Du lịch sinh thái Hội An:

Không nên vì lợi nhuận trước mắt mà hủy cả hệ sinh thái

(Dân trí) - Rừng dừa Bảy Mẫu (ở xã Cẩm Thanh, Hội An, Quảng Nam) ở cửa sông Thu Bồn, nằm trong vùng đệm dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, là một “báu vật” của mảnh đất di sản Hội An. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch theo kiểu “nóng” tại đây cùng với việc quản lý chưa đồng bộ đã dẫn đến thực trạng xâm hại rừng dừa, ô nhiễm môi trường…

Cẩm Thanh đang phát triển du lịch theo kiểu “nóng”

Ngày 25/5, UBND TP Hội An tổ chức buổi tọa đàm “Du lịch sinh thái Cẩm Thanh - Hiện trạng và giải pháp” là một dịp để các bên liên quan cùng ngồi lại, nhìn nhận về những vấn đề mà du lịch sinh thái Cẩm Thanh đang gặp phải để cùng nhau đưa ra những giải pháp căn cơ, phù hợp và thiết thực nhất… với sự tham gia của “4 nhà”. Đó là nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học và chủ thể trực tiếp là cộng đồng dân cư sinh sống tại địa bàn.

Buổi tọa đàm “Du lịch sinh thái Cẩm Thanh - Thực trạng và giải pháp” được tổ chức ngày 25/5 tại Hội An
Buổi tọa đàm “Du lịch sinh thái Cẩm Thanh - Thực trạng và giải pháp” được tổ chức ngày 25/5 tại Hội An

Những năm gần đây, lượng du khách đến Cẩm Thanh ngày càng tang, nhất là với nhóm thị trường mới nổi như Hàn Quốc, Trung Quốc. Trong 6 tháng đầu năm 2018, Cẩm Thanh đã đón 300.000 lượt khách, bình quân 1.700 lượt khách/ngày, với doanh thu bán vé tham quan gần 9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, con số tăng trưởng ấn tượng đó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các loại hình dịch vụ phát triển theo hướng đại trà, không có tính liên kết. Sự gia tăng du khách kéo theo nhu cầu sử dụng thực phẩm, tăng phát thải, xâm hại rừng dừa, gây tiếng ồn, xáo trộn môi trường và vòng đời tự nhiên của các loài hoang dã. Thêm vào đó, việc “bê-tông” hóa, đô thị hóa… đang ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái, kể cả làm thay đổi nét văn hóa truyền thống của cư dân nơi đây.

Nhiều ý kiến đóng góp về phát triển bền vững du lịch sinh thái ở Cẩm Thanh
Nhiều ý kiến đóng góp về phát triển bền vững du lịch sinh thái ở Cẩm Thanh

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch TP Hội An cho biết, hiện nay việc khai thác du lịch tại Cẩm Thanh đang diễn ra hết sức bát nháo, việc quản lý còn lỏng lẻo không hiệu quả. Tình trạng mở loa phát nhạc, nhảy múa, bẻ hái lá dừa vô tội vạ… chưa được chấn chỉnh triệt để.

“Cẩm Thanh là vùng đệm quan trọng của Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm. Tình trạng xâm hại hiện nay đang rất nghiêm trọng, cần sự chung tay từ nhiều phía để duy trì hệ sinh thái rừng dừa khỏe mạnh, bền vững. Phát triển cần đi đôi với bảo tồn, đã đến lúc chúng ta hành động mạnh mẽ, có những giải pháp căn cơ triệt để nhằm bảo vệ đa dạng hệ sinh thái quý giá này” - ông Hùng nói thêm.

Tạo thị trường để bán sản phẩm, không nên chạy theo thị hiếu khách hàng

Trong buổi tọa đàm, 4 bên liên quan đã cùng nhau thảo luận để đưa ra những ý kiến, biện pháp thỏa đáng. Rất nhiều ý kiến được đưa ra xem xét, thảo luận và cần bàn bạc thống nhất hơn trong thời gian tới.

Ông Phan Xuân Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam - nêu ý kiến: “Các doanh nghiệp thường chạy theo thị hiếu khách hàng, nhưng theo tôi làm du lịch sinh thái thì cần tạo thị trường để bán sản phẩm như vậy mới bền vững. Tức là doanh nghiệp, người dân làm chủ sản phẩm chứ không chạy theo thị hiếu như hiện nay rất bát nháo, gây phản cảm ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái rừng dừa.

Tình trạng du lịch bát nháo, mở loa gây ồn ào… ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái rừng dừa
Tình trạng du lịch bát nháo, mở loa gây ồn ào… ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái rừng dừa

Thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc chỉ là những thị trường mới nổi gần đây, còn nguồn khách bền vững của chúng ta là thị trường Châu Âu. Nhưng chúng ta lại làm du lịch theo kiểu “nóng”, đưa ra nhiều chiêu hút khách mà không quan tâm đến sức khỏe hệ sinh thái. Rồi sau này lượng khách này đi, thì chúng ta làm du lịch như thế nào”.

Còn theo bà Nguyễn Thị Vân – Trưởng Phòng Kinh tế Hội An - chia sẻ, Cẩm Thanh phát triển, tồn tại dựa trên du lịch sinh thái là chính, ở đây có rất nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch nhưng cũng cần có khung quản lý chặt chẽ, sát sao. Và doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển du lịch tại đây chứ không phải du khách.

Du khách đến là tiêu tiền, nhưng tiêu như thế nào và cho những việc gì thì doanh nghiệp có vai trò cầu nối rất lớn, kết nối người dân - du khách. Bên chính quyền cần có biện pháp sát sao trong việc kiểm soát, bắt tay hợp tác với doanh nghiệp để định hướng du lịch đi theo đúng tiêu chí du lịch sinh thái đề ra.

“Theo tôi, Cẩm Thanh ngoài việc khai thác chèo thuyền thúng, ăn uống,vui chơi… thì du lịch về văn hóa rất lớn nhưng chưa khai thác triệt để. Ví như làng nghề đan, lợp lá dừa tại đây đã được công nhận nhưng luôn rơi vào bế tắc do thiếu lao động… Rồi cả những câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn xoay quanh rừng dừa cũng cần được đưa vào sử dụng chứ không phải khai thác vô tội vạ, ảnh hưởng nghiêm trọng hệ sinh thái như hiện nay”- bà Vân nêu thêm.

Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch TP Hội AN - cho biết: “Địa phương sẽ có những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nếu doanh nghiệp đó làm theo đúng cam kết, phát triển gắn với bảo tồn. Hiện chúng tôi đang đưa ra nghiên cứu, thử nghiệm gắn nhãn mác bảo vệ sản phẩm cho doanh nghiệp nếu đáp ứng đúng tiêu chí đề ra”.

Bên cạnh đó, theo ông Hùng, trong thời gian tới cố gắng đào tạo một đội ngũ các hướng dẫn viên là người dân địa phương, những người am hiểu văn hóa tại đây về cách làm du lịch sinh thái đúng đắn; đào tạo họ hiểu hơn về tầm quan trọng trong bảo vệ hệ sinh thái rừng dừa để cùng nhau bảo vệ rừng dừa… Các bên có liên quan cần phối hợp chặt chẽ để bảo vệ hệ sinh thái vùng đệm quý giá này.

N.Linh