển logo, slogan mới cho du lịch Việt Nam, phát triển và quảng bá thương hiệu 4 dòng sản phẩm du lịch (Du lịch Biển; Du lịch văn hóa; Du lịch sinh thái; Du lịch thành phố); xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch vùng, địa phương; Hỗ trợ và khuyến khích phát triển thương hiệu Doanh nghiệp du lịch.

 

Theo ông Vũ Quốc Trí, Giám đốc Dự án Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (Dự án EU), trong thời gian qua, Dự án EU đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ công tác marketing của TCDL, trong đó có định vị và xây dựng thương hiệu Du lịch Việt Nam. Ông Trí cho rằng, theo quan điểm quốc tế, khi đã nói đến thương hiệu du lịch nghĩa là hướng đến mục tiêu khách quốc tế, chứ không phải khách nội địa. Do vậy, phải xác định một cách khách quan xem khách quốc tế thích gì, cần gì để xây dựng thương hiệu cho phù hợp. “Trong marketing du lịch, trong đó có vấn đề thương hiệu du lịch, điều quan trọng là cần có sự thống nhất và nhất quán. Hiện nay mỗi nơi, mỗi địa phương đều có logo riêng, chiến lược marketing riêng… khiến cho du khách quốc tế khó định hình về du lịch Việt Nam. Đây là vai trò của Tổng cục Du lịch, làm sao để có một thương hiệu du lịch nhất quán để giới thiệu với khách quốc tế”.

 

Cũng theo ông Trí, hiện nay Dự án EU đang xây dựng Đề xuất Chiến lược Marketing và Thương hiệu cho Du lịch Việt Nam, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ làm thế nào để truyền thông và nhận diện tiêu đề “Timeless Charm” và biểu tượng hoa sen cách điệu đã được Bộ trưởng Bộ VHTTDL công nhận từ năm 2012.

 

“Chúng ta phê phán thì dễ nhưng làm thì khó. Làm thì mất nhiều thời gian, nhiều năm, nhưng nói chỉ cần một từ “không thích” là xong. Vậy ai sẽ làm cái thích cho chúng ta? Do vậy cần có sự đồng thuận, cần cái tương đối để xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch, nếu cứ bàn mãi thì đến 10 năm nữa chúng ta vẫn không có gì cả.”, ông Trí thẳng thắn.

 

Ông Trí cũng cho rằng, thách thức lớn nhất của việc truyền thông thương hiệu du lịch là vấn đề ngôn ngữ, có nên đưa thêm tiếng Việt vào bên cạnh tiếng Anh hay không? “Chúng ta cố tình đưa tiếng Việt vào thì sẽ có rất nhiều bất cập. Nếu chỉ dùng tiếng Anh thôi sẽ thuận tiện hơn nhiều, ví dụ như Thailand-Amazing”.

 

Đồng tình với ý kiến này, chị Thủy – Giảng viên Khoa Du lịch - trường ĐH KHXH và NV cho rằng, slogan chỉ nên có một câu và không nên dịch sang tiếng Việthoặc sử dụng hai slogan khác nhau dành cho hai thị trường inbound và nội địa.

 

Tiếp thị thương hiệu du lịch Việt Nam như thế nào?

 

Về việc làm thế nào để xúc tiến, quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam có hiệu quả, ông Nguyễn Bình Quyền, Giám đốc phát triển của Công ty du lịch Bến Thành góp ý, nên tìm kiếm cơ hội quảng bá bằng mọi hình thức, miễn sao thu hút khách vào Việt Nam và tiêu tiền ở Việt Nam. Trong đó, việc liên kết, hợp tác với các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài để quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam là điều cần được chú trọng. Bên cạnh đó, ông Quyền cũng cho rằng nên mời các kênh du lịch quốc tế về ViệtNam quay clip quảng bá hình ảnh Việt Nam đến bạn bè quốc tế.Ngoài ra, cần thu hút ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp trong xúc tiến thương hiệu và xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu của khách hàng. “Hiện nay, chúng ta mới chỉ quan tâm quảng bá những cái chúng ta có mà không để ý đến cái gì mới thực sự là cái du khách cần”- ông Quyền thẳng thắn bày tỏ.

 

Bàn về vấn đề này, bà Mary McKeon, Trưởng nhóm chuyên gia của Dự án EU cho rằng, slogan “Timeless Charm” rất phù hợp với du lịch Việt Nam và cần huy động tất cả các nguồn lực để phát triển slogan này tại các thị trường nước ngoài. Bà Mary cũng cho rằng, cần xây dựng bộ hướng dẫn về truyền thông thương hiệu Du lịch Việt Nam và tổ chức các hội thảo hướng dẫn cho các địa phương, đặc biệt là các Trung tâm Thông tin & Xúc tiến du lịch, qua đó đảm bảo sự nhất quán trong truyền thông thương hiệu.

 

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đánh giá cao định hướng xây dựng 4 dòng sản phẩm của Tổng cục Du lịch theo đề xuất của Dự án EU. Ông Thọ cho rằng, trong thời gian tới, ngành du lịch cần quyết liệt triển khai các chương trình đẩy mạnh xúc tiến thương hiệu du lịch Việt Nam, bảo đảm sự thống nhất hành động của các bên liên quan tham gia vào quá trình này.

 

Đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại tọa đàm, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Mạnh Cường khẳng định, những góp ý của các đại biểu sẽ giúp cho ngành du lịch tìm được những yếu tố cốt lõi nhất cho thương hiệu du lịch, từ đó có những bước đi bài bản, chuyên nghiệp trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam.

 

Theo Lâm Minh

Tổ quốc