Không khí Tết Trung thu rộn rã khắp nẻo phố phường Hà Nội

(Dân trí) - Phải vài ngày nữa mới đến Tết Trung Thu nhưng ngay từ bây giờ, khắp nơi phố phường Hà thành đã rộn lên cờ, sao chào đón ngày “phá cỗ trông trăng”.

Tết Trung thu giờ đây đã trở thành ngày hội với mọi gia đình, nhất là trẻ em. Tết Trung thu đến vào rằm tháng Tám, đang giữa độ mùa thu, mùa mát mẻ và đẹp nhất trong năm. Từ đầu tháng, người ta đã chuẩn bị những cỗ đèn muôn màu, muôn sắc, hình thù độc đáo, các đồ chơi của trẻ nhất là hình ông tiến sĩ giấy cùng bánh dẻo, bánh nướng, gọi chung là bánh trung thu để đón Tết. Trẻ em mang những lồng đèn màu sắc sặc sỡ thắp sáng thành từng đoàn dài kéo nhau đi các thôn ngõ để ca hát reo vui dưới ánh trăng. Khi những ngày Rằm cận kề, các đoàn múa lân, múa sư tử rầm rộ với tiếng kèn, tiếng trống, tiếng pháo càng thêm náo nhiệt.

Không khí Tết Trung thu rộn rã khắp nẻo phố phường Hà Nội

Cứ mỗi dịp Rằm Tháng Tám phố Hàng Mã những ngày này lại rộn ràng, ngập tràn màu sắc với đủ loại đồ chơi

Những ngày này, Hà Nội rộn ràng không chỉ bởi cờ hoa rực rỡ, mà còn náo nức không khí của Tết Trung Thu đang tới gần. Những điểm đến của tết Trung thu ở Hà Nội đang hứa hẹn một không khí vui tươi đang đến gần. Hà Nội hôm nay, không khí Trung Thu đã tràn ngập khắp phố phường.

Tại phố Hàng Mã - nơi mệnh danh là “con phố trung thu”, cứ mỗi dịp Rằm Tháng Tám phố Hàng Mã những ngày này lại rộn ràng, ngập tràn màu sắc với đủ loại đồ chơi và bánh nướng, bánh dẻo, khác mua lúc nào cũng nườm nượp khiến con phố nhỏ chỉ trực chờ để tắc nghẽn.

Mặc dù chưa tới thời khắc “phá cỗ trông trăng” nhưng rất nhiều bạn trẻ háo hức dạo chơi, chụp ảnh.

Không khí Tết Trung thu rộn rã khắp nẻo phố phường Hà Nội

Không khí Tết Trung thu rộn rã khắp nẻo phố phường Hà Nội
Giữa những gian hàng đồ chơi, quần áo có một góc nhỏ dành cho các bé tập làm những trò chơi dân gian.

Dịp trung thu, phố Hàng Mã năm nay bày bán nhiều đồ chơi dân gian truyền thống như mặt nạ giấy bồi hình chú ỉn hiền lành, mặt ông địa ngộ nghĩnh cùng những chiếc đèn kéo quân đủ loại to nhỏ và đèn ông sao rực rỡ sắc màu và nó trở thành tuyến phố có địa điểm chụp ảnh độc và lạ nhất trong dịp trung thu. Đã từ lâu rồi, con phố này là điểm đến không thể bỏ qua của trẻ em.

Cách phố Hàng Mã, không xa chợ đêm phố cố cổ cũng là nơi rất thích hợp cho trẻ em vào đêm trung thu của người Hà Nội.

Thông thường, chợ đêm phố cổ Hà Nội được tổ chức từ 18h đến 23h (18h các chủ hàng bắt đầu dọn hàng ra, 19h hoạt động mua bán chính thức bắt đầu) các tối thứ 6, 7 và chủ nhật hằng tuần tại tuyến phố đi bộ từ phố Hàng Đào tiếp giáp với quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục đến khu chợ Đồng Xuân.

Giữa những gian hàng đồ chơi, quần áo có một góc nhỏ dành cho các bé tập làm những trò chơi dân gian. Nhưng những ngày này, chợ đêm phố cổ lại nhộn nhịp hẳn lên bởi tiếng trống ếch, tiếng nô đùa của các em nhỏ trong không khí trung thu đang đến gần. Trung thu đến, chợ đêm phố cổ Hà Nội lại đông đúc người đi chơi, dạo phố, các em bé thì được dịp 'cưỡi' cổ bố, mẹ dạo chơi.
Không khí Tết Trung thu rộn rã khắp nẻo phố phường Hà Nội

Hơn chục năm nay, từ khi Hà Nội có chợ đêm vào dịp Trung Thu chợ đêm phố cổ lại nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Nơi đây là điểm hẹn thú vị của không chỉ người dân Hà Thành mà của cả những du khách phương xa lần đầu có dịp đặt chân tới mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến.

Nếu chợ đêm phố cổ, hay phố hàng mã luôn huyên náo ồn ã bởi của không khí Trung Thu dành cho mọi lứa tuổi từ trẻ em đến người lớn thì Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam lại là điểm vui chơi bài bản hơn với những trò chơi truyền thống chỉ dành riêng cho những em nhỏ.

Năm nay, các em nhỏ sẽ có cơ hội trải nghiệm khám phá văn hóa biển đảo qua hàng chục trò chơi dân gian ở vùng biển, như: đi chợ chiều, gắp cua bỏ giỏ, nối thúng, ba chân đi hái nho, hắt sò, đoán sò, ô ăn quan bằng vỏ ốc, tìm kho báu...

Đây là những hoạt động rất có ý nghĩa, đã thu hút đông đảo công chúng nhiều năm qua, tạo điều kiện cho các bạn trẻ tiếp cận trực tiếp và tăng cường hiểu biết về truyền thống văn hóa của các dân tộc, đồng thời cũng góp phần khích lệ bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.

Những bạn khéo tay có thể tham gia làm tranh và làm các con vật, tạo hình phong cảnh bằng vỏ sò, vỏ ốc… Hoạt động gấp thuyền, vẽ mắt thuyền, thi tô, vẽ tranh về biển đảo sẽ thu hút các bạn yêu thích hội họa.

Minh Phan