Khi bà con dân tộc thiểu số làm du lịch cộng đồng

(Dân trí) - Không có bãi biển thơ mộng, cũng không có những danh lam thắng cảnh nổi tiếng… chỉ có những bản làng mù sương, xung quanh rừng nguyên sinh bao phủ, nhưng bà con lại có cách thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước tìm về nơi đây.

Việc phát triển du lịch giờ đây không còn là điều xa lạ với bà con đồng bào dân tộc thiểu số sống trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Thậm chí, nhiều du khách từ Châu Âu cũng đã tìm đến đây để thưởng ngoãn cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ và sự trong lành của khí hậu nơi đây.

Vẻ đẹp nguyên sơ nơi những bản làng trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.
Vẻ đẹp nguyên sơ nơi những bản làng trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.

Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp ghé thăm bản Hiêu, xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước. Nằm cách thị trấn Cành Nàng chừng 15km, vào buổi sáng cuối đông, con đường nhựa uốn lượn quanh co vào xã Cổ Lũng nhiều đoạn sương mờ bao phủ giăng kín cả lối đi.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông có diện tích 17.662 ha nằm trên khu vực rừng núi đá vôi đất thấp lớn nhất còn lại ở miền bắc ViệtNamvới 3 kiểu rừng chính là: rừng rậm trên đất thấp, núi thấp; rừng trên núi đá vôi và các thảm thực vật măng tre nứa và cây bụi…

Tại đây, hiện nay có 1.542 loài thực vật 908 loài động vật, trong đó có nhiều loài động thực vật quý hiếm được xếp trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ thế giới như: thông Pà Cò, nghiến, lan hài, kim tuyến đá vôi, voọc xám, báo gấm, sơn dương, gấu đen Châu Á

Bà con dân bản nơi đây đã biết cách làm du lịch cộng đồng.
Bà con dân bản nơi đây đã biết cách làm du lịch cộng đồng.

Không chỉ đa dạng về các loài động thực vật, hệ sinh thái mà Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông còn hấp dẫn du khách bởi cảnh quan mang đặc trưng của vùng Tây bắc Việt Nam với những ruộng bậc thang các làng bản dân tộc ít người sống ven suối, bên những sườn núi nhấp nhô.

Đặc biệt nơi đây có thác nước bản Hiêu hùng vĩ cùng hệ thống hang động kỳ thú, trong đó hang Kho Mường là một trong những hang động đẹp nhất ở Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.

Theo ông Lê Thế Sự - Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên, kiêm Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Pù Luông cho biết, thời gian qua, nhiều du khách Châu Âu đã chọn Pù Luông làm điểm khám phá khi tới Việt Nam du lịch. Phần lớn du khách đến với Pù Luồng là khách quốc tế, năm 2014, trong số khoảng 4.000 lượt khách du lịch tham quan thì có tới hơn 3.500 du khách quốc tế đến từ nhiều quốc gia khác nhau.

Nơi lưu trú của du khách là những ngôi nhà sàn của bà con.
Nơi lưu trú của du khách là những ngôi nhà sàn của bà con.

Bên cạnh những thế mạnh vốn có của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, bà con nơi đây còn có sự hỗ trợ cách làm du lịch cộng đồng, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng, bảo vệ sự đa dạng sinh học cho khu bảo tồn. Để bà con biết làm du lịch ngày một chuyên nghiệp, thu hút du khách, Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho những hộ dân tham gia làm du lịch, đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ bà con đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh phục vụ du khách; hỗ trợ người dân khung dệt cùng vật liệu để bà con tự sản xuất các mặt hàng lưu niệm như khăn, túi, áo... bán cho du khách.

Nhờ đó mà giờ đây, những bản làng trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông đang dần thay da, đổi thịt, những ngôi nhà sàn ngăn nắp, sạch sẽ, những đặc sản vùng quê đã đến được với du khách gần xa.

Chiều xuống trên những bản làng giữa đại ngàn Pù Luông, không khó để bắt gặp những du khách nước ngoài trở về những căn nhà sàn của bà con sau khi có chuyến trải nghiệm Pù Luông.

Anh Hà Văn Tùng, ở bản Hiêu, xã Cổ Lũng là một trong những gia đình tham gia làm du lịch cộng đồng đang tiếp đón đôi vợ chồng mang quốc tịch Anh John Brown. Chia sẻ về những cảm nhận sau khi trải nghiệm Pù Luông, John Brown cho biết: “Quá thú vị. Chúng tôi đã từng qua nhiều điểm du lịch ở các tỉnh miền núi phía bắc Việt Nam như Từ Sa Pa, Mai Châu, Mộc Châu… nhưng không một nơi nào như Pù Luông. Ở đây, chúng tôi được nghe cả tiếng thở của bầy trâu, tiếng vịt kêu bên khe suối vào muỗi buổi sm mai. Và đặc biệt là được hòa vào với nếp sống bình lặng của những cư dân sinh sống giữa rừng già”.

Nhiều du khách nước ngoài thích thú khi đến nơi đây trải nghiệm.
Nhiều du khách nước ngoài thích thú khi đến nơi đây trải nghiệm.

Nhiều du khách nước ngoài sau khi có dịp trải nghiệm thực tế Pù Luông cũng những cảm nhận hết sức thích thú về vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ, những trảng rừng nhiệt đới cùng những phong tục tập quán và nếp sinh hoạt bình dị của bà con dân bản địa.

Du khách khi đến Pù Luông không chỉ được trải nghiệm thực tế, cùng hòa vào nhịp sống của bà con dân bản, như được nghe tiếng thở của rừng già. Điều quan trọng hơn nữa là với loại hình du lịch này thì chi phí cực kỳ rẻ so với những gì du khách có được khi đến nơi đây.

Mỗi đêm lưu trú tại nhà dân trong bản chỉ mất khoảng từ 40-60 nghìn đồng/người; một bữa ăn với những sản vật ngay tại địa phương như: vịt Cổ Lũng, cơm lam, sắn lùi, nộm hoa chuối rừng, canh đắng, ốc núi, cua đá… cũng chỉ khoảng 50 nghìn đồng/suất, cùng với sự phục vụ tận tình, thân thiện của bà con đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng mỗi du khách khi rời Pù Luông.

Khung cảnh nên thơ nơi những bản làng.
Khung cảnh nên thơ nơi những bản làng.

Du khách nước ngoài rất mê sự hoang sơ ở nơi đây. Nhưng cái họ cần nhất khi lưu trú tại những nơi như thế là vệ sinh an toàn thực phẩm và nơi ở phải có các công trình vệ sinh sạch sẽ.

Theo bà con cho biết, dịp đông khách nhất thường vào tháng Ba, tháng Tư, tháng Mườitháng mười Một, khi lúa nhuộm vàng trên các thửa ruộng bậc thang nơi các bản làng trong vùng lõi của Pù Luông.

Duy Tuyên